Trào ngược dạ dày thực quản và viêm loét dạ dày là hai bệnh lý đường tiêu hóa phổ biến. Cả hai đều có những triệu chứng tương tự nhau dễ gây nhầm lẫn: ợ hơi, ợ chua, đau vùng thượng vị… Song đây là hai bệnh lý khác nhau. Đồng thời lại có mối tương quan rất đặc biệt.
1. Mối quan hệ giữa trào ngược dạ dày thực quản và viêm loét dạ dày
Trào ngược dạ dày và viêm loét dạ dày tá tràng là hai bệnh lý tiêu hóa khác nhau. Tuy nhiên, nhiều trường hợp viêm loét dạ dày tá tràng sâu có thể dẫn tới bệnh lý trào ngược dạ dày. Đây chính là hiện tượng dịch dạ dày bị trào ngược lên thực quản, qua một bộ phận gọi là cơ thắt thực quản dưới. Khi cơ thắt thực quản hoạt động tốt, dịch dạ dày không có cơ hội trào ngược lên (vùng thực quản).
Đối với bệnh nhân mắc viêm loét dạ dày tá tràng, nồng độ acid trong dịch vị cao. Kèm theo khả năng tiêu hóa kém kéo dài, cơ thắt thực quản dưới hoạt động kém. Tạo điều kiện thuận lợi cho dịch vị trào ngược. Đó cũng là lý do vì sao bệnh nhân viêm dạ dày thường đi kèm bệnh lý trào ngược dạ dày thực quản.
Đồng thời, trào ngược thực quản cũng làm tăng nguy cơ mắc viêm loét dạ dày. Vì hiện tượng trào ngược kích thích tăng tiết acid – yếu tố chính gây viêm loét dạ dày.
2. Mức độ nguy hiểm của người mắc đồng thời 2 bệnh
Chính vì trào ngược thực quản và viêm loét dạ dày có mối liên quan chặt chẽ với nhau. Do vậy, việc mắc đồng thời cả hai khiến tình trạng bệnh xấu đi nhanh chóng hơn. Làm tăng nguy cơ mắc các bệnh nguy hiểm liên quan đến đường tiêu hóa như: ung thư thực quản, ung thư dạ dày,…
Điều nguy hại ở chỗ, nhiều triệu chứng của ung thư dạ dày giống như những trục trặc nhỏ vô hại ở đường tiêu hóa. Nhiều trường hợp còn không có triệu chứng nên người bệnh không tránh khỏi chủ quan.
Sau ung thư dạ dày, ung thư gan và ung thư đại trực tràng, ung thư thực quản đứng hàng thứ 4 về tỷ lệ ung thư đường tiêu hóa ở Việt Nam. Đây cũng là bệnh nguy hiểm nhưng không có triệu chứng rõ ràng ở giai đoạn đầu. Và trào ngược thức ăn là một trong những yếu tố chính làm tăng nguy cơ ung thư thực quản. Nhất là khi tình trạng này diễn ra liên tục trong thời gian dài.
3. Cần làm gì khi một người vừa bị viêm dạ dày vừa bị trào ngược?
Người bệnh cần thay đổi lối sống tích cực, xây dựng thói quen ăn uống tốt cho dạ dày:
- Lựa chọn thực phẩm có tính kiềm, có khả năng trung hòa acid trong dạ dày như: bánh mì, bột yến mạch, đạm dễ tiêu (thịt lợn thăn, lưỡi lợn, thịt ngan,…)
- Hạn chế thực phẩm kích thích tiết acid hay kích thích cơ thắt dưới thực quản: chanh, cam, dứa, nước có ga, thức ăn cay, nóng, chocolate…
- Kiêng rượu bia, cà phê, thuốc lá…
- Không mặc quần áo quá chật. Không cúi quá lâu. Ngủ nằm đầu cao 15cm so với chân.
- Không ăn quá no, nhất là vào buổi tối. Không uống quá nhiều nước trong khi ăn.
- Giảm cân nếu thừa cân, béo phì.
- Có thể dùng thêm nghệ và mật ong; sữa chua hàng ngày để cải thiện hệ tiêu hóa.
Với một người vừa bị viêm dạ dày vừa bị trào ngược, thì việc kiểm tra sức khỏe định kỳ, tầm soát ung thư là rất quan trọng. Khi điều chỉnh bằng chế độ sinh hoạt và dinh dưỡng mà các triệu chứng không được cải thiện. Cần thông báo đến bác sĩ để được cân nhắc điều trị bằng các phương pháp nội, ngoại khoa. Tức là sử dụng thuốc hoặc phẫu thuật để kiểm soát bệnh tốt và kịp thời.
Theo Nội khoa Việt Nam