DINH DƯỠNG TRONG THỜI GIAN BÉ BỊ TIÊU CHẢY

tháng 7 15, 2019
Dinh dưỡng cho trẻ trong thời gian trẻ bị tiêu chảy là rất quan trọng. Để giúp trẻ phục hồi nhanh và tránh những biến chứng không mong muốn xảy ra. Bé bị tiêu chảy nên ăn gì? Hãy cùng tìm hiểu trong bài viết dưới đây.

1. Nguyên tắc dinh dưỡng dành cho bé bị tiêu chảy

– Khi trẻ không có dấu hiệu mất nước, cho trẻ ăn và bú mẹ như bình thường.
– Nếu trẻ có mất nước, khi các dấu hiệu mất nước đã đỡ, cho trẻ bú mẹ hoặc ăn dần các thức ăn khác. Rồi trở lại chế độ ăn như bình thường càng sớm càng tốt.
– Không bắt bé nhịn ăn và kiêng khem trong khi bé bị tiêu chảy. Đảm bảo bù đủ nước và cung cấp đầy đủ thành phần chất dinh dưỡng cho trẻ. Bao gồm năng lượng, protein, chất béo, vitamin và yếu tố vi lượng để tái tạo và phục hồi niêm mạc ruột bị tổn thương, cải thiện tình trạng dinh dưỡng toàn thân.
– Khi trẻ khỏi bệnh tiêu chảy, cho trẻ ăn thêm 1 bữa 1 ngày trong 2 tuần để trẻ lấy lại cân nhanh chóng.
– Tránh cho trẻ ăn uống các loại thức ăn nước uống lạ trong thời làm tăng thêm tiêu chảy. Ưu tiên dùng các thực phẩm có sẵn tại địa phương thông dụng dễ kiếm.

2. Lưu ý bù nước cho trẻ bằng các các dung dịch tại nhà

Mối lo ngại nhất trong vấn đề tiêu chảy của trẻ là phòng mất nước cho trẻ. Để phòng mất nước sớm ngay tại nhà bằng cách cho trẻ uống nhiều nước hơn bình thường. Các dung dịch có thể dùng là dung dịch oresol, nước đun sôi để nguội. Hoặc các dung dịch chế từ thực phẩm như nước cháo muối, nước gạo rang, nước cơm…
Cách điều trị mất nước tốt nhất là cho trẻ uống oresol. Hoặc có thể cho trẻ uống các loại dung dịch chế từ thực phẩm có điện giải. Số lượng dung dịch cần cho uống tại nhà sau mỗi lần đi ngoài như sau:
  • Trẻ dưới 2 tuổi: 50 – 100 ml.
  • Trẻ từ 2 – 10 tuổi: 100 – 200 ml.
  • Trẻ từ 10 tuổi trở lên: uống theo nhu cầu.

3. Cách chế biến thức ăn cho bé bị tiêu chảy

– Đối với dung dịch oresol: Pha đúng liều lượng theo hướng dẫn sử dụng. Nên dùng dụng cụ đong đo chính xác lượng nước cần pha cho trẻ. Khi đã pha dung dịch oresol chỉ được uống trong vòng 24 giờ. Nếu quá 24 giờ, đổ dung dịch cũ đi, pha gói mới để cho trẻ uống.
– Một số dung dịch bù nước khác cho trẻ:
  • Nước dừa, nước canh rau
  • Nước cháo muối: dùng một nắm gạo, một nhúm muối và 6 bát ăn cơm nước sạch rồi đun nhừ, lọc qua rây, lấy nước cho trẻ uống dần.
  • Nước gạo rang muối: lấy 50 gam gạo đem rang vàng, cho 6 bát nước đem nấu nhừ cùng một chút muối. Rồi lọc qua rây cho trẻ uống dần.
– Thức ăn dành cho bé bị tiêu chảy phải đảm bảo mềm, nấu kỹ, nấu loãng hơn bình thường.
– Nên cho ăn ngay sau khi nấu để đảm bảo vệ sinh, giảm nguy cơ nhiễm khuẩn. Nếu phải cho trẻ ăn những thức ăn đã được nấu sẵn thì cần đun lại trước khi cho ăn.
– Nên chế biến theo phương pháp nấu, luộc, hấp. Tránh đồ ăn chiên xào rán có thể gây rối loạn tiêu hóa thêm.

4. Cách cho trẻ ăn


– Chia nhỏ bữa ăn, cho ăn nhiều lần trong ngày để trẻ dễ hấp thu và tránh nôn trớ. Trẻ nhỏ nên cho ăn 6 lần mỗi ngày hoặc nhiều hơn.
– Cha mẹ nên khuyến khích con ăn thêm. Nhưng không được ép trẻ hoặc làm trẻ sợ ăn.
– Sau khi khỏi tiêu chảy, để giúp bệnh nhi phục hồi nhanh và tránh suy dinh dưỡng nên cho ăn thêm mỗi ngày một bữa trong hai tuần liền. Với trẻ bị tiêu chảy kéo dài, cho ăn thêm mỗi ngày một bữa và kéo dài tối thiểu một tháng.

5. Bé bị tiêu chảy nên ăn gì?

– Cho ăn đầy đủ bốn nhóm thực phẩm như hàng ngày.
+ Chất bột đường chiếm 35-40% nhu cầu năng lượng của trẻ. Nên cho trẻ ăn tinh bột được chế biến kĩ như cơm mềm, cháo nát, khoai tây, bánh mì. Tránh ăn các loại thô nguyên hạt như ngô do khó tiêu.
+ Chất béo cung cấp khoảng 40-50% năng lượng trong 6 tháng đầu đời và 35-40% năng lượng ở trẻ trên 6 tháng tuổi. Ưu tiên chất béo không no do dễ tiêu hóa và hấp thu hơn đối với trẻ như dầu gạo, dầu đậu nành…
+ Protein: Nên dùng thực phẩm có giá trị dinh dưỡng cao, giàu protein như: trứng tươi, cá tươi, thịt nạc tươi…
+ Chất xơ: Không cho trẻ ăn những thực phẩm cứng như rau già, thịt nhiều gân xơ…
+ Vitamin và khoáng chất:  Cho trẻ uống và ăn thêm hoa quả tươi để cung cấp thêm vitamin và khoáng chất.
  • Các loại quả tốt có tác dụng điều trị tiêu chảy nên ưu tiên sử dụng là cà rốt, hồng xiêm, chuối ương.
  • Cho trẻ ăn thêm quả chín hoặc nước quả chín như chuối, xoài, đu đủ… để tăng lượng kali.
– Nên duy trì một chế độ ăn nhạt cho trẻ.
Để trẻ có thể nhanh chóng bình phục và có sức đề kháng tốt, không những cần phải cho trẻ ăn đầy đủ chất dinh dưỡng mà cha mẹ cần phải lựa chọn những thực phẩm tươi ngon, an toàn cho trẻ.

6. Một số thực phẩm tốt cho trẻ bị tiêu chảy 

– Các loại thực phẩm nên dùng cho bé bị tiêu chảy là gạo (bột gạo), khoai tây, thịt gà nạc, thịt lợn nạc, sữa đậu tương, dầu ăn, cà rốt, hồng xiêm, chuối.
– Trẻ bị tiêu chảy ăn sữa chua được không? Nếu trẻ bị tiêu chảy do mất cân bằng vi khuẩn thì những vi khuẩn hữu ích trong sữa chua có thể giúp khôi phục sự cân bằng thích hợp này và làm giảm tình trạng tiêu chảy cho con bạn.
Dinh dưỡng cho trẻ hợp lý trong thời gian trẻ bị tiêu chảy giúp rút ngắn thời gian mắc tiêu chảy của trẻ. Ngoài ra còn khôi phục toàn trạng cho trẻ, đề phòng trẻ bị suy dinh dưỡng. Nếu con bị tiêu chảy, cha mẹ cần tìm hiểu và thực hiện dinh dưỡng tốt cho con em mình.

Theo ThaythuocVN

Share this

Related Posts

Previous
Next Post »