Điếc đột ngột là gì?
Nghe kém được chia làm 3 loại:
(1) Nghe kém dẫn truyền – do gián đoạn âm thanh từ tai ngoài đến cửa sổ bầu dục;
(2) Nghe kém tiếp nhận hay điếc do cảm thụ thần kinh – do tổn thương từ ốc tai đến vỏ não thính giác;
(3) Nghe kém hỗn hợp – kết hợp hai loại trên.
Điếc đột ngột (ĐĐN), được định nghĩa là tình trạng mất hoặc giảm thính lực xảy ra nhanh chóng, phần lớn chỉ xuất hiện ở một tai, do tổn thương của tai trong, có biểu hiện nghe kém tiếp nhận trên thính lực đồ đơn âm. Đây được xem là một cấp cứu trong Tai – Mũi – Họng. Chậm trễ trong chẩn đoán và điều trị có thể làm giảm hiệu quả và cơ hội phục hồi thính lực của bệnh nhân.
Điếc đột ngột có nguy hiểm không?
Hiện nay, số bệnh nhân đến khám vì ĐĐN đang ngày một tăng. Ước tính mỗi tháng có trên 90 trường hợp đến khám ở các trung tâm lớn. Bệnh có xu hướng xảy ra nhiều đối với người làm việc ở những nơi ồn ào, công việc căng thẳng. Ước lượng hàng năm gặp ĐĐN ở 1 người trong số 5.000 người. ĐĐN có thể gặp ở mọi lứa tuổi và thường gặp ở người lớn độ tuổi 40 và 50. Khoảng 32- 65% số bệnh nhân ĐĐN tự cải thiện thính lực một phần hoặc hoàn toàn trong vòng một đến hai tuần sau khởi phát.
Tuy nhiên, bệnh có thể không thuyên giảm kể cả khi điều trị tích cực. ĐĐN khiến bệnh nhân lo lắng, để lại di chứng ảnh hưởng đến sinh hoạt và công việc về sau.
Điếc đột ngột – không dễ dàng xác định nguyên nhân
Nguyên nhân của điếc đột ngột phần lớn khó có thể xác định.
Một số giả thuyết về bệnh nguyên của điếc đột ngột đã được đưa ra như sau:
– Giả thuyết nhiễm vi-rút: 30-40% các trường hợp ghi nhận có nhiễm trùng đường hô hấp trên trong vòng 1 tháng trước khi triệu chứng ĐĐN xuất hiện.
– Giả thuyết mạch máu. Các tổn thương làm giảm lưu lượng máu đến tai trong như vi huyết khối, vi thuyên tắc mạch, co thắt mạch máu, giảm huyết áp, xuất huyết nội mê nhĩ.
– Giả thuyết miễn dịch. Kháng thể kết hợp các kháng nguyên nội sinh ở tai trong.
– Giả thuyết mất cân bằng áp lực: như trong trường hợp sũng nước mê nhĩ.
Chỉ khoảng 10 – 15% các trường hợp ĐĐN có thể xác định được nguyên nhân.
Các nguyên nhân thường gặp nhất bao gồm:
– Các bệnh truyền nhiễm: viêm màng não, viêm mê nhĩ, viêm ốc tai có thể do các tác nhân nấm, vi trùng, vi-rút (sởi, quai bị, rubella, vi-rút gây bệnh mụn rộp, vi-rút gây bệnh thủy đậu…)
– Các bệnh lý mạch máu: tắc hoặc co thắt mạch máu tai trong, đặc biệt ở nhóm bệnh nhân có yếu tố nguy cơ cao như đái tháo đường, tăng huyết áp, béo phì, rối loạn mỡ – máu…
– Các bệnh lý của tai trong như bệnh Ménière.
– Sử dụng các thuốc độc cho tai: kháng sinh nhóm aminoglycosides, quinine, aspirin, cisplatin.
– Các bệnh lý tân sinh u: u góc cầu-tiểu não, u ống tai trong, u di căn từ nơi khác đến xương thái dương hay màng não.
– Các bệnh lý tự miễn: u hạt Wegener, viêm đa khớp, hội chứng Cogan, bệnh Lupus ban đỏ hệ thống.
– Các chấn thương: chấn thương đầu, chấn thương tai do áp lực (lặn sâu, đi máy bay, leo vùng núi cao…), chấn thương tai do âm thanh, rò ngoại dịch.
– Các bệnh lý chuyển hóa: rối loạn chuyển hóa sắt, suy thận…
Làm sao để xác định được điếc đột ngột?
Bệnh cảnh điển hình của một trường hợp ĐĐN là buổi sáng thức dậy, bệnh nhân có cảm giác nghe kém 1 bên tai, thường được phát hiện tình cờ khi bệnh nhân nghe điện thoại. Các triệu chứng khác có thể xuất hiện kèm theo là: đầy nặng tai, ù tai, chóng mặt. Triệu chứng có thể xuất hiện và tiến triển nhanh trong vài phút đến vài giờ hoặc tăng dần trong vài ba ngày.
Để chẩn đoán ĐĐN, tiến hành đo thính lực đồ đơn âm. Khám nghiệm này giúp phân biệt giữa một trường hợp giảm thính lực dẫn truyền với một trường hợp giảm thính lực tiếp nhận.
Tiêu chuẩn chẩn đoán ĐĐN:
– Giảm thính lực tiếp nhận trên 30 decibels
– Giảm thính lực ở 3 tần số âm liên tiếp. (hình 2)
– Giảm thính lực xảy ra trong vòng 3 ngày.
Các phương pháp xác định nguyên nhân điếc đột ngột
Khi đã xác định được ĐĐN, tùy theo gợi ý trên lâm sàng, người ta sẽ cho làm thêm các xét nghiệm khác để tìm nguyên nhân gây bệnh: thử máu, hình ảnh học (thường là nội soi tai, chụp cộng hưởng từ) và các nghiệm pháp đánh giá chức năng tiền đình. Cần nhắc lại rằng mặc dù thăm khám bệnh và thực hiện các xét nghiệm kỹ lưỡng, chỉ có thể xác định được nguyên nhân gây ĐĐN cho khoảng 10-15% các trường hợp.
Trong số các nguyên nhân ĐĐN, khoảng 0,8 – 4% các bệnh nhân có u ống tai trong hoặc u góc cầu – tiểu não. Ngay cả khi bệnh nhân đã hồi phục thính lực hoàn toàn cũng không thể hoàn toàn loại trừ các nguyên nhân này. Do đó, chụp cộng hưởng từ (MRI) có tiêm gadolinium là xét nghiệm phù hợp nhất để loại trừ các bệnh lý sau ốc tai. Nếu không thể chụp cộng hưởng từ, bệnh nhân nên được đo điện thính giác thân não hoặc đo lại thính lực đồ trong quá trình điều trị, các bất thường kéo dài trên 2 xét nghiệm này có thể gợi ý cho các bệnh lý sau ốc tai.
Chụp CT xương thái dương không được khuyến cáo thực hiện thường quy ở các bệnh nhân ĐĐN, ngoại trừ các trường hợp bệnh nhân trẻ tuổi. Nhóm bệnh nhân này có tỷ lệ bệnh lý u sau ốc tai thấp nhưng có tỷ lệ bất thường về cấu trúc giải phẫu cao. Các bất thường giải phẫu có thể phát hiện bằng chụp CT ở nhóm bệnh nhân này bao gồm: thiểu sản ốc tai, hội chứng Mondini, giãn rộng cống tiền đình.
Người ta làm gì để điều trị điếc đột ngột?
Như đã đề cập ở phần nguyên nhân gây ĐĐN, có 85-90% các trường hợp không xác định được nguyên nhân cụ thể. Do đó, có nhiều thuốc điều trị được đề ra với mục đích điều trị bao vây dựa trên các giả thuyết gây bệnh. Các thuốc này có thể được phân nhóm theo cơ chế tác dụng như sau: thuốc kháng viêm (corticosteroids), thuốc giãn mạch (histamin, papaverine), thuốc kháng vi-rút (acyclovir, valacyclovir), thuốc tiêu sợi huyết (heparin, warfarin), thuốc hoạt hóa mạch máu (piracetam), chất chống oxy hóa (vitamin E, ginko biloba). Nhìn chung, các nghiên cứu về hiệu quả của các cách điều trị trong ĐĐN còn nhiều tranh cãi.
Hội Tai Mũi Họng và Phẫu thuật Đầu Cổ của Hoa Kỳ đã đưa ra các khuyến cáo trong tiếp cận điều trị bệnh nhân ĐĐN không rõ nguyên nhân như sau:
– Giải thích cho bệnh nhân về nguyên nhân của ĐĐN và hiệu quả điều trị.
– Corticosteroids là một lựa chọn hiệu quả cho khởi đầu điều trị. Trước đây, corticosteroids thường được sử dụng bằng đường toàn thân (dạng chích hoặc uống). Trong những năm gần đây, chích corticoids trực tiếp xuyên màng nhĩ vào tai giữa (qua đó thuốc có thể đi vào tai trong) được nhiều nghiên cứu ghi nhận tính hiệu quả.
Để tiết kiệm chi phí điều trị, chích corticoids xuyên nhĩ được khuyến cáo chỉ nên thực hiện khi thính lực không phục hồi sau sử dụng corticosteroids đường toàn thân.
– Oxy cao áp liệu pháp có thể được sử dụng nhằm hỗ trợ quá trình điều trị.
– Đánh giá lại thính lực đồ của bệnh nhân trong vòng 6 tháng sau chẩn đoán.
– Tư vấn bệnh nhân sử dụng thiết bị trợ thính giúp bệnh nhân hòa nhập lại cuộc sống nếu thính lực không phục hồi sau quá trình điều trị tích cực.
Đối với nhóm bệnh nhân có thể xác định được nguyên nhân gây bệnh
Tùy từng trường hợp, bác sĩ sẽ chỉ định phương thức điều trị phù hợp: điều trị kháng sinh hoặc kháng vi-rút trong các trường hợp bệnh nhiễm, phẫu thuật lấp lỗ rò nếu bệnh nhân có rò ngoại dịch,…
Các nghiên cứu đều ghi nhận việc khởi động điều trị trong 1 – 2 tuần đầu sau khi xuất hiện triệu chứng sẽ đem lại hiệu quả phục hồi cao, và cơ hội cải thiện sức nghe rất thấp nếu như bắt đầu điều trị 4 tuần sau thời điểm khởi phát. Việc điều trị sớm trong những ngày đầu có thể cải thiện thính lực trong 60-80% các trường hợp.
Các yếu tố tiên lượng khả năng phục hồi kém bao gồm: chóng mặt kèm theo, giảm thính lực nặng, bệnh nhân lớn tuổi.
Điếc đột ngột phòng bệnh hơn chữa bệnh
Một số lời khuyên sau có thể giúp bạn phòng và giảm thiểu các tác hại do ĐĐN gây ra:
– Tránh những nơi có âm thanh lớn hoặc đeo dụng cụ hỗ trợ chống tiếng ồn.
– Có chế độ làm việc và nghỉ ngơi phù hợp.
– Sử dụng thuốc đúng chỉ định, tránh tự ý sử dụng kháng sinh không có y lệnh bác sĩ.
– Tầm soát và điều trị các bệnh lý tim mạch, rối loạn mỡ-máu và đái tháo đường.
– Khi các triệu chứng của điếc đột ngột xuất hiện, cần đến khám bác sĩ ngay nhằm tìm nguyên nhân và điều trị càng sớm càng tốt.
ThS BS Trần Ngọc Tường Linh
Trích Tạp chí “Sống khỏe” – Bệnh viện Đại học Y Dược Thành phố Hồ Chí Minh