CHỨNG NGHẸN ĂN Ở NGƯỜI GIÀ

tháng 7 15, 2019
Người già thường bị nghẹn trong lúc ăn. Một số trường hợp nếu không kịp thời xử lý sẽ dẫn đến tình huống xấu.


Nếu đang ăn bị nghẹn, thường có những biểu hiện: thấy khó nuốt, nấc cục, nôn ọe hoặc ho dữ dội, nói không ra tiếng, có trường hợp nghẹt thở, biến sắc mặt…
Khi người cao tuổi có triệu chứng trên, người nhà cần chú ý cấp cứu ngay tại chỗ. Đối với trường hợp người nghẹn vẫn tỉnh táo thì để nạn nhân ngồi, hơi cúi nửa người ra phía trước. Người nghẹn cần phải ho mạnh nhằm tạo ra dòng khí quản thúc đẩy thức ăn ra ngoài đường hô hấp. Người cấp cứu đứng phía sau đập mạnh vào vùng lưng.
Trong trường hợp người nghẹn bất tỉnh, hãy cho nằm nghiêng người. Ngưới cấp cứu lấy ngón tay ấn lưỡi nạn nhân xuống, tay kia đập mạnh vào vùng lưng. Nếu không có kết quả thì ép xuống ngực rồi nhấc lên cao quá vai, làm liên tục thao tác này. Người nghẹn không trở lại bình thường cần gọi bác sĩ trợ giúp, dùng kim tiêm lớn chọc vào khí quản, mở đường thông khí để duy trì sự sống.
Do trương lực dạ dày giảm, sức co bóp yếu, dịch vị và dịch nước bọt cũng như các men tiêu hóa hấp thụ giảm cả về số lượng, chất lượng nên người già thường ăn kém ngon.
Mặt khác, hoạt động thể lực giảm, tiêu hao năng lượng cho chuyển hóa cơ bản giảm nên nhu cầu dinh dưỡng cũng giảm theo. Vì thế, người già cần giảm lượng ăn vào. Nếu ở người trẻ tuổi, mỗi ngày cần 2500 kcal thì khi 60 tuổi chỉ cần 80% (2000 kcal) và khi 70 tuổi chỉ cần 70% (1800 kcal) là đủ. Cần chia lượng ăn thành nhiều bữa nhỏ và ăn chậm, nhai kĩ. Nên thay đổi thực đơn thường xuyên, tránh đơn điệu, chú ý các món ăn mềm, thái nhỏ, hầm kĩ, dễ tiêu; nên ăn món luộc, hấp thay cho món xào và nướng.
Người già cũng không được ăn quá no, nhất là vào buổi tối, vì khi nằm dạ dày căng to sẽ đẩy cơ hoành lên chèn ép làm cản trở hoạt động của tim. Ăn xong, các cụ nên ngồi hoặc đi lại nhẹ nhàng trong vòng 30 phút nhằm giúp dạ dày nhào trộn tiêu hóa thức ăn để chuyển xuống ruột nên dễ dàng.
Để hạn chế tối đa bị nghẹn, người cao tuổi cần lưu ý ăn chậm, nhai kĩ, tập trung khi ăn uống, không nói chuyện, không mải nghĩ và bực mình trong bữa ăn.
 Theo Tạp chí Thầy thuốc Việt Nam

Share this

Related Posts

Previous
Next Post »