KIỂM SOÁT TIẾNG ỒN - BẢO VỆ THÍNH LỰC CHO TRẺ

tháng 9 12, 2019

 TRÁNH TIẾNG ỒN Ở TRẺ EM



 Tiếng ồn là rung động cơ học đặc trưng bởi tần số (Hz), cường độ (dB), nhịp độ và thời gian kéo dài.
 Tiếng ồn là âm thanh mà ta không mong muốn hoặc vô nghĩa. Tiếng ồn là một yếu tố ô nhiễm.

 Ở KHOA SƠ SINH, CHÚNG TÔI LÀM GÌ ĐỂ KIỂM SOÁT TIẾNG ỒN?

Tiếng ồn ở khoa sơ sinh là một yếu tố tăng tỉ lệ tử vong và tàn tật. Ở các khoa sơ sinh, nơi mà toàn các bé non nớt và ốm mệt nhiều, chúng tôi luôn làm mọi cách để âm thanh là thủ thỉ êm dịu nhất, vì đó là nhóm trẻ nguy cơ cao nhất. Chúng tôi nói năng nhỏ nhẹ, bác nào cũng nói nhẹ nhàng, chân đi không quẹt quẹt, cửa lồng ấp đóng nhẹ nhàng, ra vào đỡ cửa khi sập, máy báo động cũng phải cài chuẩn để chỉ báo động khi cần thiết. Chúng tôi có cả máy báo tiếng ồn. Nếu ai đó nói to quá, đèn chớp sẽ loé loé (không có tiếng báo động). Hay không? Hehe.

 MẤT THÍNH LỰC DO TIẾNG ỒN

Cơ chế là tổn thương các cấu trúc rung động dẫn âm và các đầu mút thần kinh ở tai. Gọi là ĐIẾC THẦN KINH.
🙆🏻‍♂️ Hay gặp nhất là do môi trường lao động. Ở trẻ em, nếu không phòng trừ và có ý thức bảo vệ tai con, thì rõ ràng là có nguy cơ mất thính lực ngay từ thời thơ ấu. Mà nghe không tốt, thì sao thành nhà văn ca sĩ?

NGUỒN TIẾNG ỒN VỚI TRẺ EM

Âm thanh thường ồn ào quá mức cho phép ở những nơi như:
- Khu dân cư đông đúc
- Trường học, bệnh viện
- Thang máy, đài phun nước
- Đồ chơi phát ra tiếng kêu
- Giao thông giờ cao điểm
- Nhà xưởng
- Xây dựng, đào đường lấp hố

⚠️ NHÓM TRẺ NÀO DỄ TỔN THƯƠNG?


- Thai nhi
- Trẻ sơ sinh
- Trẻ đẻ non, nhẹ cân
- Trẻ có bệnh lý tăng động, khó đọc
- Trẻ đang dùng thuốc độc cho tai
- Trẻ đang có bệnh lý tai - thính lực
Ngay từ thế kỉ XX, người ta đã ghi nhận nếu bà mẹ mang thai phải sống, làm việc trong môi trường ồn ào liên tục, thì ngay trong 3 tháng đầu thai kì, thai nhi đã có nguy cơ dị tật, mất thính lực bẩm sinh, ảnh hưởng tới tăng cân trong bụng mẹ.

😿 TÁC ĐỘNG CỦA TIẾNG ỒN

- Tổn thương tai trực tiếp: gây mất thính lực, giảm ngưỡng nghe.
- Ảnh hưởng gián tiếp: tâm lý, nhận thức và khả năng học tập, đọc hiểu, trí nhớ dài hạn, tập trung chú ý.
Rất nhiều âm thanh cường độ cao có thể đánh sập các cơ chế bảo vệ thích ức, gây tổn thương vĩnh viễn đến cấu trúc của tai và hệ thống truyền âm của trẻ. Những tiếng ồn kéo dài lặp đi lặp lại cũng gây các tổn thương vĩnh viễn.

🧸 VẬY TRẺ EM CẦN GÌ?

Ngưỡng nghe an toàn tuỳ thuộc vào loại tiếng ồn và thời gian tiếp xúc với tiếng ồn đó. Trẻ em khác người lớn là không biết kêu tiếng này to quá, ồn ào khó chịu quá, trẻ có thể chỉ khóc và quấy thôi.
- Trẻ sơ sinh mới đẻ: dưới 45 dB (ngang tiếng nói chuyện nhỏ). Quá ngưỡng này là có - hại.
- Trẻ lớn hơn: các tiếng ồn dưới 70 - 80 dB được coi là an toàn. Mức 80 dB là ngang mức tiếng động leng keng băm chặt ở một quán phở sáng ở Hà Nội hoặc tiếng xe cộ trên đường Thành Thái lúc 3 giờ chiều. Mức 60 dB (rất an toàn) là tương đương mức nói chuyện riêng cự li gần.
- Tiếp xúc với âm thanh trên 100 dB (tiếng tàu hoả chạy) không có bảo hộ là có hại, với thời gian tiếp xúc dù ngắn hay dài.
⚠️ CẦN TRÁNH mọi âm thanh cao hơn ngưỡng đó. Nếu không thể tránh thì dùng bịt tai, nút tai, tai nghe khử ồn cho bé khi đến những nơi nguy cơ có tiếng ồn (đám đông, tàu xe, sân bay, sân khấu, vũ trường, sự kiện âm nhạc) cũng như GIẢM TỐI ĐA thời gian tiếp xúc, tần suất phải nghe tiếng ồn - dù chỉ ở ngưỡng hơi cao.

🐤 NGUY CƠ CHÓI TAI TỪ ĐỒ CHƠI

😱 Nhiều món đồ chơi có tiếng rất to, ví dụ như tiếng mấy con chíp chíp vịt bầu, súng đồ chơi phát tiếng bắn, xe đồ chơi có tiếng còi cảnh sát, búp bê có tiếng, còi, xúc xắc, hộp nhạc. Âm thanh có thể lên tới 120 - 200 dB. Nhất là khi con có thể dí sát tai bóp nghe thử. Hoặc ai đó vui tính muốn làm con cháu giật mình nên bóp ...trêu đùa. Đúng là chơi dại quá mà!
📯 Giải pháp: Nghe thử trước khi mua. Nếu mua xong mới biết thì tháo pin, đổ keo dính chặt hoặc dán băng dính dày lên lỗ loa. Nếu vẫn to: vứt bỏ.
BS. ĐỖ TIẾN SƠN
Chăm con chuẩn Mỹ

Share this

Related Posts

Previous
Next Post »