1.Xuất huyết tiêu hóa trên là bệnh gì?
Xuất huyết tiêu hóa là tình trạng máu thoát ra khỏi lòng mạch của ống tiêu hóa chảy vào lòng ống tiêu hóa. Xuất huyết tiêu hóa cao, hay còn gọi là xuất huyết tiêu hóa trên, là sự xuất huyết xảy ra ở phần trên của ống tiêu hóa, bao gồm thực quản, dạ dày, tá tràng.
2.Nguyên nhân gây bệnh
Việc máu bị chảy ra trong đường tiêu hóa thường là do biến chứng của nhiều bệnh như:
Hội chứng Mallory Weiss
Vỡ giãn tĩnh mạch thực quản, tĩnh mạch phình vị
Loét thực quản
Loét dạ dày-tá tràng
Ung thư dạ dày/Polyp dạ dày, tá tràng
Viêm xuất huyết tiêu hóa
Sang thương mạch máu: Dieulafory, Hemangiomia, loạn sản mạch máu
Chảy máu đường mật
Suy gan (do xơ gan hoặc viêm gan)
Bệnh suy tủy xương: giảm tiểu cầu dẫn đến chảy máu
Bệnh máu chậm đông, bệnh ưa chảy máu
Do dùng một số loại thuốc chống đông: heparin, dicaumoron
3.Đối tượng nguy cơ
Bệnh xuất huyết tiêu hóa trên thường là hậu quả do lối sống, thói quen sinh hoạt, ăn uống không đúng cách, sử dụng nhiều rượu, bia lâu ngày làm tổn thương các cơ quan tiêu hóa như gan, dạ dày, ruột. Ngoài ra những người hay gặp phải các vấn đề về tinh thần như căng thẳng, stress, lo lắng,… cũng dễ dàng bị viêm loét dạ dày – hành tá trạng dẫn đến xuất huyết đường tiêu hóa.
4.Triệu chứng của bệnh
Các triệu chứng thường gặp nhất của xuất huyết tiêu hóa cao bao gồm:
Nôn ra máu: tùy theo vị trí và mức độ chảy máu mà tính chất nôn khác nhau, số lượng có thể từ vài chục ml đến hàng lít. Màu của máu nôn ra có thể là đỏ tươi, , màu hồng nhạt hoặc nâu sẫm.
Đi ngoài ra máu hoặc phân đen.
Mất máu: người bệnh cảm thấy hoa mắt, chóng mặt, người yếu ớt, xanh xao. Nếu mất máu quá nhiều sẽ dẫn tới tụt huyết áp, ngất xỉu, khó thở.
Sốc: trường hợp bị mất trên 20% lượng máu trong cơ thể, người bệnh sẽ có biểu hiện tím tái, da lạnh, huyết áp tụt thấp.
5.Điều trị bệnh
Việc điều trị Xuất huyết tiêu hóa dựa trên nguyên tắc phục hồi lại thể tích máu và hồi sức, cầm máu, xử lý nguyên nhân để tránh tái phát.
Với xuất huyết tiêu hóa do loét dạ dày tá tràng có thể thực hiện cầm máu qua nội soi, cầm máu bằng dụng cụ (lọng, khâu, kẹp cầm máu), tiêm cầm máu bằng dung dịch gây chèn mạch máu, gây xơ; nhiệt cầm máu. Điều trị tình trạng loét dạ dày tá tràng bằng các thuốc ức chế tiết acid. Một số trường hợp có thể chỉ định phẫu thuật cầm máu.
Với xuất huyết tiêu hóa do vỡ giãn tĩnh mạch thực quản thì lựa chọn hàng đầu là can thiệp nội soi thắt tĩnh mạch thực quản kết hợp thuốc co mạch tạng.
Trường hợp chảy máu đường mật cần truyền máu, truyền dịch song song với điều trị nhiễm trùng đường mật, nếu máu không tự cầm thì cần phẫu thuật.
Chảy máu do viêm dạ dày cần đặt sonde và bơm rửa dạ dày, điều trị bằng thuốc chống tiết acid.
Với hội chứng Mallory Weiss, đa số máu sẽ tự ngừng chảy, trường hợp chảy máu nặng thì cần nội soi để cầm máu.
6.Cách phòng tránh bệnh
Để phòng tránh xuất huyết tiêu hóa, tốt nhất là nên thay đổi thói quen ăn uống, sinh hoạt, uống ít rượu, bia, hạn chế ăn đồ chua, cay, nóng, nên tập thể dục và bổ sung thêm rau, quả trong các bữa ăn. Ngoài ra khi mắc các bệnh có thể dẫn tới xuất huyết tiêu hóa thì nên đi khám và điều trị kịp thời.
Nguồn Nội khoa Việt Nam