LAU MÁT HẠ SỐT ĐÚNG CÁCH VÀ ĐÚNG LÚC

tháng 9 03, 2019

🌡 CÓ NÊN TẮM ẤM, LAU MÁT HẠ SỐT?

🤒 Trước khi bắt đầu, ta sẽ nhắc lại mục tiêu của hạ sốt ở trẻ không mắc bệnh lý nền (tim mạch, nội tiết, thần kinh, co giật do sốt) trước đó: “Để trẻ cảm thấy dễ chịu hơn”. Nguyên tắc này sẽ đi theo các phương pháp hạ sốt mà ta muốn làm.


🕵🏻‍♂️ KHUYẾN CÁO NÓI GÌ?

🇬🇧 Khuyến cáo của NICE (Anh) về hạ sốt ở trẻ dưới 5 tuổi (nhóm tuổi mà sợ co giật do sốt):
✍🏻 “Lau mát hạ sốt - tepid sponging KHÔNG được khuyên dùng để hạ sốt.”
✍🏻 “Trẻ sốt không nên bị cởi te he hoặc quấn kĩ quá mức.”
Cơ sở của khuyến cáo này là các thử nghiệm so sánh cho thấy trẻ được tắm ấm và lau mát có hiệu quả hạ sốt, nhưng lại KHÓ CHỊU hơn. Hiệu quả hạ sốt trong 2 giờ sau đó lại kém hơn so với uống hạ sốt.
🙄 Nhưng chúng tôi không cứng nhắc như thế. Vương quốc Anh cổ kính có gì đó vẫn “khuôn vàng thước ngọc” và nghiêm khắc.

 HƯỚNG DẪN LAU MÁT VÀ TẮM ẤM HẠ SỐT TỪ CHĂM CON CHUẨN MỸ

😱 Khi con ngày một sốt cao, mẹ sẽ cực kì căng thẳng (đặc biệt nếu con từng co giật do sốt), trẻ cũng quấy và mệt nhiều.
👍🏻 Nếu không thể dùng thuốc hạ sốt (vì dị ứng, vì chống đối uống thuốc, chưa đến lúc uống tiếp...) thì phụ huynh CÓ THỂ ÁP DỤNG TẮM ẤM, LAU MÁT cho con để hạ sốt. Trước khi paracetamol ra đời, đây chính là phương pháp hạ sốt duy nhất con người có.
🥶 Trước khi hướng dẫn, tôi muốn các bạn nhớ lại cảm giác đang sốt, cảm cúm mà có ai đó hắt tí nước vào hay phải làm việc gì đó dính nước - sẽ gai rét khó chịu. Trẻ con cũng vậy. Có đứa thoải mái, có đứa không. Lựa lựa.

👨🏻‍⚕️ QUY TRÌNH TẮM ẤM LAU MÁT

✴️ Hãy làm điều dễ hơn trước: cho con uống thuốc hạ sốt. Không được thì mới tiếp tục quy trình...
- Chuẩn bị chậu tắm: 3-5 cm nước âm ấm (30 - 35 độ C). Nếu không có nhiệt kế thì thử bằng cổ tay - ở mức “hơi ấm”.
- Nhiệt độ phòng: trên 25 độ C.
- Phòng kín gió.
- Không dùng nước lạnh do gây rét run, sốt tăng nhanh hơn hoặc hạ thân nhiệt.
- Khi trẻ bắt đầu run, tức là nước đã bắt đầu dưới mức 28 độ C. Dừng tắm ngay.
- Cho trẻ ngồi trong chậu (dễ chịu hơn là nằm, con sẽ đỡ sợ hơn).
- Dùng khăn thấm nước ấm lau người, chân, tay, cổ, nách, trán, bẹn.
- Tiếp tục cho đến khi đỡ sốt hoặc trẻ bắt đầu hơi run run vì lạnh.
- Thời gian trung bình: 15 - 45 phút ~ hạ được 1 - 2 độ C.
- Không dùng: cồn lau (thấm qua da gây ngộ độc), nước đá, nước lạnh (hạ nhiệt độ hoặc run gai rét nổi da gà gây sốt tăng).

🚫 NẾU:

- Trẻ khó chịu, sợ nước: dừng ngay. 
- Trẻ không muốn bị lau hay dội nước: để trẻ thoải mái ngồi chơi trong chậu nước. 
- Trẻ run run gai gai rét: dừng ngay. Dù chưa hạ sốt.

✴️ LUÔN NHỚ:

Con cảm thấy thoải mái hơn chính là mục tiêu của hạ sốt! Con không thoải mái = thất bại hạ sốt.
 Lau mát hạ sốt với nước ấm chính là tắm ấm hạ sốt dạng cơ động gọn nhẹ. Nguyên tắc và cơ chế tương tự. Nhớ là lau, chứ không phải là đắp. Lau ấm rồi để bay hơi giúp hạ nhiệt. Chứ đắp vào thì bay hơi hạ nhiệt kiểu gì?

 VỀ MIẾNG GEL HẠ SỐT

Trẻ có thể dễ chịu hơn khi có khăn mát lau trán, hay miếng gel dán hạ sốt man mát đắp trên đầu. Dùng được, miễn là con dễ chịu. Đứa nào không thích thì thôi. Chú ý chỉ dùng loại gel dán KHÔNG có paracetamol để tránh cộng hợp gây quá liều thuốc.

✌🏻 Tóm lại:

- Lau mát và tắm ấm hạ sốt được không? Được, miễn là con dễ chịu. 
- Tắm ấm có tác dụng hạ sốt ngắn hơn uống thuốc và ĐA SỐ là làm trẻ khó chịu, quấy khóc hơn. Hãy làm việc dễ hơn trước: uống thuốc hạ sốt. 
- Nhớ là tắm nước ấm chứ không dùng cồn, nước lạnh, đá. 
- Dán miếng gel hạ sốt cho trẻ dễ chịu cũng được, miễn là loại không paracetamol/acetaminophen.
👨🏻‍⚕️ Bác sĩ Đỗ Tiến Sơn
🕵🏻‍♂️ Tham khảo:
1. Khuyến cáo NICE về hạ sốt ở trẻ dưới 5 tuổi (2013) 🇬🇧
2. Review của Pediatrics In Review về các liệu pháp trị bệnh vật lý dân gian huyền thoại (2009) 🇺🇸
3. Tìm tòi của Cochrane về các biện pháp vật lý giúp hạ sốt ở trẻ em (2003) 🇺🇸

Share this

Related Posts

Previous
Next Post »