1.Viêm tai giữa là bệnh thường gặp ở trẻ em.
Có nghiên cứu cho rằng, khoảng 50-85% trẻ em dưới 3 tuổi trên thế giới đã từng mắc viêm tai giữa ít nhất 1 lần. Tức là cứ 10 trẻ dưới 3 tuổi, thì có từ 5-8 trẻ đã từng mắc viêm tai giữa ít nhất 1 lần. Có trẻ bị tái đi tái lại nhiều lần.
Tỷ lệ mắc bệnh cao nhất ở nhóm trẻ từ 6 tháng tuổi đến 15 tháng tuổi.
Viêm tai giữa là nguyên nhân phổ biến nhất gây suy giảm khả năng nghe ở trẻ em. Có trường hợp viêm tai giữa gây điếc vĩnh viễn. Ngoài ra, các biến chứng của viêm tai giữa có thể dẫn tới tử vong như viêm màng não, áp xe não, viêm tắc tĩnh mạch.
2. Nguyên nhân dẫn tới viêm tai giữa
2.1. Vai trò của vòi nhĩ
Viêm tai giữa nguyên nhân đa dạng, nhưng phần lớn đều liên quan đến một bộ phận gọi là vòi nhĩ. Trước khi tìm hiểu nguyên nhân viêm tai giữa, cần tìm hiểu về vòi nhĩ.
- Tai giữa được thông với vòm mũi họng bằng một “đường ống” gọi là vòi nhĩ (hay ống Eustachi). “Cổng” của đường ống này gọi là lỗ vòi nhĩ (Lỗ Eustachi) nằm gần Amidan.
- Vòi nhĩ có tác dụng thông khí, làm cân bằng áp lực trong tai giữa với môi trường. Tuy nhiên, nó cũng là con đường dẫn vi khuẩn từ mũi họng lên tai giữa.
- Ở người lớn, vòi nhĩ luôn xẹp. Vòi nhĩ chỉ mở khi ngáp hoặc nuốt.
- Ở trẻ em, vòi nhĩ nằm ngang, khá rộng và thẳng. Lỗ vòi nhĩ luôn mở, vi khuẩn dễ xâm nhập từ mũi họng lên tai giữa. Vậy nên trẻ em dễ mắc viêm tai giữa hơn người lớn.
2.2. Nguyên nhân viêm nhiễm cấp tính ở mũi họng
Vi khuẩn từ vòm mũi họng theo vòi nhĩ đi lên tai giữa gây viêm vòi nhĩ và tai giữa. Vòi nhĩ bị viêm tắc lại, khiến dịch viêm trong tai giữa không thoát ra được, làm tình trạng viêm càng nghiêm trọng. Đây là nhóm nguyên nhân thường gặp nhất.
Một số bệnh trong nhóm này là:
- Cúm.
- Sởi.
- Viêm mũi.
- Viêm xoang.
- Viêm VA.
- Viêm amidan…
- Hầu hết trẻ em bị viêm mũi xoang cấp, viêm VA cấp, viêm amidan cấp đều có kèm theo viêm tai giữa cấp tính.
2.3. Nguyên nhân lỗ vòi và vòi nhĩ bị bít tắc
Lỗ vòi và vòi nhĩ bị bít tắc dẫn tới áp lực trong tai giữa giảm so với môi trường. Sự mất thăng bằng áp lực khiến tai giữa chảy dịch, gây viêm. Các nguyên nhân trong nhóm này là:- Do khối u trong ung thư vòm mũi họng, ung thư amidan chèn ép vào lỗ vòi.
- Do amidan quá phát, to ra bít vào lỗ vòi.
- Do dị ứng làm niêm mạc vòi nhĩ bị phù nề, gây tắc vòi nhĩ.
2.4. Nguyên nhân do chấn thương
- Do vệ sinh tai thô bạo, không đúng cách bằng các vật sắc nhọn gây rách màng nhĩ. Dụng cụ vệ sinh không sạch sẽ cũng gây viêm tai.
- Do chấn thương gây ra bởi sức ép bom đạn, tiếng nổ gây rách màng nhĩ.
2.5. Nguyên nhân do thay đổi áp lực đột ngột
- Phi công hoặc hành khách máy bay lao từ trên cao xuống thấp. Nhất là những người đang bị viêm mũi xoang, viêm họng khi đi máy bay dễ bị viêm tai giữa hơn.
- Người thợ lặn, người làm việc trong buồng khí nén.
2.6. Nguyên nhân gây viêm tai giữa mạn tính
Viêm tai giữa mạn tính chủ yếu do viêm tai giữa cấp tính không được điều trị triệt để. Các triệu chứng của bệnh thoái lui khiến người bệnh lầm tưởng đã khỏi bệnh và ngưng điều trị. Viêm tai giữa mạn tính tiến triển âm thầm nhưng dai dẳng và gây ra các biến chứng nặng nề cho người bệnh.3. Ai dễ mắc bệnh viêm tai giữa
Ngoài các nguyên nhân gây viêm tai giữa nêu trên, có một số yếu tố đã được nghiên cứu làm tăng khả năng mắc bệnh, gọi là các yếu tố nguy cơ. Theo đó, những người có các yếu tố nguy cơ này, thì khả năng mắc bệnh cao hơn những người khác. Những người dễ mắc viêm tai giữa là:- Trẻ em dưới 5 tuổi dễ mắc viêm tai giữa hơn so với các lứa tuổi khác.
- Trẻ sinh non dưới 37 tuần tuổi thai.
- Trẻ sinh nhẹ cân, cân nặng dưới 2,5kg.
- Trẻ có anh chị em, người thân trong gia đình mắc các bệnh nhiễm trùng tai có khả năng mắc viêm tai giữa cao hơn.
- Những người có điều kiện vệ sinh kém, nước sinh hoạt bị ô nhiễm.
- Những trẻ tiếp xúc với khói thuốc lá và những người lớn hút thuốc lá có khả năng mắc viêm tai giữa cao hơn.
- Vậy là chúng ta đã làm rõ các nguyên nhân gây viêm tai giữa. Viêm tai giữa là bệnh thường gặp nhưng có thể gây suy giảm khả năng nghe và gây tử vong nếu không được điều trị kịp thời. Biết được viêm tai giữa nguyên nhân và cách điều trị, chúng ta hoàn toàn có thể phòng tránh được viêm tai giữa và các biến chứng nguy hiểm của căn bệnh này.
Theo BS. Hồng Hạnh