VỀ CHĂM SÓC TAI Ở TRẺ NHỎ

tháng 8 13, 2019

🤓 NGỨA TAI KHÁC ĐAU TAI

Ngồi phòng mạch, vẫn thường có bố mẹ bế con đến khám vì lí do thấy con kéo tai, vò tai, ngoáy ngoáy tỏ vẻ ngứa ngáy lắm, và sợ là viêm tai, nhờ bác sĩ kiểm tra hộ.
Cẩn thận là đúng thôi, nhưng cần phân biệt được NGỨA TAI và ĐAU TAI. Đau tai thì khả năng cao là viêm tai rồi, còn ngứa tai thì chưa chắc.
👋 Phân biệt thế nào: đơn giản, trẻ không nhăn mặt, khóc khi bố mẹ thử kéo nhẹ dái tai, thì là ngứa tai.
Trẻ biết nói rồi thì trẻ kêu cho mẹ luôn, khỏi thử.

👂 CÁC NGUYÊN NHÂN LÀM TRẺ KÉO TAI, VÒ TAI

- Khám phá: Ở trẻ bé, trẻ bắt đầu khám phá chính cơ thể mình. Vì thế, kéo tai, giựt tai thường gặp ở trẻ trên 4 tháng tuổi (bắt đầu táy máy) và dưới 12 tháng tuổi (vì sau tuổi đó có nhiều trò khác chơi vui hơn).
- Ráy tai: Ở trẻ lớn hơn, đây là nguyên nhân chính. Một tí ráy tai làm cho bé ngứa ngáy khó chịu. Ráy tai có thể dồn lại nén thành 1 cục (thường do bố mẹ dùng bông ngoáy tai đẩy sâu vào trong ống tai). Với trẻ dưới 10 tuổi, bông ngoáy tai thường TO ngang (hoặc hơn) ống tai, nên sẽ đẩy tịt ráy tai vào sâu hơn.
- Xà phòng: Sữa tắm, dầu gội dư lại sau tắm sẽ gây ngứa, kích ứng ở ống tai.
- Viêm nhiễm vùng tai: Trẻ có viêm tai sẽ kèm theo các dấu hiệu của nhiễm trùng: mệt mỏi, đau tai và khóc vô cớ.

👀 Vì thế, vò tai, giựt tai thường gặp ở trẻ bé (dưới 2 - 3 tuổi). Chỉ đơn giản là vò tai giựt tai mà KHÔNG KÈM THEO các triệu chứng khác như khóc, sốt thì KHÔNG PHẢI LO. Không đau, không sốt thì HIẾM KHI VIÊM TAI LẮM!.

🤓 VẬY KHI NÀO ĐI KHÁM

👨‍⚕️ ĐI KHÁM BÁC SĨ NHI / TAI MŨI HỌNG NẾU:
- Sốt trên 40 độ C
- Dưới 12 tuần tuổi, kèm sốt. Nhóm tuổi này chú ý không nên tự dùng hạ sốt, đi khám trước.
- Nhìn con mệt mỏi, lừ đừ.
- Bố mẹ cảm thấy con cần phải đi khám (linh cảm, chúng tớ luôn đề cao linh cảm này của bố mẹ).
🏃‍♂️ ĐI KHÁM NGAY TRONG VÒNG 24H NẾU:
- Con đau nhiều (khóc ngằn ngặt ở trẻ chưa biết nói).
- Đang ngủ, lại dậy quấy khóc vì đau.
- Kèm theo sốt hoặc chảy mũi, ho...
- Chảy dịch từ ống tai (dịch vàng hoặc mủ)
- Nổi hạch cổ, góc hàm
- Trẻ chỉ ngoáy 1 bên tai, cố ngoáy sâu vào ống tai
- Bố mẹ cảm thấy con cần phải đi khám
🚶‍♂️ ĐI KHÁM THONG THẢ NẾU:
- Vò tai, giựt tai quá 3 ngày liền
- Ngứa ngáy tai trên 7 ngày
- Mẹ còn lăn tăn
👨‍👨‍👧‍👧 CHƯA CẦN ĐI KHÁM, THEO DÕI Ở NHÀ NẾU:
- Chỉ là nghịch tai và giựt tai cho vui
- Ngứa tai đơn thuần
🧐 CHÚ Ý KHI CHĂM SÓC
👋 MẤY ĐIỀU CẦN BIẾT VỀ KÉO TAI GIỰT TAI
- Nhiều đứa giựt tai mình (không phải tai mẹ) là đang tự khám phá và dùng đồ chơi sẵn có
- Một số đứa thì vì ngứa ống tai (chưa chắc đã là do viêm).
- Cục ráy tai là nguyên nhân hay gặp (đa số do bố mẹ ngoáy tai hộ)
- Con có thể kéo tai giựt tai cùng lúc khi bắt đầu có chảy mũi, khụt khịt, ho nhẹ (kiểu cúm) do biến đổi dịch tai giữa. Hiếm hoi mới gây viêm tai giữa. Nếu tiến triển thành viêm tai, sẽ có sốt và đau.
- Chỉ kéo giựt tai thôi thì không phải là dấu hiệu của viêm tai.
👋 NẾU CON THÍCH NGHỊCH TAI
- Kệ nó
- Càng để ý càng nghịch dữ
👋 KHÔNG DÙNG BÔNG NGOÁY TAI
- Bông ngoáy tai sẽ đẩy ráy tai thành 1 cục, bít ống tai. Ráy tai có nhiệm vụ bảo vệ niêm mạc ống tai, ráy tai không phải tội đồ. Ráy tai có cơ chế tự đào thải, tự chảy hoặc rơi ra ngoài.
- Việc dùng bông ngoáy tai có thể làm ráy tai đóng cục (tăm bông to, đẩy ráy sâu vào trong), lau chùi sạch quá cũng làm cho tổn thương niêm mạc ống tai và rối loạn quá trình tự làm sạch của ống tai.
- Không được dùng bông ngoáy tai cho trẻ dưới 10 tuổi.
- Các bác sĩ tai mũi họng khi vệ sinh ống tai con sẽ có kĩ thuật quấn bông riêng tùy theo từng bệnh nhân. Chỉ các bác TMH mới làm được, sau khi đã soi tai cho con.
👋 CẨN THẬN KHI DÙNG SỮA TẮM, DẦU GỘI
- Tránh chảy vào tai, gây ngứa
👋 DÙNG DẤM LOÃNG ĐỂ TRỊ NGỨA TAI ĐƠN THUẦN
- Nếu lăn tăn, hãy đưa con đi khám trước
- Dấm loãng chỉ dùng để trị ngứa ống tai ngoài
- Phương pháp này đã được bác sĩ kiểm tra về bằng chứng y học, acid acetic trong dấm trắng (dấm táo) giúp phục hồi pH bình thường của ống tai, ức chế vi khuẩn - nấm tại chỗ.
Đã được nghiên cứu chính thống nói tới: https://journals.lww.com/thehearingjournal/toc/2010/03000
- Áp dụng khi: chỉ ngứa tai đơn thuần
- Không dùng khi: ngứa kèm theo đau (ngứa + đau tai = đi khám), con đang đặt ống thông (trong viêm tai) hoặc tai chảy mủ hoặc rách màng nhĩ do viêm tai giữa vỡ mủ.
- Pha dấm trắng (không kèm tỏi, ớt nhé) với nước ấm tỉ lệ 1:1, trộn đều, nhỏ 2 giọt mỗi bên tai 1 lần một ngày, trong 3 ngày liền.
- Nếu không chắc chắn về dấm đảm bảo vệ sinh, nồng độ thì có thể dùng các loai dung dịch vệ sinh tai chuyên dụng có bán tại hiệu dược, hoặc tư vấn từ bác sĩ.
😗 TÓM LẠI:
1. Ngứa tai khác đau tai
2. Giựt tai đơn thuần thì theo dõi tiếp
3. Giựt tai + đau tai = đi khám
4. Giựt tai + sốt, mệt, khóc = đi khám
5. Không dùng bông ngoáy tai cho bé dưới 10 tuổi
Nguồn Chăm con chuẩn Mỹ
BS. Đỗ Tiến Sơn

Share this

Related Posts

Previous
Next Post »