1. Tình hình mắc sốt xuất huyết tại Việt Nam
Theo WHO tình hình nhiễm sốt xuất huyết ở Việt Nam không ổn định. Thời kỳ cao điểm của dịch SXH là từ tháng 6 đến tháng 10 hàng năm.
Tỷ lệ mắc sốt xuất huyết / 100.000 dân tăng liên tục. Từ 24.434 ca năm 2000 tăng lên 105.370 ca năm 2009 và 769.680 ca năm 2011.
Dịch sốt xuất huyết thường xảy ra theo chu kỳ. Theo quan sát của các chuyên gia thì cứ 3 đến 5 năm lại có một đợt sốt xuất huyết bùng phát mạnh.
Nguyên nhân gây SXH Dengue là do virus Dengue gây ra và muỗi là vật chủ trung gian truyền bệnh.
2. Sốt xuất huyết biểu hiện như thế nào?
Bệnh sốt xuất huyết Dengue có biểu hiện lâm sàng đa dạng. Thường khởi phát đột ngột và diễn biến qua 3 giai đoạn chính bao gồm sốt xuất huyết giai đoạn sốt, giai đoạn nguy hiểm và giai đoạn hổi phục.
Giai đoạn sốt – giai đoạn khởi phát
Dấu hiệu nhận biết sốt xuất huyết giai đoạn đầu chủ yếu đặc trưng bởi sốt.
Người bệnh thường sốt cao đột ngột, liên tục, có khi sốt cao tới trên 40°C. Kèm theo đó người bệnh có thể có triệu chứng buồn nôn, đau cơ, đau khớp, nhức hốc mắt. Ở trẻ em thường có biểu hiện bứt rứt, quấy khóc, bỏ ăn. Trẻ lớn hơn có thể có đau đầu giống như người lớn.
Ở giai đoạn này nhiều người bệnh đã có biểu hiện ban đầu của xuất huyết như chảy máu chân răng hoặc các ban xuất huyết li ti.
Giai đoạn nguy hiểm hay còn gọi là giai đoạn toàn phát
Thường xuất hiện từ ngày thứ 3 đến thứ 7 sau sốt. Có thể kéo dài trong 24-48h. Người bệnh có thể còn sốt hoặc giảm sốt. Giai đoạn này đặc trưng bởi các triệu chứng của xuất huyết và thoát huyết tương.
– Biểu hiện của xuất huyết lúc này rầm rộ hơn nhiều so với giai đoạn đầu.
- + Tình trạng xuất huyết dưới da với các ban xuất huyết đa dạng về hình thái và màu sắc. Có thể dạng chấm nốt, cũng có khi dạng mảng.Thường thấy ở các vùng da lưng, bụng, mặt trước cẳng chân, mặt trong cẳng tay… Khi căng da ban xuất huyết không mất đi.
- + Tình trạng xuất huyết niêm mạc có thể gặp ở nhiều người bệnh. Chảy máu mũi, chảy máu lợi, tiểu máu, rong kinh. Nặng hơn có thể là xuất huyết tiêu hóa, xuất huyết não…
– Các biểu hiện của thoát huyết tương thường có thể tiến triển nặng.
- +Tràn dịch màng phổi, màng bụng, phù nề mi mắt, gan to và có thể đau.
– Bệnh có thể tiến triển nặng lên người ta gọi chung là sốt xuất huyết dấu hiệu cảnh báo
- + Người bệnh vật vã,bứt rứt hoặc li bì.
- + Lạnh các đầu chi, da lạnh ẩm, mạch nhanh nhỏ, huyết áp tụt.
- + Đau bụng vùng gan, nôn nhiều
- + Xuất huyết niêm mạc
- +Tiểu ít
Giai đoạn hồi phục
Xảy ra 1-2 ngày sau giai đoạn nguy hiểm và kéo dài 2-3 ngày sau đó. Người bệnh hết sốt, thể trạng tốt dần lên, thèm ăn, huyết động ổn định.
Với những trường hợp có sốc trước đó, khi hồi phục người bệnh sẽ thấy dễ thở hơn, giảm đau vùng gan và tỉnh táo hơn.
3. Sốt xuất huyết biến chứng nguy hiểm như thế nào?
Sốt xuất huyết là bệnh lý truyền nhiễm vẫn xảy ra hàng năm và khá quen thuộc với mọi người. Tuy nhiên không thể vì thế mà chủ quan. Sốt xuất huyết có thể dẫn đến những biến chứng nguy hiểm.
– Sốc: do hiện tượng tăng tính thấm thành mạch dẫn đến tràn dịch đa màng. Sốc có thể dẫn đến tụt huyết áp, suy tuần hoàn và tử vong.
– Xuất huyết: Xuất huyết tiêu hóa, xuất huyết não là 2 trong số các biến chứng nguy hiểm của sốt xuất huyết. Ngay cả khi nếu thoát chết người bệnh cũng vẫn phải sống chung với di chứng nhất là trường hợp xuất huyết não.
– Suy đa tạng: Các ca sốt xuất huyết biến chứng suy tạng điển hình là suy gan, suy thận, viêm cơ tim, suy tim.
Để tránh được những biến chứng của SXH Dengue và kịp thời xử lý thì việc theo dõi người bệnh SXH là vô cùng quan trọng. Người bệnh cần được theo dõi liên tục cho đến khi toàn trạng hồi phục và mạch huyết áp ổn định.
4. Điều trị sốt xuất huyết
Hiện tại chưa có thuốc điều trị đặc hiệu cho bệnh sốt xuất huyết Dengue. Các phương pháp điều trị tập trung vào giải quyết triệu chứng, điều trị biến chứng…
Phần lớn các trường hợp sốt xuất huyết điều trị tại nhà. Người thân cần lưu ý các dấu hiệu cảnh báo để kịp thời đưa người bệnh tới viện.
Để điều trị triệu chứng sốt xuất huyết chủ yếu tập trung vào việc bù dịch, hạ sốt. Bù dịch đường uống được thực hiện với những trường hợp sốt xuất huyết điều trị tại nhà dưới sự hướng dẫn của nhân viên y tế. Tất cả các trường hợp bù dịch đường truyền đều nên thực hiện tại các cơ sở y tế để kịp thời dự phòng sốc.
Các trường hợp sốt xuất huyết nặng, sốt xuất huyết ở phụ nữ mang thai, người mắc kèm bệnh lý mạn tính tim mạch… SXH ở trẻ em, hoặc người ở xa viện nên được điều trị và theo dõi tại viện.
Bên cạnh các phương pháp điều trị bằng y học hiện đại thì điều trị sốt xuất huyết bằng y học cổ truyền tỏ ra có hiệu quả trong các trường hợp SXH nhẹ, giai đoạn sốt.
5. Dự phòng sốt xuất huyết
Hiện chưa có vacxin để phòng ngừa sốt xuất huyết do virut Dengue. Cách tốt nhất để phòng bệnh là TRÁNH MUỖI ĐỐT kể cả ban ngày,đặc biệt khi đang ở vùng có dịch lưu hành. Hãy:
- Mắc màn khi đi ngủ
- Sử dụng thuốc diệt muỗi phun cả trong và ngoài nhà
- Dùng kem chống muỗi bôi ngoài da
- Mặc quần áo dài khi ra ngoài
- Thường xuyên vệ sinh cảnh quan,môi trường sống,tránh để nước đọng
Theo BS Lưu Hoàng Anh
Giảng viên Bộ môn Gây mê hồi sức – ĐH Y Hải Phòng.
Bác sỹ khoa Gây mê hồi sức BV đa khoa Quốc tế Hải Phòng.