XỬ TRÍ HẠ SỐT Ở TRẺ EM - DÀNH CHO PHỤ HUYNH

tháng 8 23, 2019

KHI TRẺ SỐT


 Hiểu đúng về sốt ở trẻ em


🧸 Sốt có lo không? Lo chứ, cả nhà lo, bác sĩ cũng lo. Mỗi tội là tuỳ cách đánh giá và hiểu biết mà nỗi lo ấy ...khác nhau.
🌡 Thân nhiệt bình thường của trẻ thay đổi tuỳ vào tuổi, hoạt động và thời điểm trong ngày. Trẻ nhỏ có xu hướng có thân nhiệt nhỉnh hơn trẻ lớn. Và thân nhiệt của tất cả chúng ta đều cao nhất khi chiều muộn, về đêm và thấp nhất vào khoảng nửa đêm về sáng. Khi nghi ngờ con sốt, hâm hấp nóng thì phải đo nhiệt độ. Sốt là khi thân nhiệt đo tại trực tràng trên 38 độ C.

🔥 Sốt - không phải là BỆNH

Mà chỉ là một DẤU HIỆU của bệnh.
Thường thì sốt là biểu hiện của cơ thể đang chống lại tình trạng nhiễm trùng nào đó (dính một con nào đó). Chính sốt đã kích hoạt hệ thống phòng thủ an ninh của cơ thể trước tác nhân gây bệnh. Vì thế, về nguyên lý, sốt là có lợi. Tuy nhiên, dưới một số góc độ, sốt cũng có tác động tiêu cực. Sốt làm ta mệt nhiều, khó chịu, tim đập nhanh hơn, thở nhanh hơn, cần nhiều nước, năng lượng hơn.

👶🏻 SỐT Ở TRẺ DƯỚI 3 THÁNG TUỔI

Sốt ở nhóm trẻ này được chúng tôi xếp riêng, vì nguy cơ bệnh nặng cao.
🌡 Sốt ở trẻ sơ sinh và trẻ dưới 3 tháng được xác định khi: nhiệt độ đo tại trực tràng trên 38 độ C. Các vị trí khác không chính xác ở nhóm tuổi này.
Nguyên nhân thường gặp nhất ở nhóm này là nhiễm virus (hô hấp, tiêu hoá) hoặc vi khuẩn.
👉🏻 Ở nhóm tuổi này, đặc biệt là trẻ sơ sinh, đã SỐT = đi khám. Kể cả khi nhìn trẻ vẫn có vẻ bình thường, vì đôi khi sốt là biểu hiện duy nhất, bệnh biến nhanh và nguy hiểm ở nhóm trẻ này. Ở một vài trường hợp bệnh nặng, thay vì sốt, trẻ lại hạ nhiệt độ.
Với trẻ dưới 3 tháng, bố mẹ KHÔNG ĐƯỢC TỰ DÙNG THUỐC HẠ SỐT mà không có tư vấn của BÁC SĨ, kể cả với thuốc hạ sốt thông thường như Paracetamol. Ibuprofen KHÔNG dùng cho trẻ dưới 6 tháng. Bác sĩ sẽ chỉ định cách hạ sốt sau khi khám trực tiếp.

👱🏻‍♂️ VỚI TRẺ TRÊN 3 THÁNG TUỔI

Cần đi khám nếu:
- Sốt trên 38 độ C quá 3 ngày
- hoặc đi khám ngay nếu trẻ sốt kèm theo các dấu hiệu nặng (mệt mỏi, lừ đừ, uống kém, khó thở...)
- hoặc sốt trên 39 độ C
(* đều là đo thân nhiệt tại trực tràng)

⚠️ VỚI MỌI LỨA TUỔI, ĐI KHÁM NGAY NẾU: 

- Thân nhiệt đo tại trán, nách, trực tràng, tai, miệng trên 40 độ C
- Thân nhiệt đo tại nách trên 39.4 độ C
- Co giật (vì nguyên nhân bất kì)
- Sốt kéo dài lai rai trên 7 ngày, dù mỗi ngày chỉ vài giờ bị sốt
- Sốt kèm bệnh nền (tim mạch, ung thư, bệnh máu, lupus, nội tiết)
- Sốt kèm ban, nốt mới
- Hạ sốt xong vẫn mệt, lừ đừ, lơ mơ.
- Sốt cao liên tục, khó hạ

⛄️ CHĂM SÓC TRẺ SỐT TẠI NHÀ

- Tập trung bù dịch cho con bằng đường uống, báo bác sĩ nếu con uống kém trong 3-4 giờ liền.
- Không ăn kiêng, không kiêng tắm, điều hoà, máy lạnh.
- Cho trẻ nghỉ ngơi
- Dùng thuốc hạ sốt và thuốc điều trị (vd: kháng sinh) đúng liều, đủ lần, đủ thời gian theo đơn của bác sĩ
- Theo dõi các dấu hiệu nặng, các dấu hiệu mất nước, các dấu hiệu mà bác sĩ đã dặn dò theo dõi
- Tái khám ngay khi cần

🔥 “ĐIỀU TRỊ” SỐT

Như đã nói, sốt không phải bệnh, sốt là triệu chứng của bệnh. Do đó, ta chỉ theo dõi và hạ sốt khi cần thiết. Còn muốn “điều trị” sốt, ta cần nhờ bác sĩ định hướng và đánh vào căn nguyên (nếu là căn nguyên có thuốc chữa).
🕵🏻‍♂️ Các bác sĩ sẽ chú tâm vào việc tìm nguyên nhân vì sao sốt, tìm Ổ NHIỄM KHUẨN để tiêu diệt thay vì chỉ hóng hạ sốt. Việc điều trị tiếp theo, nhập viện hay dùng kháng sinh, dùng thuốc gì hỗ trợ sẽ do bác sĩ khám quyết định sau khi khám và xét nghiệm. Không tự đoán. Hãy giao việc hệ trọng đó cho chúng tôi.

🌡 KHI NÀO THÌ CHO UỐNG HẠ SỐT?

🧸 Tôi tin là các bạn đọc bài chỉ chờ mỗi đoạn này, nhưng vẫn phải nói đoạn trên để bạn hiểu sương sương rằng: Hạ sốt bằng thuốc hay bằng cách nào đi nữa cũng KHÔNG làm con nhanh khỏi bệnh, không làm virus vi khuẩn chết nhanh hơn.
 HẠ SỐT CHỦ ĐỘNG có mục đích giúp trẻ dễ chịu hơn, giảm nguy cơ mất nước do uống kém và mất nước vô hình. Với một số các tình trạng bệnh nặng, đặc thù, chúng tôi còn tích cực cố gắng hạ thân nhiệt xuống để giảm nhu cầu chuyển hoá. Còn với đa số các trường hợp sốt ở cộng đồng, nguyên tắc sẽ là:

😋 KHÔNG PHẢI CỨ SỐT LÀ HẠ SỐT

 CHO THUỐC HẠ SỐT KHI:


- Sốt trên 39 - 40 độ C (bất kể vị trí hay nhiệt kế)
HOẶC
- Sốt kèm theo mệt mỏi (quấy khóc), lừ đừ, ăn bú uống kém, rét run... hoặc trẻ có bệnh nền trước đó (bệnh lý tim mạch, nội tiết, tiêu hoá, thần kinh, tiền sử co giật do sốt...). Lúc này thì dù 38 độ C thì cũng hạ sốt.
Ví dụ: nếu con vừa bú xong, đang ngủ ngoan, đo thấy 38,5 độ C thì đừng dựng con dậy bắt uống thuốc.
🥫 Sở dĩ có nguyên tắc trên để tránh lạm dụng thuốc hạ sốt gây ngộ độc, quá liều hoặc tổn hại cơ thể, hoặc che lấp bệnh tiềm tàng.
 Mỗi lần con sốt vừa vừa mà hoãn được thuốc hạ sốt là một lần giãn, giảm được lượng thuốc hạ sốt vào người con.

✳️ LIỀU LƯỢNG, CÁCH DÙNG THUỐC

 phải tuân theo chỉ dẫn của bác sĩ với cân nặng chính xác của trẻ.

✳️ CÁC PHƯƠNG PHÁP KHÁC

* lau mát hạ sốt
* tắm hạ sốt
(sẽ có bài riêng, cụ thể hơn)
Bổ sung theo yêu cầu:

⚠️ KHI SỐT CAO LIÊN TỤC, KHÓ HẠ 

hoặc sốt lại, chưa uống tiếp được hạ sốt:
- Lúc này trẻ cần đi khám xét nhập viện
- Thử lau mát, tắm nước ấm nếu trẻ hợp tác
- Xin ý kiến bác sĩ về kết hợp thuốc hạ sốt
😂 Sốt là một chủ đề mênh mông bát ngát của y học. Nói nhiêu đây cũng không đủ hết được. Sau bài này, chúng tôi mong bạn nhẩm lại và nhớ được mấy ý:
- Vì sao sốt? Sốt có lợi gì, hại gì?
- Tại sao đủ tiêu chuẩn mới được cho uống thuốc hạ sốt? Khi nào thì cho?
- Trẻ sơ sinh và dưới 3 tháng cứ sốt là phải đi khám ngay, không tự hạ sốt.
- Với mọi lứa tuổi, khi nào sốt cần đi khám ngay?
- Chăm sóc trẻ bị sốt tại nhà?


BS. Đỗ Tiến Sơn
Chăm con chuẩn Mỹ
Tham khảo Patient Education: Fever in Children, Uptodate.

Share this

Related Posts

Previous
Next Post »