6 NGUYÊN NHÂN GÂY SUY GIẢM SỨC ĐỀ KHÁNG Ở TRẺ CHA MẸ CẦN BIẾT

tháng 9 30, 2019
Sức đề kháng bị suy giảm khiến cho cơ thể dễ mắc bệnh tật hơn. Vậy những nguyên nhân nào gây suy giảm sức đề kháng ở trẻ. 

1. Suy giảm hệ miễn dịch – nguyên nhân chính gây suy giảm sức đề kháng 

Hệ miễn dịch là phòng tuyến bảo vệ cơ thể con người,”hàng rào chắn” trước các tác nhân xâm nhập như virus, vi khuẩn hay ký sinh trùng. Hệ miễn dịch khỏe mạnh sẽ giúp đẩy lùi sự xâm nhập của các tác nhân gây hại giúp trẻ tránh được các loại bệnh, giúp cơ thể phát triển khỏe mạnh nhờ tác động tăng sinh lympho B (miễn dịch thể dịch) và tăng sinh lympo T (miễn dịch tế bào).

Suy giảm hệ miễn dịch – nguyên nhân chính gây suy giảm sức đề kháng (Ảnh: Internet)
Hệ miễn dịch suy giảm liên quan tới rất nhiều nguyên nhân khác nhau, có thể chia ra thành 2 loại nguyên phát và thứ phát.

1.1. Suy giảm miễn dịch tiên phát thường

Suy giảm miễn dịch tiên phát thường là hậu quả do sự khiếm khuyết về mặt di truyền, do rối loạn các tế bào mầm dòng lympho, suy giảm chức năng của tế bào T hoặc B, khiếm khuyết hệ thống thực bào,rối loạn bổ thể…Tất cả những nguyên nhân kể trên đều khiến cho hệ miễn dịch của trẻ suy yếu ngay từ lúc sinh ra, nhạy cảm với nhiều tác nhân nhiễm trùng khác nhau, không có khả năng chống lại sự nhiễm trùng, nhiễm virus, đặc biệt dễ mắc các bệnh suy giảm miễn dịch (tức là tự cơ thể mình chống lại mình).

1.2. Suy giảm miễn dịch thứ phát 

Suy giảm miễn dịch thứ phát thường do các bệnh xảy ra ở trẻ khỏe mạnh bình thường trước đó. Gây suy giảm miễn dịch thứ phát còn do nguyên nhân bên ngoài như bức xạ X-quang, điều trị kìm tế bào, việc sử dụng glucocorticoid, chấn thương và can thiệp phẫu thuật.
Ngoài ra, trẻ mắc phải các bệnh lý như bệnh thiếu máu hồng cầu hình liềm, đái tháo đường, suy dinh dưỡng protein năng lượng.. cũng làm cho hệ miễn dịch suy giảm, làm cho sức đề kháng của trẻ không còn được “tốt” để chống lại các tác nhân gây bệnh.

2. Cơ địa

Sức đề kháng của trẻ em là một phần do người mẹ truyền cho. Do đó, một số trẻ em từ khi mới sinh ra đã ốm yếu, không khỏe mạnh là do bản thân người mẹ cũng không có sức đề kháng tốt nên không truyền được cho con bao nhiêu. Sức đề kháng của mẹ truyền cho con bao gồm những yếu tố chung về khả năng sống, khả năng chống đỡ với một số tác động của ngoại lai và cả khả năng thích ứng (thời tiết, khí hậu, vệ sinh môi trường…), nhất là các loại kháng thể chống lại tác nhân gây nhiễm khuẩn (kháng thể chống vi khuẩn, virut, vi nấm).

3. Môi trường sống bị ô nhiễm 

Sống trong môi trường ô nhiễm, bạn thường xuyên hít phải khói bụi, hơi hóa chất, thuốc trừ sâu… dẫn tới tình trạng bị nhiễm bẩn phổi. Không khí bị ô nhiễm ngăn chặn các tế bào T (tế bào cần thiết của hệ miễn dịch) gây ra viêm nhiễm đường hô hấp ở trẻ em.

Không khí bị ô nhiễm ngăn chặn các tế bào T gây ra viêm nhiễm đường hô hấp ở trẻ em (Ảnh: Internet)
Khói thuốc lá được coi là một trong những nguồn ô nhiễm nguy hiểm nhất trong không khí trong nước, và những nạn nhân đầu tiên là trẻ em. Thật vậy, nó đặc biệt có hại cho trẻ em bởi vì chúng hít thở với tốc độ nhanh hơn và hệ thống giải độc tự nhiên của chúng kém phát triển hơn. Bằng cách hít thở một cách thụ động khói thuốc, trẻ em hít vào hơn 4000 chất độc hại. Khói thuốc này có chứa nhiều chất độc hại hơn như carbon monoxide hoặc oxit nitơ và nhiều chất gây ung thư, hầu hết trong số đó có thể kích thích hoặc tiêu diệt các tế bào trong cơ thể. Nó cũng tạo ra những thay đổi trong chức năng miễn dịch làm suy giảm sức đề kháng ở trẻ em.

4. Cách chăm sóc trẻ của cha mẹ

4.1. Trẻ không được ăn sữa mẹ sẽ có sức đề kháng yếu hơn

Sữa mẹ là nguồn thức ăn vô giá, chứa một lượng lớn các yếu tố-đặc biệt là kháng thể, giúp trẻ tăng sức đề kháng, chống lại sự nhiễm khuẩn đường hô hấp và các loại nhiễm khuẩn khác. Nếu người mẹ không cho con uống sữa mẹ, thay vào đó uống các loại sữa bột bên ngoài thị trường thì sức đề kháng của trẻ sẽ yếu đi, dễ mắc phải các bệnh nhiễm khuẩn hơn.

4.2. Trẻ không được cung cấp đủ chất dinh dưỡng 

Khi trẻ mới ốm dậy cũng là lúc trẻ có sức đề kháng yếu, trẻ rất biếng ăn. Vào thời điểm này, cha mẹ không biết cách chăm con, không cho trẻ ăn thức ăn đầy đủ chất dinh dưỡng cũng như các thuốc bổ hỗ trợ khác thì trẻ sẽ tiếp tục mắc các bệnh do virus khác. Đây là 1 vòng tròn luẩn quẩn.

4.3. Không cho trẻ tiếp xúc nhiều với thế giới bên ngoài khiến hệ miễn dịch của trẻ bị suy yếu 

Việc lơ là trong việc giữ vệ sinh cho trẻ sẽ tạo điều kiện cho vi khuẩn tấn công cơ thể, dẫn đến hệ miễn dịch của trẻ suy yếu, trẻ sẽ dễ mắc các bệnh liên quan đến hô hấp và tiêu hóa.
Sức đề kháng của trẻ nhỏ kém, sợ con ra ngoài tiếp xúc với nhiều mầm bệnh nên nhiều cha mẹ cứ giữ khư khư con trong nhà. Điều này khiến cho trẻ dễ ốm đau, yếu ớt khi thay đổi thời tiết, môi trường, do thiếu tổng hợp các vitamin D- cần thiết cho sự phát triển chiều cao, tăng cường miễn dịch của trẻ em.

5. Lạm dụng kháng sinh 

Thuốc kháng sinh là “con dao hai lưỡi”. Theo các chuyên gia, trẻ ốm được uống kháng sinh sẽ khỏi bệnh rất nhanh nhưng điều này cũng đồng nghĩa với việc cơ thể bé sẽ càng yếu hơn, càng có nhiều nguy cơ mắc bệnh ở những lần sau, giảm khả năng tự chống chịu được với vi khuẩn, virus.
Bên cạnh đó, sử dụng kháng sinh thường xuyên dẫn đến giảm lượng cytokine – một hooc môn rất cần thiết cho hệ miễn dịch. Suy giảm lượng cytokine này dẫn tới việc hệ thống miễn dịch của trẻ cũng suy giảm, sức đề kháng cũng giảm theo. Lạm dụng thuốc kháng sinh dài ngày sẽ làm giảm số lượng vi khuẩn đường ruột có lơi, phá vỡ sự cân bằng miễn dịch, có thể dẫn đến rối loạn tự miễn, dễ làm phát sinh những bệnh mạn tính hoặc nhiễm trùng.

6. Stress

Khi trẻ bị áp lực căng thẳng về học tập thì nồng độ hormon như testosteron và estrogen bị suy giảm gây mất cân bằng, làm cho hệ miễn dịch giảm, sức đề kháng giảm và giảm khả năng chống lại vi khuẩn gây bệnh. Bởi vậy, phụ huynh cần cho trẻ nghỉ ngơi, thư giãn, tránh tạo áp lực nhiều cho trẻ nhỏ.
Theo Nội khoa Việt Nam

CÁCH PHÒNG NGỪA BỆNH HÔ HẤP HIỆU QUẢ

tháng 9 30, 2019
Thời tiết giao mùa cũng chính là thời điểm xuất hiện nhiều loại bệnh. Trong đó bệnh về đường hô hấp là dễ gặp nhất và bất kỳ ai cũng có thể mắc phải căn bệnh này. Chính vì vậy, phòng bệnh hô hấp vào thời điểm này là hết sức cần thiết.

Một số bệnh đường hô hấp thường gặp


Những bệnh hô hấp thường gặp. (Ảnh: Internet)
Đường hô hấp gồm đường hô hấp trên và đường hô hấp dưới. Đường hô hấp trên có mũi, họng, hầu, thanh quản và các xoang. Đường hô hấp dưới gồm có khí quản, phế quản, tiểu phế quản, phế quản tận cùng và phế nang.
Viêm mũi họng là một bệnh có thể gặp quanh năm nhưng khi thời tiết chuyển mùa từ nóng sang lạnh thì người cao tuổi và trẻ nhỏ hay gặp nhất. Người bệnh thường hắt hơi, sổ mũi, chảy nước mũi, ngứa mũi. Với bệnh viêm họng, có thể là cấp tính hoặc mạn tính.
Khi thời tiết chuyển mùa, viêm họng cấp tính nếu không được điều trị sẽ chuyển thành mạn tính. Viêm họng mạn tính sẽ có biểu hiện đau rát họng, ho, ngứa họng, đôi khi có cảm giác nuốt vướng rất khó chịu. Có thể ho khan hoặc ho có đờm. Đờm có thể là màu trắng, vàng, đặc quánh hoặc lỏng, đôi khi có thể có lẫn một ít máu do có tổn thương một số mạch máu nhỏ ở đường hô hấp trên gây ra. Nếu viêm họng kéo dài, cơn ho sẽ làm cho người bệnh rất khó chịu, nhất là gây đau thượng vị và kẽ liên sườn do cơ hoành bị kích thích nhiều gây co kéo. Viêm họng mạn tính hoặc viêm mũi mạn tính rất dễ gây nên viêm xoang (có thể viêm một xoang hay nhiều xoang).
Viêm đường hô hấp dưới ở như: viêm phế quảnviêm phổi…cũng là căn bệnh cộng đồng dễ mắc phải. Một điều cần lưu ý là viêm phế quản, viêm phổi cấp tính ở NCT do lạnh thì thân nhiệt (nhiệt độ) thông thường không tăng cao như người trẻ tuổi nên dễ nhầm là bệnh nhẹ, ít được người nhà quan tâm do đó khi vào bệnh viện thì bệnh đã rất nặng.

Nguyên nhân gây bệnh hô hấp

Ngoài thời tiết lạnh, có nhiều yếu tố thuận lợi và cả các yếu tố có nguy cơ cao gây viêm đường hô hấp vào mùa lạnh đó là do hút thuốc. Khói của thuốc lá, thuốc lào khi hít vào đường hô hấp sẽ làm tổn thương các nhu mô phổi do đó sẽ làm tăng nguy cơ nhiễm khuẩn cơ hội. Bình thường, ở đường hô hấp có vô số vi khuẩn sống cộng sinh hoặc ký sinh như S. pneumoniae, H. influenzae, S. aureus… nhưng khi gặp điều kiện thuận lợi (thời tiết lạnh, sức đề kháng của cơ thể con người giảm), chúng trở thành tác nhân gây bệnh và được gọi là vi khuẩn gây bệnh cơ hội. Môi trường bị ô nhiễm, nhiều bụi, khói (bếp than, bếp củi, bếp dầu, khí thải công nghiệp), nhà ở chật chội, không thông thoáng (vì mùa lạnh dễ đóng kín các cửa) cũng là những yếu tố thuận lợi làm cho NCT dễ mắc các bệnh đường hô hấp. Một số bệnh mạn tính kéo dài ở NCT như tăng huyết áp, bệnh về rối loạn nội tiết (đái tháo đường) cũng là những lý do làm tăng nguy cơ viêm đường hô hấp ở NCT khi thời tiết giao mùa.

Phòng bệnh  hô hấp  lúc giao mùa như thế nào?

–    Cần mặc đủ ấm, ngủ ấm, tránh gió lùa. Khi nhiệt độ thay đổi đột ngột từ nóng chuyển sang lạnh hoặc lạnh chuyển sang rét đậm thì nên hạn chế ra khỏi nhà lúc sáng sớm. Tuy nhiên, vẫn có thể tập thể dục hoặc đi lại, vận động thân thể ở trong nhà. Khi cần thiết phải ra khỏi nhà cần mặc ấm, cổ cần có khăn và đầu cần có mũ, tốt nhất là dùng loại mũ bịt cả hai tai.
–   Cần vệ sinh họng, miệng sạch sẽ hằng ngày như đánh răng đều đặn trước và sau khi ngủ dậy; súc họng bằng nước muối sinh lý (có thể tự pha chế).
–   Cần bỏ thuốc lá, thuốc lào nhất là những người đã bị bệnh mạn tính như viêm họng, viêm phế quản, hen suyễn, viêm xoang. Thuốc lá, thuốc lào ngoài gây các bệnh về đường hô hấp còn có khả năng làm nặng thêm nhiều bệnh khác như bệnh về tim mạch (tăng huyết áp, nhồi máu cơ tim…) cho nên không nên hút và nếu bỏ được thì rất tốt cho sức khỏe.
–    Tốt nhất là tắm nước ấm nhưng cũng cần tắm nhanh, lau khô người mới mặc quần áo sạch. Trước lúc tắm, nên chuẩn bị sẵn các loại quần áo sạch, khăn lau người để nhanh chóng mặc ấm sau tắm. Nếu không tự chuẩn bị được thì cần nhờ người nhà hoặc người giúp việc hỗ trợ.
Thầy thuốc Việt Nam

CẢNH BÁO - KIẾN BA KHOANG

tháng 9 19, 2019

🐜🐜🐜 KIẾN BA KHOANG: KHÔNG PHẢI LÀ KIẾN, NỌC ĐỘC GẤP 15 LẦN RẮN HỔ VÀ LÀ...CÁI CON BA TRỢN


( Nguồn: Bệnh viện Nhi Đồng Thành Phố)

Ps: Nếu bạn nhìn thấy con Kiến ba khoang trên cơ thể, trong gia đình. KHÔNG dùng tay để bắt hoặc đập chết kiến. Hãy dùng dụng cụ xua đuổi kiến và bắt sau đó. Tránh tình trạng kiến bị dập chết làm phát tán chất độc trên da)
 Dạo này mùa mưa một số phụ huynh dẫn con đi khám vì nghĩ con bị tay chân miệng hay dời leo nhưng sự thực là bé bị viêm da tiếp xúc do kiến ba khoang (KBK)
🆘️ Trong cơ thể loài kiến này có một chất gọi là “Pederin”. Chất dịch này có độc tính gấp từ 12 đến 15 lần so với rắn hổ mang. Tuy nhiên, do lượng tiếp xúc nhỏ và chỉ ở ngoài da nên không thể gây chết người như nọc rắn. Pederin tồn tại trong máu kiến, và có thể giữ được độc tính kể cả khi con kiến đã chết tận 8 năm.

 Sở dĩ gọi KBK là con ba trợn vì:

 Nó không phải con kiến mà là một loại bọ nhưng có hình dạng giống kiến.
 Nó chuyên ăn côn trùng, không thèm đếm xỉa tới con người nhưng con người lại hay dính chưởng của nó.
 Vết thương do tiếp xúc với KBK rất dễ gây lầm lẫn với những bệnh ngoài da khác.

 Đặc tính của KBK:

 KBK gặp nhiều ở nơi có đồng ruộng nhưng hiện nay KBK có thể gặp ở bất cứ đâu. Tôi từng thấy một con KBK thong dong bò tới bò lui trên bàn khám bệnh của bệnh viện.
 Trong mùa mưa KBK thường di chuyển đến chỗ khô. Vì vậy mùa này kiến sẽ vào nhà nhiều hơn.
 Ban đêm KBK thường tìm đến nơi có nhiều ánh sáng vì nơi này thường tập trung nhiều côn trùng.
 KBK rất hiền, không cắn người, nhưng chất độc Pederin chứa trong người kiến sẽ gây phỏng rộp da. Với một lượng nhỏ chất này từ con kiến bé xíu có thể làm phỏng rộp một diện tích da rất lớn

 Hình dạng KBK:

 Khoang đen, khoang cam-đỏ như hình
 Viêm da tiếp xúc do KBK:
 Triệu chứng bỏng rát thường xuất hiện vào buổi sáng sau khi ngủ dậy, do vô tình tiếp xúc với kiến ba khoang vào ban đêm.
 Da bị phỏng rộp thành đường do kiến ba khoang bị nghiền nát và tri trét trên da.
 Đa số bệnh nhân là do vô tình nghiền nát KBK (không hề hay biết đã tiếp xúc với kiến trước đó)

 Phòng ngừa viêm da tiếp xúc do KBK:

 Đầu tiên phải biết con KBK là con gì để tránh
 Khi thấy KBK bò trên người, tuyệt đối không nên đập hay đánh chết kiến mà chỉ nên phủi hoặc thổi kiến rớt khỏi người.
 Nếu thấy kiến bò dưới nền thì nhẹ nhàng dùng chổi quét cho kiến vào bọc rồi vứt ra ngoài. Tránh đụng chạm trực tiếp vào người nó.
 Một số biện pháp khác có thể áp dụng trong vùng có quá nhiều KBK.
 Thay bóng đèn huỳnh quanh bằng bóng đèn dây tóc.
 Tránh nằm hay ngồi dưới ngay dưới bóng đèn vào ban đêm.
 Ngủ màn.
 Mặc áo dài tay, quần dài.

 Xử trí sau khi tiếp xúc với KBK:

 Nếu vô tình đập hoặc nghiền nát kiến trên da, rửa ngay nơi da tiếp xúc với nước và xà phòng cho thật sạch.
 Sau đó băng ẩm bằng cách tẩm gạc ướt rồi quấn quanh nơi da tiếp xúc.
 Thường vết thương sẽ phỏng rộp từ ngày thứ 3. Sau 10-14 ngày vết thương tự lành.
 Nếu vết phỏng quá nặng hoặc gây khó chịu, đi khám bác sĩ.
Tham khảo từ Nhi khoa Thường Thức:
Literature review of the causes, treatment, and
prevention of dermatitis linearis. Review. Brooke A. Beaulieu1 and Seth R. Irish. J Travel Med. 2016 May 13;23(4)
Paederus fuscipes dermatitis: a report of nine
cases observed in Italy and review of the
literature. Veraldi S et al. Eur J Dermatol. 2013 May-Jun;23(3):387-91

HƯỚNG DẪN TẨY GIUN CỦA BỘ Y TẾ

tháng 9 12, 2019
 Riêng món tẩy giun xổ lãi này, theo hướng dẫn của Việt Nam là thực tế nhất. Quy định của các nước khác sẽ không phù hợp với tình hình nhiễm và lưu hành tại nước mình.
 Nội dung sau được diễn giải lại từ Quyết định 6437 của Bộ Y tế, ban hành tháng 10 năm 2018.
🍎 Đa số các bài trên mạng là cũ, viết trước thời điểm có hướng dẫn MỚI đó.

🐛 TÌNH HÌNH NHIỄM GIUN ĐƯỜNG RUỘT Ở NƯỚC TA

Các loại giun thường gặp ở Việt Nam: giun đũa, giun tóc, giun móc. Với trẻ em thì còn có giun kim.
Tỉ lệ nhiễm giun còn cao ở tất cả các khu vực, trải từ 10 - 65%.

⚠️ NHÓM TRẺ NÀO NGUY CƠ CAO?

Nhóm nguy cơ nhiễm cao là: trẻ mầm non, học sinh tiểu học.
Nhóm 12 - 24 tháng tuổi ở nhiều địa phương còn có tỉ lệ nhiễm giun cao (cứ 5 trẻ có 1 trẻ nhiễm giun).

👨🏻‍⚕️ TRIỆU CHỨNG GỢI Ý

Đau bụng, rối loạn tiêu hoá, chậm tăng cân, ăn kém, biếng ăn, nhiễm trùng tiết niệu tái phát, hay ị ra giun, ngứa hậu môn - nhìn thấy giun (giun kim).
Không có triệu chứng? Vẫn tẩy giun định kì nha!

👍🏻 KHI NÀO BẮT ĐẦU TẨY GIUN?

Khi đủ 12 tháng tuổi là bắt đầu tẩy giun.
Hoặc sớm hơn khi có chỉ định của BS.

 TẦN SUẤT TẨY GIUN ĐỊNH KÌ?

Dựa trên số liệu và hướng dẫn, có thể nhớ tần suất tẩy định kì như sau:
- Miền Bắc: mỗi 6 tháng, tức là 1 năm 2 lần uống thuốc tẩy giun.
- Miền Trung và miền Nam: mỗi 12 tháng = 1 lần 1 năm.
- Đối với các vùng tỉ lệ cao hoặc thấp hẳn, trạm y tế địa phương sẽ có hướng dẫn cụ thể.
🍎 Tóm lại cho dễ nhớ: tẩy giun mỗi 6 tháng 1 lần cho cả nhà 😌 nên vào 1 ngày cố định, ví dụ: sinh nhật cô Út, hoặc 1/6 hoặc Tết Dương lịch. Cho dễ nhớ.

🍎 TỰ MUA HAY KÊ ĐƠN?

Ở Việt Nam, tình trạng tự mua thuốc còn phổ biến và dễ dàng. Với thuốc tẩy giun, bố mẹ có thể tự mua ở hiệu thuốc và dùng theo hướng dẫn của dược sĩ và đọc HDSD đi kèm.
TỐT NHẤT là xin chỉ định từ trạm y tế xã phường hoặc khi đi khám bệnh gì đó thì nhờ bác sĩ nhi kê thêm cho con luôn. Vậy là an toàn và chuẩn chỉ nhất.

👩🏻‍⚕️ DÙNG THUỐC GÌ?

(Copy nguyên Quyết định của Bộ)
 Trẻ em từ 12 tháng tuổi đến dưới 24 tháng tuổi: Albendazole 200mg hoặc Mebendazole 500mg liều duy nhất.
 Người từ 24 tháng tuổi trở lên: Albendazole 400mg hoặc Mebendazole 500mg liều duy nhất.
Với một số loại giun, với bệnh nhân cụ thể, bác sĩ có thể cho dùng nhắc lại sau 1 tháng. Một vài gương mặt thân quen: Fugacar “huyền thoại” chính là Mebendazole. Zentel “lão làng” chính là Albendazole.

🕵🏻‍♂️ TRẺ DƯỚI 2 TUỔI CÓ TẨY GIUN ĐƯỢC KHÔNG?

🤭 Vì trên hộp Fugacar (Mebendazole) ghi là không dùng cho trẻ dưới 2 tuổi, vậy con em có dùng được không? Bộ Y tế đã cập nhật từ 2018 và cho phép dùng. Riêng với trẻ dưới 2 tuổi, bố mẹ có thể dùng Zentel (Albendazole) cho con - loại này dùng được cho trẻ dưới 2 tuổi với liều 200mg/lần (1 viên). Sẽ yên tâm tuyệt đối, không còn lăn tăn nữa.

⚠️ CHÚ Ý KHI UỐNG Ở TRẺ BÉ

🍶 Nghiền nhỏ thuốc, pha với nước, sữa, nước quả cho con uống. Mục đích của nghiền nhỏ là tránh hóc sặc viên thuốc. Không cần bắt trẻ nhai.

🥃 UỐNG TRƯỚC ĂN HAY SAU ĂN?

Uống ngay sau ăn.

🌞 UỐNG SÁNG HAY TỐI?

Lúc nào cũng được.
Tốt nhất là lúc sau bữa tối.

💦 CÁC CỤ BẢO SAU UỐNG TẨY GIUN CẦN NHỊN ĂN VÀ UỐNG THUỐC XỔ?

Không cần. Đó là dành cho các dòng thuốc tẩy giun thế hệ cũ rồi.

🌈 TÁC DỤNG PHỤ CỦA THUỐC LÀ GÌ?

- Nhẹ: đau bụng, buồn nôn, mệt mỏi.
- Vừa - nặng: nổi ban, mề đay, khó thở, sốc phản vệ (hiếm).
Nên cần theo dõi 48 giờ sau khi con uống thuốc tẩy giun. Nhớ chụp lại ảnh loại thuốc tẩy giun đã dùng (vỏ hộp thuốc) để cho bác sĩ xem khi cần đến.
👨🏻‍⚕️ BS. Đỗ Tiến Sơn
Dựa theo Quyết định 6437/QĐ-BYT ban hành tháng 10 - 2018.

KIỂM SOÁT TIẾNG ỒN - BẢO VỆ THÍNH LỰC CHO TRẺ

tháng 9 12, 2019

 TRÁNH TIẾNG ỒN Ở TRẺ EM



 Tiếng ồn là rung động cơ học đặc trưng bởi tần số (Hz), cường độ (dB), nhịp độ và thời gian kéo dài.
 Tiếng ồn là âm thanh mà ta không mong muốn hoặc vô nghĩa. Tiếng ồn là một yếu tố ô nhiễm.

 Ở KHOA SƠ SINH, CHÚNG TÔI LÀM GÌ ĐỂ KIỂM SOÁT TIẾNG ỒN?

Tiếng ồn ở khoa sơ sinh là một yếu tố tăng tỉ lệ tử vong và tàn tật. Ở các khoa sơ sinh, nơi mà toàn các bé non nớt và ốm mệt nhiều, chúng tôi luôn làm mọi cách để âm thanh là thủ thỉ êm dịu nhất, vì đó là nhóm trẻ nguy cơ cao nhất. Chúng tôi nói năng nhỏ nhẹ, bác nào cũng nói nhẹ nhàng, chân đi không quẹt quẹt, cửa lồng ấp đóng nhẹ nhàng, ra vào đỡ cửa khi sập, máy báo động cũng phải cài chuẩn để chỉ báo động khi cần thiết. Chúng tôi có cả máy báo tiếng ồn. Nếu ai đó nói to quá, đèn chớp sẽ loé loé (không có tiếng báo động). Hay không? Hehe.

 MẤT THÍNH LỰC DO TIẾNG ỒN

Cơ chế là tổn thương các cấu trúc rung động dẫn âm và các đầu mút thần kinh ở tai. Gọi là ĐIẾC THẦN KINH.
🙆🏻‍♂️ Hay gặp nhất là do môi trường lao động. Ở trẻ em, nếu không phòng trừ và có ý thức bảo vệ tai con, thì rõ ràng là có nguy cơ mất thính lực ngay từ thời thơ ấu. Mà nghe không tốt, thì sao thành nhà văn ca sĩ?

NGUỒN TIẾNG ỒN VỚI TRẺ EM

Âm thanh thường ồn ào quá mức cho phép ở những nơi như:
- Khu dân cư đông đúc
- Trường học, bệnh viện
- Thang máy, đài phun nước
- Đồ chơi phát ra tiếng kêu
- Giao thông giờ cao điểm
- Nhà xưởng
- Xây dựng, đào đường lấp hố

⚠️ NHÓM TRẺ NÀO DỄ TỔN THƯƠNG?


- Thai nhi
- Trẻ sơ sinh
- Trẻ đẻ non, nhẹ cân
- Trẻ có bệnh lý tăng động, khó đọc
- Trẻ đang dùng thuốc độc cho tai
- Trẻ đang có bệnh lý tai - thính lực
Ngay từ thế kỉ XX, người ta đã ghi nhận nếu bà mẹ mang thai phải sống, làm việc trong môi trường ồn ào liên tục, thì ngay trong 3 tháng đầu thai kì, thai nhi đã có nguy cơ dị tật, mất thính lực bẩm sinh, ảnh hưởng tới tăng cân trong bụng mẹ.

😿 TÁC ĐỘNG CỦA TIẾNG ỒN

- Tổn thương tai trực tiếp: gây mất thính lực, giảm ngưỡng nghe.
- Ảnh hưởng gián tiếp: tâm lý, nhận thức và khả năng học tập, đọc hiểu, trí nhớ dài hạn, tập trung chú ý.
Rất nhiều âm thanh cường độ cao có thể đánh sập các cơ chế bảo vệ thích ức, gây tổn thương vĩnh viễn đến cấu trúc của tai và hệ thống truyền âm của trẻ. Những tiếng ồn kéo dài lặp đi lặp lại cũng gây các tổn thương vĩnh viễn.

🧸 VẬY TRẺ EM CẦN GÌ?

Ngưỡng nghe an toàn tuỳ thuộc vào loại tiếng ồn và thời gian tiếp xúc với tiếng ồn đó. Trẻ em khác người lớn là không biết kêu tiếng này to quá, ồn ào khó chịu quá, trẻ có thể chỉ khóc và quấy thôi.
- Trẻ sơ sinh mới đẻ: dưới 45 dB (ngang tiếng nói chuyện nhỏ). Quá ngưỡng này là có - hại.
- Trẻ lớn hơn: các tiếng ồn dưới 70 - 80 dB được coi là an toàn. Mức 80 dB là ngang mức tiếng động leng keng băm chặt ở một quán phở sáng ở Hà Nội hoặc tiếng xe cộ trên đường Thành Thái lúc 3 giờ chiều. Mức 60 dB (rất an toàn) là tương đương mức nói chuyện riêng cự li gần.
- Tiếp xúc với âm thanh trên 100 dB (tiếng tàu hoả chạy) không có bảo hộ là có hại, với thời gian tiếp xúc dù ngắn hay dài.
⚠️ CẦN TRÁNH mọi âm thanh cao hơn ngưỡng đó. Nếu không thể tránh thì dùng bịt tai, nút tai, tai nghe khử ồn cho bé khi đến những nơi nguy cơ có tiếng ồn (đám đông, tàu xe, sân bay, sân khấu, vũ trường, sự kiện âm nhạc) cũng như GIẢM TỐI ĐA thời gian tiếp xúc, tần suất phải nghe tiếng ồn - dù chỉ ở ngưỡng hơi cao.

🐤 NGUY CƠ CHÓI TAI TỪ ĐỒ CHƠI

😱 Nhiều món đồ chơi có tiếng rất to, ví dụ như tiếng mấy con chíp chíp vịt bầu, súng đồ chơi phát tiếng bắn, xe đồ chơi có tiếng còi cảnh sát, búp bê có tiếng, còi, xúc xắc, hộp nhạc. Âm thanh có thể lên tới 120 - 200 dB. Nhất là khi con có thể dí sát tai bóp nghe thử. Hoặc ai đó vui tính muốn làm con cháu giật mình nên bóp ...trêu đùa. Đúng là chơi dại quá mà!
📯 Giải pháp: Nghe thử trước khi mua. Nếu mua xong mới biết thì tháo pin, đổ keo dính chặt hoặc dán băng dính dày lên lỗ loa. Nếu vẫn to: vứt bỏ.
BS. ĐỖ TIẾN SƠN
Chăm con chuẩn Mỹ

CÁCH DÙNG NHIỆT KẾ KHI SỐT - Hướng dẫn từ Chăm con chuẩn Mỹ

tháng 9 03, 2019

🌡 CÁCH DÙNG NHIỆT KẾ KHI SỐT

Hướng dẫn từ Chăm con chuẩn Mỹ

Khi con âm ấm hay nóng sốt, đừng áng chừng bằng tay, bạn sẽ được bác sĩ hỏi ngay khi đi khám: Con ở nhà sốt bao nhiêu độ? Đây là thông tin cần đo đạc, trừ khi quá gấp gáp.

⚠️ KHÔNG NÊN DÙNG NHIỆT KẾ THỦY NGÂN

Hội Nhi khoa Mỹ (AAP) khuyến khích bố mẹ thay thế các nhiệt kế thủy ngân bằng nhiệt kế điện tử. Lí do: nguy cơ ngộ độc và phơi nhiễm khi rơi vỡ.



♻️ Chú ý: Vứt bỏ cũng phải tuân thủ quy trình. Tốt nhất là cho vào hộp cất đi dự phòng. Hiện tại, giá của một nhiệt kế điện tử cũng không còn quá đắt, ta nên dần thay thế nhiệt kế thủy ngân truyền thống.
👤 Vẫn dùng nhiệt kế thủy ngân có được không? Được.

🌡 SỐT CÀNG CAO THÌ BỆNH CÀNG NẶNG À BÁC SĨ?

Chưa chắc. Thân nhiệt cao hay rất cao không quan trọng bằng nhìn bé có mệt mỏi, li bì, quấy khóc hay có các dấu hiệu nguy hiểm hay không? Cái này phụ thuộc nhạy cảm của người mẹ và khả năng theo dõi những dấu hiệu mà bố mẹ đã được bác sĩ hướng dẫn tùy từng bệnh. Thân nhiệt khi sốt VÀ các dấu hiệu, triệu chứng khác sẽ giúp bác sĩ chẩn đoán và điều trị bệnh.

👤 VỊ TRÍ ĐO NHIỆT ĐỘ

Hậu môn trực tràng, miệng, nách và trên trán, qua tai. Mỗi vị trí có đặc tính riêng.
Tóm gọn lại như sau:
- Trực tràng: Là thân nhiệt trung tâm tiêu chuẩn. Với trẻ dưới 3 tháng, chỉ nhiệt độ này mới được dùng trong xác định sốt.
- Miệng: Thấp hơn thân nhiệt trung tâm 0,6 độ C. Ảnh hưởng bởi hơi thở, đồ ăn nóng lạnh. Chỉ áp dụng cho trẻ đã biết hợp tác.
- Kẹp nách: Luôn thấp hơn nhiệt độ trung tâm và biến động. Dùng nếu trẻ không thể ngậm trong miệng.
- Hồng ngoại (trán, tai): Nhanh gọn, không đụng chạm. Tốt hơn kẹp nách. Nhưng biến đổi do nhiều yếu tố, thường thấp hơn thân nhiệt trung tâm, dùng để đo nhanh.
- Các loại mới hơn: dán da, ti giả... ít chính xác, chỉ có tác dụng theo dõi nhanh.

🌡 CÁC LOẠI NHIỆT KẾ

 Nhiệt kế điện tử truyền thống (như ảnh chính): đo được ở trực tràng, miệng, hoặc kẹp nách. 

+ Được coi là CHÍNH XÁC NHẤT.
+ Đo trực tràng: 0 - 3 tuổi, mốc là 38 độ C
+ Đo tại khoang miệng: 4 - 5 tuổi, mốc là 38 độ C
+ Đo tại nách: mọi lứa tuổi, sai số so với thân nhiệt thực, mang tính sàng lọc, dùng ở trường học, nhà trẻ.
 Nhiệt kế hồng ngoại đo tại trán: nguyên lí là đo bức xạ hồng ngoại phát ra từ động mạch thái dương (chạy ngầm dưới da trán).


+ Nhiều yếu tố tác động (nhiệt độ môi trường, mồ hôi, lau mát trước đó).
+ Dùng cho trẻ trên 3 tháng.
+ Dưới 3 tháng tuổi: sàng lọc nhanh, tốt hơn đo tại nách một xíu.

 Nhiệt kế hồng ngoại đo qua tai: đo bức xạ hồng ngoại phát ra từ màng nhĩ

+ Cần đặt đúng vào ống tai.
+ Nhiều ráy tai quá thì đo không chuẩn.
+ Khuyến cáo Mỹ (Bright Future, AAP): trên 6 tháng tuổi mới dùng.
+ Khuyến cáo Anh (NICE): dùng cho trẻ từ 1 tháng - 5 tuổi được vì nhanh gọn, dễ dùng.
 Các miếng nhiệt kế dán da: dùng để theo dõi nhanh, liên tục thì được (dán nách hoặc gần thái dương). Nhưng làm cho bố mẹ quá chú tâm vào sốt, nên theo chúng tôi thì không nên.
 Nhiệt kế thủy ngân: không còn được khuyến khích sử dụng ở trẻ em. Trường hợp bất khả kháng thì vẫn dùng được. Đo tại trực tràng và nách tùy nhóm tuổi.
 Nhiệt kế tích hợp ti giả: chưa nhiều nghiên cứu, dùng để đo nhanh và thuận tiện.

👤 TUỔI NÀY THÌ DÙNG LOẠI NÀO?

"Tóm lại bác sĩ chốt cho em một câu để em đi mua nào!"
• Sơ sinh - 3 tháng:
Đo nhanh bằng nhiệt kế hồng ngoại qua trán, đo chính xác bằng nhiệt kế điện tử đút đít!
• Trên 3 tháng - 3 tuổi:
Tiếp tục dùng nhiệt kế điện tử đút đít!
Đo nhanh bằng nhiệt kế hồng ngoại qua trán, hoặc qua tai (trên 6 tháng)
• Trên 4 tuổi:
Dùng nhiệt kế điện tử ngậm khoang miệng.
Đo nhanh bằng nhiệt kế hồng ngoại qua trán, hoặc qua tai.

🤓 TÓM LẠI NÊN MUA NHIÊU ĐÂY LÀ ĐỦ:

- 2 cây nhiệt kế điện tử truyền thống (dán mác rõ: đút đít, ngậm miệng)
- 1 cái nhiệt kế hồng ngoại đo trán (hoặc tai) để đo nhanh (và đo nước, đo sữa...)

 CÁCH ĐO VỚI NHIỆT KẾ ĐIỆN TỬ TRUYỀN THỐNG

- Đo tại trực tràng:

+ Rửa đầu cảm biến với xà phòng hoặc cồn
+ Xả trôi xà phòng, cồn với nước mát (không dùng nước ấm)
+ Cho con nằm sấp trên đùi mẹ. 1 tay giữ lưng.
+ Tay kia cầm nhiệt kế, khum khum úp vào mông, đút đầu cảm biến vào hậu môn khoảng 1-2 cm, không nhét quá sâu.
+ Chờ 1 phút hoặc khi nghe tiếng BEEP rồi rút ra xem kết quả.
+ Nhớ dán mác riêng.

- Đo tại miệng:

+ Trẻ trên 4 tuổi mới hợp tác được
+ Không dùng với nhiệt kế thủy ngân
+ Nhớ dán mác rõ
+ Vệ sinh rồi cho trẻ ngậm đầu cảm biến đặt dưới lưỡi trong 1 phút hoặc khi nghe tiếng BEEP và đọc kết quả
+ Đo sau khi ăn nóng, lạnh ít nhất 15 phút.
+ Nhắc lại, nhớ dán mác.

- Đo tại nách:

+ Lau sạch
+ Nhét đầu cảm biến vào hõm nách, nách phải lau khô trước đó
+ Chờ nghe tiếng BEEP.
+ Nếu trên 37,2 độ C thì đo lại tại trực tràng hoặc miệng.

 CÁCH DÙNG NHIỆT KẾ ĐO TRÁN

Khác biệt tùy từng nhà sản xuất.
Luôn đọc kĩ hướng dẫn sử dụng đi theo máy. Đa số càng hãng bây giờ khi đo chỉ cần dí vào giữa trán, cách da 1-2 cm. Kết quả có ngay sau 1 giây. Đo 3 lần, lấy số trung bình.

 CÁCH DÙNG NHIỆT KẾ ĐO TAI

+ Trẻ trên 6 tháng mới dùng
+ Kéo nhẹ dái tai ra sau, lên trước
+ Đầu đo hướng về phía điểm giữa mắt và tai bên đối diện.
+ Trẻ từ trời lạnh vào thì đo sau 15 phút ngồi trong phòng.
Chắc nhiêu đây là khá đủ về nhiệt độ và nhiệt kế rồi. Chia sẻ nếu thấy thông tin này hữu ích và giải tỏa khúc mắc cho các mẹ nha.
🇻🇳 BS. ĐỖ TIẾN SƠN
Chăm con chuẩn Mỹ
🎖 Tham khảo: Bright Future (AAP), NICE Guidelines (UK),SeattleChildrens.org và HDSD của các hãng sản xuất.