HƯỚNG DẪN SƠ CỨU MỘT SỐ DẠNG NGỘ ĐỘC THƯỜNG GẶP

tháng 7 29, 2019
Một số dạng ngộ độc như ngộ độc thực phẩm, ong đốt, hít phải khí độc, rắn cắn,… đều là những dạng ngộ độc thường gặp trong cuộc sống. Khi gặp những tình huống này bạn cần bình tĩnh để xử trí vết thương, giảm thiểu hậu quả do ngộ độc gây ra.
Xử trí khi bị ngộ độc bằng đường ăn uống
Xử trí ngộ độc bằng đường ăn uống ( Ảnh: St)
Khi bị ngộ độc thực phẩm, bạn có thể gây nôn cho bệnh nhân trong 30 phút đầu nếu bệnh nhân tỉnh táo, chưa nôn, có thể hợp tác tốt. Cho bệnh nhân uống than hoạt tính hoặc Antipois-Bmai và đưa nạn nhân đến viện sớm và mang theo mẫu chất độc như vỉ thuốc đã bóc, lọ hóa chất,…
Lưu ý: không gây nôn trong trường hợp hôn mê, co giật, uống xăng dầu, axit, kiềm.
Xử trí khi bị rắn độc cắn
Xử trí khi bị rắn cắn ( Ảnh: St)
Khi bị rắn độc cắn bạn cần bình tĩnh và thực hiện theo hướng dẫn sau:
 – Băng ép và bất động toàn bộ chi bị cắn nếu bị rắn hổ cắn, rắn cạp nia, rắn hổ chúa cắn . Không băng ép nếu bị rắn lục cắn.
 – Hạn chế vận động, đi lại nếu có thể.
 – Nhanh chóng đến viện để được dùng thuốc giải độc. Không mất thời gian đi tìm thầy lang thuốc lá.
Xử trí khi bị ong đốt
Ong đốt thường gây sưng, đau, tấy ở vết thương. Nhưng nếu nghiêm trọng bạn có thể bị sốc phản vệ (ong mật đốt) hoặc nếu bị đốt vào vùng hầu họng sẽ gây phù nề, chèn ép họng gây khó thở hoặc nếu là ong vò vẽ với số lượng nhiều (trên 20 nốt) hoặc đốt ở người có cơ địa bệnh lý sẵn như viêm gan, suy thận,… sẽ gây nguy hiểm cho bệnh nhân.
Với trường hợp nà bạn phải đưa ngay nạn nhân đến cơ sở y tế gần nhất nếu số lượng vết đốt nhiều hoặc có các biểu hiện bất thường như khó thở, phù nề nhiều, mệt mỏi không giải thích được, tiểu ít.
Xử trí khi bị ong đốt ( Ảnh: St)
Xử trí khi hít phải hơi, khí độc:
Xử trí khi hít phải hơi khí độc ( Ảnh: St)
Khi cấp cứu cho người hít phải hơi, khí độc bạn cần được trang bị các biện pháp bảo hộ ăn toàn như áo, mũ, khẩu trang, bình dưỡng khí nếu nạn nhân vẫn đang trong vùng khí độc.
– Thực hiện mở rộng các cửa, quạt thông khí, giếng,… trước khi cứu hộ giải phóng bớt khí độc và đưa nạn nhân ra khỏi vùng nhiễm độc đó.
– Sau đó đặt nạn nhân tợi nơi thoáng khí, cởi bỏ quần áo nhiễm độc.
– Nếu nạn nhân ngừng thở bạn cần hỗ trợ hô hấp bằng phương tiện hiện có tại chỗ.
Cấp cứu cho người bị chất độc xâm nhập qua da, qua mắt:    
Nếu bị chất độc xâm nhập qua da hoặc mắt thì bạn cần xử lý ngay bằng cách:
– Đối với chất độc xâm nhập qua da:
+ Cởi bỏ quần áo nhiễm độc
+ Rửa da với nhiều nước, xà phòng cho đến khi sạch. Bạn nên dùng nước ấm nếu trời lạnh.
+ Tránh để hóa chất lan ra vùng da lành hoặc lan sang người cứu hộ.
 Đối với chất độc xâm nhập qua mắt:
+ Nghiêng đầu về bên mắt bị nhiễm độc. Tưới rửa mắt bằng nước sạch trong ít nhất 15 phút.
+ Nạn nhân cần phối hợp bằng cách chớp mắt trong khi rửa. Tuyệt đối không dụi mắt.
Thầy thuốc Việt Nam

VƯỚNG NGHẸN CỔ VÀ KHÓ NUỐT

tháng 7 29, 2019
Cảm giác vướng nghẹn vùng cổ và cảm giác khó nuốt là 2 triệu chứng biểu hiện khá giống nhau nhưng lại khác nhau về bản chất vấn đề. Rất nhiều bệnh nhân trào ngược dạ dày thực quản cho rằng 2 triệu chứng này là một và thường mô tả chung chung thành cảm giác vướng cổ, nghẹn cổ, khó nuốt, nuốt vướng… Để giúp cho những bệnh nhân trào ngược nhận định và mô tả chính xác triệu chứng mình đang gặp phải bài viết này sẽ hướng dẫn bạn cách phân biệt cảm giác vướng nghẹn vùng cổ và cảm giác khó nuốt.

1. Đôi điều về phản xạ Nuốt

1.1. Các giai đoạn nuốt

Nuốt là một động tác nửa tự động có cơ chế rất phức tạp được chia làm 2 giai đoạn.

Giai đoạn đầu – nuốt có ý thức

Thức ăn được đặt trên lưỡi, lưỡi cử động lên trên và ra sau để đẩy thức ăn vào họng.

Giai đoạn nuốt không có ý thức

Giai đoạn này xảy ra ở họng và thực quản. Là phản xạ ruột – một phản xạ đặc biệt của ống tiêu hóa, khi thức ăn kích thích vào một đoạn nào đó của ống tiêu hóa thì đoạn đó và đoạn ở trên sẽ co lại trong khi đoạn dưới giãn ra.

Phản xạ nuốt
Với phản xạ nuốt,  thức ăn kích thích vùng nhận cảm nuốt quanh vòm họng, truyền tín hiệu về thân não gây co các cơ của họng theo tuần tự tác động vào thiết hầu, nếp gấp khe họng, dây thanh âm, thanh quản. Trong khi nuốt trung tâm nuốt ức chế trung tâm hô hấp vì thế bạn không thể vừa nuốt xuống vừa thở ra được. Chức năng của thực quản là đưa thức ăn từ họng đến dạ dày nhờ các sóng nhu động, được kiểm soát bởi các dây thần kinh IX, X và đám rối thần kinh Auerbach ở thực quản.

1.2. Nuốt là sự kết hợp của nhiều cơ quan

Động tác nuốt rất phức tạp và phải được thực hiện một cách nhịp nhàng, có sự phối hợp nhuần nhuyễn giữa hệ thần kinh ngoại vi thuộc sự chi phối của ý thức và hệ thần kinh tự động thuộc sự điều khiển của tiềm thức. Chỉ khi có được sự đồng điệu nhất định giữa các cơ quan thì việc nuốt mới trở nên suôn sẻ, đầu xuôi đuôi lọt.
Mỗi ngày chúng ta nuốt khoảng 600 – 2000 lần, mỗi lần nuốt có sự phối hợp của 20 cặp cơ. Cơ chế phức tạp, số lần nuốt nhiều như vậy nhưng mọi thứ thường hoạt động tốt bởi việc này đã được tập dượt nhiều lần ngay khi chúng ta còn ở trong bụng mẹ bằng việc nuốt 0,5 lít nước ối mỗi ngày.
Như vậy rõ ràng khi việc nuốt xảy ra trục trặc thì có thể vấn đề nằm ở cơ, thần kinh, thực phẩm ăn uống, cũng có thể xảy ra ở nhiều phân đoạn giải phẫu như miệng, họng, thanh quản, thực quản…

2. Phân biệt vướng nghẹn vùng cổ – khó nuốt

Bạn hãy tưởng tượng vướng nghẹn vùng cổ cũng giống như việc bạn tham gia giao thông, có lúc tắc đường giờ cao điểm, có lúc đường thông hè thoáng một mình một đường; nhưng nếu là khó nuốt thì nó chính là cái viễn cảnh lúc nào cũng gặp tắc đường cho dù bạn ra đường vào thời điểm nào, di chuyển bằng phương tiện nào đi chăng nữa.
 
Vướng nghẹn cổKhó nuốt

Triệu chứng

Xuất hiện rõ nhất khi nuốt nước bọt, không xuất hiện trong khi ăn, có thể kèm ợ chua, ợ nóng, buồn nôn…
Không xuất hiện thường xuyên, có thể lúc bị lúc lại như bình thường.
Khó nuốt đồ ăn thức uống, buồn nôn, ho, nghẹt thở, đau khi nuốt, khàn tiếng…
Xuất hiện thường xuyên bất kể khi nào ăn uống.

Tần suất

Hay gặp, 68% người bị trào ngược có triệu chứng này.
Hiếm gặp hơn ở những bệnh nhân trào ngược dạ dày.

Nguyên nhân

Trào ngược dạ dày thực quản, loạn cảm họng,.Viêm thực quản (phổ biến là do trào ngược dạ dày thực quản), ung thư thục quản, chứng co thắt thực quản, polyp – u thực quản, ung thư vòm họng, u trung thất, nhược cơ, đột quỵ, bại não, viêm họng, bệnh lý tuyến giáp, bệnh lý cột sống cổ…

Xét nghiệm cơ bản

Nội soi dạ dày thực quản, nội soi tai mũi họng, nuốt bari, đo áp lực thực quản, X-quang lồng ngực, theo dõi độ pH của vùng họng thanh quản – thực quản, chụp MRI.

Tiên lượng

Thường không nguy hiểm vì đây chỉ là cảm giác có thứ gì đó  chứ hoàn toàn không có bất tổn thương nào ở hầu họng thực quản, đa số sẽ tự mất đi
Tuy nhiên sẽ trỏ nên nguy hiểm khi xuất hiện khó nuốt, nuốt đau và gầy sút cân
Luôn là một dấu hiệu nguy hiểm khi chưa xác định được nguyên nhân.

Hướng giải quyết

Điều trị trào ngược dạ dày nếu có.
Điều trị các nguyên nhân khác
Ngôn ngữ trị liệu, liệu pháp tâm lý…
Điều trị nguyên nhân.
Bài tập cơ nuốt, ngôn ngữ trị liệu, thay đổi các dạng thức ăn, nong giãn thực quản, phẫu thuật.

3. Làm gì khi có triệu chứng vướng nghẹn cổ – khó nuốt???


Làm gì khi gặp triệu chứng vướng nghẹn cổ, khó nuốt?
Cả vướng nghẹn vùng cổ và khó nuốt đều là 2 triệu chứng có liên quan đến phản xạ nuốt, đều có thể gặp trong bệnh trào ngược song trong khi vướng nghẹn cổ là một chẩn đoán loại trừ thì khó nuốt lại là một chẩn đoán xác định cụ thể, mức độ nguy hiểm tuy khác nhau xong cả 2 đều có thể tiến triển xấu đi và gây hậu quả nghiêm trọng nếu không được chẩn đoán và điều trị kịp thời. Vì vậy ngay khi bạn có các triệu chứng này bạn nên tìm gặp bác sĩ để biết chính xác nguyên nhân và có hướng xử trí phù hợp.


BS Uông Mai

TRẺ SƠ SINH BỊ HO - DẤU HIỆU CẢNH BÁO NHIỀU BỆNH HÔ HẤP

tháng 7 29, 2019
Trẻ sơ sinh bị ho là một vấn đề  khiến các ông bố bà mẹ lo lắng, trăn trở. Trẻ sơ sinh bị ho là dấu hiệu cảnh báo nhiều bệnh hô hấp. Cách trị ho cho trẻ sơ sinh cũng là một vấn mà các bậc phụ huynh rất quan tâm. Khi trẻ bị ho, các bố mẹ trẻ nên bình tĩnh, tìm ra nguyên nhân để có cách trị ho cho trẻ sơ sinh hợp lý nhất.


1. Ho là gì?

Ho là một phản xạ của cơ thể, nhằm bảo vệ cơ thể, loại bỏ các tác nhân gây bệnh hoặc tống xuất các dị vật rơi vào đường thở. Khi trẻ sơ sinh có vấn đề ở đường hô hấp, ho giúp đường hô hấp của trẻ thông thoáng hơn, tống đờm, dịch mũi họng ra ngoài. Có hai kiểu ho ở trẻ sơ sinh thường gặp:
  • Ho khan: Ho khan thường gặp khi trẻ bị cảm lạnh hoặc dị ứng. Đường thở bị kích thích bởi những tác nhân dị ứng, gây ho khan.
  • Ho có đờm: Đây có thể là biểu hiện của nhiễm khuẩn đường hô hấp. Nhất là khi trẻ ho có đờm có màu vàng đục hoặc màu xanh.


Một lưu ý ở trẻ sơ sinh là phản xạ ho rất yếu. Nên trẻ thường khó tống đờm ra ngoài. Tư thế nằm cũng hạn chế việc ho của trẻ. Vì vậy, trẻ thường nuốt đờm vào đường tiêu hóa và khi trẻ nôn thì có thể nôn ra đờm. Bố mẹ có thể thấy màu sắc của đờm trong dịch nôn của trẻ.

2. Tại sao trẻ sơ sinh bị ho?

Trẻ sơ sinh là trẻ dưới 1 tháng tuổi. Ở lứa tuổi này, thường ít xuất hiện triệu chứng ho. Do đó, việc trẻ bị ho là vấn đề cần lưu tâm cho các bố mẹ. Sau đây là những nguyên nhân làm cho trẻ ho:

2.1. Môi trường

– Trong nhà có người hút thuốc lá, thuốc lào.
– Dùng than củi để xông, sinh ra quá nhiều khói.
– Môi trường sống nhiều khói bụi ô nhiễm, trong nhà có bụi, mạt nhà.
– Thời tiết thay đổi, trẻ bị cảm lạnh.

2.2. Nhiễm trùng

Trẻ sơ sinh bị ho có thể là dấu hiệu gợi ý cho các bệnh hô hấp:
– Viêm tiểu phế quản.
– Viêm phổi.
– Viêm thanh khí quản.
Vi rút hợp bào hô hấp – RSV là nguyên nhân nhiễm trùng thường gặp nhất.
RSV hiện diện trong 60-70% trường hợp trẻ bị nhiễm khuẩn hô hấp. RSV lây qua giọt bắn, có chu kỳ sống trong đường thở từ 1 đến 2 tuần. Vì vậy, sau thời gian này, nếu không có biến chứng, bệnh sẽ tự khỏi.
RSV là virus nên không bị kháng sinh tiêu diệt. Vì vậy, bố mẹ trẻ không nên lạm dụng kháng sinh trong mọi trường hợp trẻ bị ho.

2.3. Dị vật hoặc dị dạng đường thở

Đây là nguyên nhân cơ học hiếm gặp nhưng không phải là không có. Một số dị tật bẩm sinh có thể gây ra trẻ sơ sinh bị ho như hẹp thanh quản, sling phế quản, các dị dạng mũi họng kèm theo. Khi trẻ có dị dạng đường thở, có thể kèm theo các triệu chứng nổi bật khác như trẻ khó thở, thở nhanh, tím, khò khè, thở rít. Những triệu chứng này xuất hiện sớm sau sinh.
Dị vật đường thở không thường gặp ở trẻ dưới 1 tháng tuổi. Bởi thời gian này trẻ thường chỉ bú sữa mẹ hoặc ăn sữa công thức. Trẻ có thể bị sặc sữa khi lượng sữa quá nhiều. Khi sặc sữa, trẻ sẽ đột ngột ho, trớ sữa ra ngoài. Hầu hết trường hợp trẻ sẽ tự hết. Một số hiếm trường hợp bất cẩn để lọt những vật nhỏ xung quanh vào đường thở của trẻ. Với dị vật, trẻ thường ho dữ dội và đột ngột. Kèm theo trẻ tím tái, thở nhanh. Trong trường hợp này, cấp cứu khẩn trương là cần thiết.

3. Cách điều trị cho trẻ sơ sinh bị ho

Lời khuyên đầu tiên là đối với trẻ sơ sinh dưới 1 tháng tuổi, bố mẹ không được tự ý cho trẻ dùng thuốc. Bố mẹ cần tham khảo ý kiến của bác sĩ, nhất  là thuốc kháng sinh. Một số kháng sinh chống chỉ định ở trẻ em. Kháng sinh nhóm Quinolon có ảnh hưởng đến sự phát triển sụn xương trẻ em, kháng sinh nhóm Tetracyclin ảnh hưởng đến răng và xương. Một vấn đề nóng hổi hiện nay là tình trạng kháng kháng sinh. Việc dùng kháng sinh bừa bãi làm cho cho tình trạng này ngày một nghiêm trọng. Nên hạn chế cho trẻ dùng thuốc kháng sinh sớm mà không cần thiết.

3.1. Các trường hợp cần đưa trẻ đi khám ngay

Khi bé bị ho kèm những dấu hiệu sau, bố mẹ không nên tự ý điều trị cho trẻ mà cần phải đưa trẻ đến bác sĩ càng sớm càng tốt:
– Trẻ thở nhanh, trên 60 lần/phút đối với trẻ sơ sinh
– Trẻ có cơn ngừng thở kéo dài và thường xuyên

– Trẻ tím quanh môi, đầu chi
– Sốt cao hoặc hạ nhiệt độ
– Bú kém hoặc bỏ bú
– Khò khè
– Li bì, khó đánh thức, co giật.

3.2. Cách trị ho cho trẻ sơ sinh tại nhà

Nếu trẻ sơ sinh bị ho nhẹ, không kèm biểu hiện toàn thân khác, bố mẹ có thể không cần phải cho trẻ dùng thuốc. Trong trường hợp này, chỉ cần chăm sóc đúng, loại bỏ nguyên nhân: giữ ấm, tránh gió, tăng cường dinh dưỡng cho trẻ. Trẻ có thể tự khỏi sau vài ngày và không ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ.
Những phương pháp đơn giản có thể thực hiện tại nhà cách trị ho cho trẻ sơ sinh.

Theo dõi nhiệt độ của trẻ là cần thiết

Khi trẻ sơ sinh bị ho, bố mẹ hãy theo dõi thân nhiệt trẻ 2-3 tiếng một lần. Với trẻ em, nhiệt độ hậu môn là nơi phản ánh đúng nhất nhiệt độ của trẻ.


Nếu trẻ sốt trên 38°C, bố mẹ cần đưa trẻ đến bệnh viện, mà không nên tự điều trị bằng các phương pháp hạ sốt thông thường. Thuốc hạ sốt dùng không đúng cách ở trẻ sơ sinh có thể gây nhiều tác hại nghiêm trọng.

Làm sạch mũi cho trẻ

Trẻ dưới 1 tháng tuổi không thể tự xì mũi. Vì vậy cần sự giúp đỡ của mẹ để tống xuất chất nhầy ra ngoài. Bố mẹ nên hút mũi cho trẻ kết hợp với nước muối sinh lý vệ sinh mũi. Việc làm này làm lỏng các chất nhầy để loại bỏ dễ hơn.

Vỗ rung long đờm

Với trường hợp trẻ ho có đờm, bố mẹ có thể vỗ rung long đờm cho trẻ.  Cách thực hiện là khum bàn tay lại rồi vỗ nhẹ vào lưng trẻ ở phần giữa 2 bả vai. Nên để trẻ nằm nghiêng đầu bằng,  vỗ nhẹ liên tục. Sau khi vỗ rung, trẻ có thể sẽ ho nhiều hơn và nôn ra đờm. Nên vỗ rung lúc trẻ đói, vào buổi sáng khi trẻ ngủ dậy.
 Trẻ em, với hệ miễn dịch chưa đầy đủ, dễ dàng nhiễm bệnh hơn người lớn. Trẻ sơ sinh bị ho là một dấu hiệu cảnh báo nhiều bệnh hô hấp. Vì vậy, bố mẹ cần phải có một thái độ đúng đắn, hiểu biết để tránh những biến chứng đáng tiếc.

BS Phương Thùy

THÔNG TIN VỀ VIRUS RSV

tháng 7 29, 2019
‼10 TRẺ NHỎ VÀO VIỆN VÌ VIÊM PHỔI, KÈM RSV THÌ 8 BÉ LÀ CÓ ANH CHỊ BỐ MẸ ÔNG BÀ Ở CHUNG ĐANG HO CÚM MÀ KHÔNG CÁCH LY KIÊNG CỮ!

🧿 Tuy nhiều bố mẹ đã biết, nhưng với nhiều người, cái tên này vẫn còn lạ, thậm chí từng bị báo chí gán tên "virus lạ bùng phát". Hoặc khi bác sĩ nói kết quả xét nghiệm của bé dương tính với RSV - "rờ ét vê" - "a ét vi" thì còn nhiều bạn lúng túng. Có người còn bảo ơ nghe hao hao ...HIV.

🤖 RSV là virus gây bệnh đường hô hấp, viết tắt tên tiếng Anh của Respiratory Syncytial Virus - virus hợp bào hô hấp.

Nhắc luôn, đã là virus (siêu vi) - thì KHÁNG SINH không diệt được. Vì siêu vi không có cấu trúc tế bào, tránh được các cơ chế tấn công tìm diệt của kháng sinh. Tóm người có tóc, ai tóm được kẻ trọc đầu, phỏng?

☔️ Ở trẻ lớn và người lớn như chúng ta, RSV gây ra cảm mạo, hắt hơi sổ mũi - cứ về thu đông hay chuyển trời là bị.

Ở trẻ bé, nhiễm RSV có thể gây bệnh từ nhẹ - nặng: từ hắt hơi, chảy mũi đến viêm phổi, khó thở - tùy thuộc vào tuổi của bé, bệnh lý có sẵn (trẻ đẻ non tháng, có bệnh tim mạch, có sẵn bệnh phổi).

⛈❄️ RSV bùng phát vào MÙA THU - MÙA ĐÔNG VÀ GIAO MÙA. Như bây giờ! Bác sĩ đang sụt sịt, chắc cũng RSV, các cháu ở khoa lác đác cũng có cháu ho nhiều hơn, rồi cũng ra RSV.

💣 Ở trẻ sơ sinh và đang thời kì bú mẹ, nhiễm RSV có thể gây viêm TIỂU phế quản (các đường dẫn khí nhỏ trong phổi). Gây khò khè nhiều, có thể tiến triển khó thở nhanh, đặc biệt ở các cô câu đẻ non hoặc hệ miễn dịch yếu, bệnh lý tim (tim bẩm sinh) hay phổi (bệnh phổi mạn, xơ phổi...). Với nhóm trẻ nguy cơ cao đó, bố mẹ càng cần phải kiêng cữ và dự phòng tốt cho con, cùng xin ý kiến tư vấn của bác sĩ sớm.

10 BÉ SƠ SINH VÀO VIỆN VÌ VIÊM PHỔI, KÈM RSV THÌ 8 BÉ LÀ CÓ ANH CHỊ BỐ MẸ ÔNG BÀ Ở CHUNG ĐANG HO CÚM MÀ KHÔNG CÁCH LY KIÊNG CỮ!

Ở trẻ nhỡ nhỡ (đang đi nhà trẻ), biểu hiện đa phần là chảy mũi nhiều, một số bị viêm tiểu phế quản, viêm phế quản, nhưng đa phần có thể điều trị ở nhà sau khi ĐÃ đi khám bác sĩ nhi. Vì RSV là virus, trừ khi có biến chứng khó thở, thì bệnh sẽ tự khỏi (như người lớn vẫn tự khỏi cảm sốt).

🔬 XÉT NGHIỆM TÌM RSV DƯƠNG TÍNH?

Như đã nói, KHÔNG có thuốc nào điều trị đặc hiệu RSV. Các bác sĩ sẽ đưa ra các điều trị hỗ trợ, tức là:
1) Chảy mũi nhiều, thì hướng dẫn rửa mũi, hút mũi - đặc biệt HIỆU QUẢ VÀ QUAN TRỌNG với trẻ sơ sinh (do đường thở bé - hẹp - dễ tắc).
2) Sốt thì hạ sốt khi con sốt cao và khó chịu nhiều.
3) Ăn, uống tốt (ít nhất là đủ, dư mới tốt. Khỏe ăn 10 thì giờ phải ăn được 11-12 mới nhanh khỏi).
4) Nghỉ ngơi
...
Một số biện pháp điều trị như khí dung thuốc giãn phế quản, corticoid sẽ được cân nhắc chỉ định tùy đáp ứng của mỗi trẻ. Đa phần, là ít hiệu quả, không còn là chỉ định bắt buộc dành cho trẻ viêm tiểu phế quản do RSV.

💣 Ở những trẻ nhiễm RSV diễn biến nặng và nhanh, trẻ sẽ có khó thở (thở nhanh - ngừng thở, rút lõm cơ hô hấp, ăn bú kém...). Với những trẻ này, bắt buộc là đi viện, để thở oxy nếu cần, hỗ trợ hô hấp (máy thở qua gọng mũi, máy thở qua ống thở - khi nặng), dịch truyền nếu cần, kháng sinh NẾU CÓ NGHI NGỜ BỘI NHIỄM THÊM VI KHUẨN.

🤚 LÀM SAO ĐỂ CON TRÁNH BỊ LÂY RSV?
RSV lây qua dịch tiết hầu họng, mũi, văng ra khi xì mũi, hắt hơi, ho. RSV sau đó lây qua tiếp xúc trực tiếp (tức là qua bàn tay). DỰ PHÒNG BAO GỒM:

- Tránh tiếp xúc với KHÓI THUỐC LÁ và các thể loại khói khác.
- Hạn chế đưa con tới nơi đông người, hoặc không đi nhà trẻ nếu ở nhà trẻ đang có dịch (nếu có thể)
- Rửa tay thường xuyên, đặc biệt ở trẻ nguy cơ ("miễn dịch kém", "non yếu")
- Cách ly nếu anh, chị của trẻ chung nhà có dấu hiệu viêm nhiễm hô hấp
- Dạy trẻ che miệng mũi khi ho và người lớn tuân thủ làm gương.

😳 BỊ RỒI CÓ BỊ LẠI KHÔNG?
Có thể bị lại. Thậm chí bị đợt mới ngay trong tháng, trong mùa đó. Sang năm mà không phòng tốt thì vẫn bị đợt mới.

🗣 RSV CÓ VACCINE DỰ PHÒNG KHÔNG?
Chưa có, các vaccine vẫn đang trong giai đoạn đầu thử nghiệm.

🗣 PALIVIZUMAB LÀ THUỐC DỰ PHÒNG RSV?
Đúng. Nhưng chỉ định của Palivizumab rất hạn chế, dành cho nhóm nguy cơ cao và do bác sĩ chuyên khoa xem xét chỉ định.

👍 Chia sẻ và giới thiệu lại nếu bạn thấy bài viết hữu ích cho hành trình chăm con của ai đó.

Nguồn Bác sĩ Sơn & Đội ngũ Chăm con chuẩn Mỹ

VIÊM VA - BỐ MẸ ĐỪNG XEM CHUYỆN NHỎ RỒI BỎ QUA

tháng 7 23, 2019
Nhiều phụ huynh thấy con hay sốt vặt, "năm ngày ba bệnh", cơ thể ngày càng còi cọc, học hành sa sút... Đến khi bác sĩ chẩn đoán "viêm VA" lại nửa tin nửa ngờ bởi ít nghe đến nó và có nghe thì cũng chỉ nghĩ đó là chuyện nhỏ. Vậy sự thực ra sao?



VA là gì?

 VA (Végétations adenoids) là một tổ chức Lympho bình thường chỉ dày chừng 2mm nằm trong niêm mạc nóc vòm, thành sau của vòm mũi họng mà mọi trẻ em sinh ra đều có.

Cùng với amidan họng, amidan đáy lưỡi, VA tạo thành một vòng tròn (vòng Walldeyer) sản xuất ra Lympho bào để góp phần bảo vệ vùng hầu họng chống lại sự viêm nhiễm.

Nhưng khi VA bị viêm tái đi tái lại nhiều lần thì nó sẽ phát thành những khối to gọi là sùi vòm, gây che lấp cửa mũi sau và lúc đó VA trở thành một tổ chức bệnh lý, gây ra những tác hại khó lường.

1. Rối loạn hô hấp: 

Vì làm tắc cửa mũi sau nên sùi vòm gây ra các rắc rối về hô hấp, mà nghẹt mũi là triệu chứng đầu tiên.

Các bé bị bệnh thường bị thở khó cả hai bên mũi, mũi trước thì hay "thò lò mũi xanh", nhầy mủ tiết ra từ VA viêm chảy xuống họng nên rất hay ho, sốt vặt. Cũng không thẳng giấc mà hay giật mình.

Chuyện không chỉ có vậy, viêm nhiễm có thể lan xa hơn gây viêm thanh quản, viêm khí quản, viêm phổi, đều là những bệnh có thể gây nguy hiểm cho trẻ em.

2. Rối loạn thính giác: 

VA nằm sát lề ra của vòi nhĩ nên khi viêm nhiễm, quá to thì có thể gây bít tắc vòi nhĩ thường xuyên. Hậu quả là trẻ bị nghễnh ngãng, hay bị viêm tai giữa, đau tai.

3. Rối loạn tiêu hóa: 

Vì trẻ hay bị nuốt phải nhầy mủ từ VA viêm chảy xuống họng thường xuyên nên hay bị đau bụng, đi ngoài phân nhầy do đường ruột bị nhiễm khuẩn.

4. Rối loạn phát triển thể chất và tinh thần:

 Do thường xuyên nghẹt mũi, trẻ phải há miệng nên lâu ngày khuôn mặt bị biến dạng: hàm trên hô ra, môi trên xếch lên, môi dưới dài thõng xuống, mắt to, ngây ngô, lồng ngực dẹt, hẹp, lưng cong vẹo...

Ngoài ra, vì tai nghễnh ngãng và não thiếu oxy do thở kém nên các bé bị viêm VA thường xuyên sẽ có khả năng tiếp thu bài học kém, giảm khả năng tập trung, lười học, buồn ngủ trong lớp... Trí tuệ kém thì về sau có khả năng thất bại cao, có ai ngờ rằng hậu quả đó không phải do đầu óc trẻ ngu đần mà chỉ vì hồi nhỏ không sớm được giải thoát khỏi khối VA quá lớn.

Ngoài ra, dù không thường gặp nhưng viêm VA mãn tính có thể gây ra kích thích cốt mạc nền sọ mà phát sinh u xơ vòm mũi họng hoặc biến đổi ác tính mà trở thành ung thư dạng Lympho sarcoma. Đây là hai bệnh rất nặng và gây tử vong cao.

Điều trị và phòng ngừa


- Viêm VA thường phát triển mạnh ở giai đoạn từ 2 - 6 tuổi, nếu được phát hiện sớm, chăm sóc tốt bằng cách rửa mũi thường xuyên, điều trị kịp thời bằng thuốc... thì sẽ mau khỏi, ít tái phát, thoái triển dần, sau 10 - 12 tuổi thường không thấy nữa.

- Các trường hợp viêm VA mãn tính quá thường xuyên gây biến chứng viêm tai giữa hoặc ảnh hưởng xấu đến sức khỏe, các trường hợp VA quá phát hoặc VA tồn dư sau 12 tuổi: nên tiến hành nạo bỏ.

Khác với nạo VA truyền thống (nạo "mù", dụng cụ là thìa nạo), Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM cơ sở 2 là bệnh viện đầu tiên áp dụng nạo VA qua nội soi bằng máy Coblator hiện đại với ưu thế tuyệt đối là không nạo sót, hầu như không đau và rất ít chảy máu.



Nguồn: https://tuoitre.vn

HÓC XƯƠNG CÁ PHẢI LÀM SAO ???

tháng 7 23, 2019
Trong các loại thực phẩm, cá là món ăn rất tốt cho sức khỏe nhưng cũng khiến nhiều người lo ngại vì nguy cơ hóc xương. Đây là tình trạng xương vướng vào cuốn họng gây cảm giác khó chịu, đau rát.



Khi bị hóc xương cá, bạn cần phải nhanh chóng xử lý theo hướng dẫn dưới đây nhé:


Nguồn: BV TMH TPHCM

CÁCH SỬ DỤNG THUỐC ĐẶT HẬU MÔN ĐÚNG CÁCH

tháng 7 21, 2019
Thuốc đặt hậu môn là loại thuốc sử dụng khá thông dụng, đặc biệt là dùng cho trẻ em. Tuy nhiên, không phải ai cũng hiểu và sử dụng đúng cách về loại thuốc này.
Thuốc dùng đường hậu môn (thuốc viên đạn) dù không phải là đường sử dụng được lựa chọn đầu tiên, nhưng là đường thay thế đường uống có lợi trong nhiều trường hợp:

– Bệnh lý đường tiêu hóa: nôn mửa, phẩu thuật,…
– Hôn mê
– Trẻ em không chịu uống thuốc, người già,…
Mục đích sử dụng theo đường hậu môn nhằm:
– Tác dụng tại hậu môn: trị táo bón, trị bệnh trĩ, viêm nhiễm hậu môn,…
– Tác dụng toàn thân: thuốc giảm đau hạ sốt, thuốc trị hen suyển,..

   Cách đặt thuốc vào hậu môn đúng cách:


– Rửa tay sạch bằng xà phòng
– Tháo bỏ bao thuốc.
– Đặt trẻ nằm nghiêng một bên ở tư thế gối gập vào bụng.
– Một tay giữ mông và bộc lộ vùng hậu môn. Tay còn lại nhẹ nhàng đặt thuốc vào hậu môn của trẻ. Cách hậu môn khoảng 1 cm, đầu nhọn vào trước. Khoảng cách này giúp thuốc hấp thu tốt nhất, thuốc không phải chuyển hóa qua gan).
– Sau đó khép giữ 2 nếp mông trẻ để thuốc không rơi ra ngoài trong 2 – 3 phút

  Những lưu ý khi dùng thuốc đặt hậu môn:

– Thuốc phải được bảo quản ở nhiệt độ lạnh khoảng từ 2oC – 8 oC cho tiện việc sử dụng. Tốt nhất trước khi dùng nên để vào đá hay ngăn mát tủ lạnh vài phút để bảo đảm đủ độ cứng, dễ dàng đưa thuốc vào trực tràng.
– Phải dùng đúng liều, không nên dùng đồng thời thuốc đặt có chung tác dụng với thuốc uống vì sẽ gây ngộ độc do quá liều.
– Thuốc đặt hậu môn có hiệu quả tương đương với thuốc uống tuy nhiên thời gian có tác dụng chậm hơn.
– Thuốc đặt hậu môn có thể gây ngứa tại chỗ, gây tiêu chảy nếu dùng nhiều lần hoặc khoảng cách quá gần.

   Những trường hợp sau không nên sử dụng thuốc đặt hậu môn:

– Không dùng thuốc đặt hậu môn cho trẻ đang bị tiêu chảy, viêm da vùng hậu môn – trực tràng, hoặc đang chảy máu hậu môn.
– Không nên dùng cho trẻ thường bị táo bón hoặc đang có bệnh lý vùng hậu môn vì ảnh hưởng tới sự hấp thu của thuốc, làm giảm tác dụng của thuốc.

UNG THƯ VÒM HỌNG CÓ TRIỆU CHỨNG GÌ ???

tháng 7 21, 2019
Ung thư vòm họng là bệnh lý ác tính nguy hiểm đứng hàng đầu trong các bệnh ung thư vùng đầu cổ. Các triệu chứng ung thư vòm họng lại khá mờ nhạt và dễ nhầm lẫn. Tuy nhiên, người bệnh vẫn có thể nhìn ra sự khác biệt giữa ung thư vòm họng và các bệnh lý thông thường. Nhận biết sớm và điều trị kịp thời căn bệnh nguy hiểm này.

1. Ung thư vòm họng có triệu chứng gì?

Dựa trên khám lâm sàng và chụp X-quang, triệu chứng ung thư vòm họng là khác nhau ứng với 4 giai đoạn:

Dấu hiệu ung thư vòm họng sớm

Hay còn gọi là giai đoạn đầu, ủ bệnh. Tùy thuộc vào sức đề kháng mỗi người mà thời gian ủ bệnh ung thư vòm họng có thể từ 3-6 tháng. Thậm chí có thể một vài năm. Khối u bắt đầu hình thành cách âm thầm và hầu như không có biểu hiện rõ rệt, dễ nhầm lẫn với cách bệnh viêm họng thông thường. Như: đau rát họng, khàn tiếng, ngạt mũi, có đờm, nổi hạch…

Ung thư vòm họng giai đoạn 2 

Khối u phát triển lớn hơn.
  • Người bệnh thường đau đầu một bên, đau từng cơn và âm ỉ kéo dài. Nó có thể xuất hiện rồi biến mất khiến người bệnh không tránh khỏi nhầm lẫn với các cơn đau đầu thông thường.
  • Tắc mũi, nghẹt mũi, chảy máu mũi
  • Đau họng, ho, khàn tiếng, mất tiếng
  • Khó nuốt
  • Ho khạc ra máu, xuất hiện khối u nhỏ ở cổ họng, hạch dưới hàm.

Ung thư vòm họng giai đoạn 3


Khối u lớn (có hoặc không bệnh về cổ kèm theo). Không ít người băn khoăn ung thư vòm họng có biểu hiện như thế nào? Cũng bởi hầu hết bệnh nhân ở giai đoạn này mới cảm nhận rõ rệt triệu chứng của bệnh.
  • Đau nửa đầu. Có khi đau đầu dữ dội, đau hốc mắt
  • Khó nuốt. Thậm chí khi uống nước cũng có cảm giác đau
  • Cổ họng nổi cục to
  • Lạ giọng, đau rát cổ họng, không nói ra thành tiếng
  • Thường xuyên ù tai, nhất là khi đeo tai nghe
  • Ho khạc ra máu, chảy máu cam
  • Thường xuyên xuất hiện hạch dưới hàm

Ung thư vòm họng giai đoạn cuối

Khối u di căn, xâm lấn sang các bộ phận khác trong cơ thể qua hệ thống mạch bạch huyết, mô, máu. Cơ quan dễ xảy ra di căn nhất là xương, gan và phổi.

2. Phân biệt ung thư vòm họng với các bệnh dễ nhầm lẫn

Ung thư vòm họng và viêm họng thông thường




Với cùng các triệu chứng giống nhau như khó nuốt, đau họng, sưng ở cổ. Vì thế mà không tránh khỏi việc nhầm lẫn, chủ quan trong việc chẩn đoán giữa ung thư vòm họng và viêm họng thông thường. 
Ung thư vòm họng có một vài điểm khác biệt như sụt cân nhanh, nhưng cũng rất mờ nhạt. Và điểm khác biệt lớn nhất là thời gian kéo dài triệu chứng. Thông thường, viêm họng chỉ kéo dài trong thời gian ngắn, thậm chí có thể tự khỏi. Nếu các triệu chứng kéo dài sau khoảng 2 tuần, tốt nhất bạn nên đi thăm khám bác sĩ để có được kết quả và phương pháp điều trị tốt nhất.
Tuy nhiên, trong thời gian ủ bệnh kéo dài khoảng 3-6 tháng, thậm chí một vài năm thì các triệu chứng rất mờ nhạt và khó phát hiện. Do vậy, cách tốt nhất để bảo vệ sức khỏe bản thân và cuộc sống của gia đình là đi tầm soát ung thư một năm ít nhất 2 lần. 

Ung thư vòm họng dấu hiệu nhận biết có một số điểm giống và khác với một số bệnh lý tai mũi họng khác dễ nhầm lẫn

Giai đoạn mới hình thành, ung thư vòm họng gần như không có biểu hiện rõ rệt, hoặc xuất hiện các triệu chứng của một số bệnh thông thường liên quan đến đường hô hấp khác như: cảm cúm, viêm họng hạt, viêm xoang,… khiến người bệnh chủ quan, lơ là.
Tuy nhiên, người bệnh vẫn có thể nhìn ra sự khác biệt vì đặc điểm chung của ung thư vòm họng là:
  • Các triệu chứng thường xuất hiện một bên (đau nửa đầu, nghẹt một bên mũi,… )
  • Nặng theo thời gian (ban đầu chỉ bị nghẹt mũi, khó nuốt, về sau có thể chảy máu cam, nổi hạch ở cổ)
  • Điều trị bằng thuốc không hiệu quả (các triệu chứng có thể giảm trong 3-4 tuần nhưng vẫn không thể khỏi hẳn, hoặc chỉ khỏi một thời gian lại tái phát)
Khi đến giai đoạn cuối, các triệu chứng sẽ rõ rệt nhưng đồng thời cũng tiến triển nhanh hơn bao giờ hết. Và đây cũng là lúc báo hiệu thời gian sống sót của bạn đang ngày càng ít đi. Vì vậy, bạn cần quan sát mọi biểu hiện bất thường, dù là nhỏ nhất của cơ thể. Tầm soát ung thư định kỳ để phát hiện và điều trị bệnh kịp thời.