PHẪU THUẬT CẮT THANH QUẢN - Những điều bệnh nhân và gia đình cần biết ( Nguồn: Tai Mũi Họng TYC - Bệnh viện TW Quân Đội 108)

tháng 10 31, 2019
PHẪU THUẬT CẮT THANH QUẢN - Những điều bệnh nhân và gia đình cần biết

1️⃣. Phẫu thuật cắt thanh quản là gì?

- Thanh quản là bộ phận nằm ở vùng cổ tham gia chính vào quá trình phát âm tạo ra tiếng nói cũng như chức năng thở và ăn nuốt của cơ thể con người.
- Phẫu thuật cắt thanh quản là PT cắt đi một phần hay toàn bộ thanh quản của cơ thể bao gồm cả khối u.



2️⃣. Khi nào phải cắt thanh quản và cắt như thế nào?

- Phần lớn phẫu thuật cắt thanh quản được tiến hành khi người bệnh có khối u ác tính (ung thư) ở thanh quản hoặc hạ họng ở giai đoạn có thể cắt bỏ được mà đem lại kết quả tốt.
- Tùy thuộc vào độ lớn và lan rộng của khối u ung thư bác sĩ sẽ quyết định cắt thanh quản như thế nào cho phù hợp. Có hai loại PT cắt thanh quản là:
♦️ Cắt một phần thanh quản ( cắt dây thanh, cắt thanh quản bán phần…) với phẫu thuật này sau khi ổn định BN vẫn có thể nói được nhưng giọng khàn nhiều và BN có thể thở và ăn uống tương đối bình thường.
♦️ Cắt toàn bộ thanh quản với phẫu thuật này sau khi mổ thì đường thở ( khí quản) của BN được đưa ra vùng cổ vĩnh viễn, khi hít thở không khí không đi qua miệng và mũi để xuống phổi nữa mà sẽ đi trực tiếp qua lỗ khí quản ( lỗ thở) ở cổ vào phổi, và đồng thời BN không nói được nữa sau này muốn nói phải sử dụng các phương pháp phục hồi tiếng nói theo chỉ dẫn của bác sĩ.




3️⃣. PT cắt thanh quản có thể gặp những biến chứng gì?

Cắt thanh quản là một phẫu thuật lớn có thể xảy ra nhiều biến chứng, đặc biệt là khi có kèm theo mở khí quản hay nạo vét hạch cổ, các biến chưng hay gặp như:
- Chảy máu: chảy máu chân canule, chảy máu vết mổ, ho khạc ra máu, hoặc thấy cổ BN sưng phồng, khó thở…
- Khó thở: BN thấy khó thở, thở nhanh, thở gắng sức, mệt…
- Liệt thần kinh: BN khó quay cổ, sệ vai, khó dơ tay cao, méo miệng, lệch lưỡi…
- Rò dịch: thấy dẫn lưu nhiều dịch, màu sữa, cổ có thể sưng nề…
- Nhiễm trùng vết mổ: sốt, môi khô lưỡi bẩn, vết mổ sưng nề…
→ do vậy người nhà khi chăm sóc BN cần theo dõi và phát hiện sớm biến chứng nếu có và thông báo với nhân viên y tế để xử trí kịp thời.

4️⃣. Người nhà bệnh nhân cần chăm sóc bệnh nhân sau cắt thanh quản như thế nào ?

♦️ Chế độ vệ sinh và sinh hoạt:

- Vệ sinh cá nhân: hút dịch mũi, nhỏ thuốc mũi, thuốc chống viêm khi đặt ống thông dạ dày, giữ gìn vệ sinh răng miệng cho BN.
- Nhắc BN phải nhổ hết nước bọt ra ca nhổ trong thời gian ăn bằng ống thông (nếu ăn qua sonde ăn).
- Vỗ lưng cho BN (để tránh ứ đọng) mỗi sáng.
- Cho BN sinh hoạt sớm tại giường, ngồi dậy, tập đi quanh đầu giường sau mổ 2 đến 3 ngày

♦️ Hút đờm: sau khi được hướng dẫn của nhân viên y tế

- Thời gian hút mỗi lần không quá 20 giây.
- Dùng ống hút mềm hút qua canuyn, BN có thể nằm hoặc ngồi. Số lần này tùy thuộc vào từng BN xuất tiết nhiều hay ít
- Nếu đờm đặc nhỏ α chymmotrypsin trước 5 – 10’.
- Khi BN ho có thể làm đờm bắn ra phải lau sạch ngay.
- Hàng ngày phải tháo nòng canuyn ra để rửa từ 1 – 2 lần, sau đó lại lắp vào.
- Chú ý không tự ý rút canule, nếu tuột hoặc tắc canule cần báo bác sĩ ngay.

♦️ Dinh dưỡng cho BN

Nếu BN ăn qua sonde ăn thì cho ăn các chất dinh dưỡng như: sữa ensure hoặc dung dịch xúp được lọc kĩ từ 6 – 8 bữa/ 1 ngày, mỗi bữa từ 300 – 500ml (nếu BN tỉnh táo đi lại được), nếu BN nằm tại chỗ mỗi lần bơm cho ăn không nên quá 300ml vì đề phòng trào ngược.
Chú ý: Không được để tắc tuột ống sonde, nhất là trong 1 tuần đầu. Chỉ bơm ăn khi người bệnh ngồi dậy. Không tự ý rút sonde, không ăn đường miệng khi ăn sonde. Đảm bảo dinh dưỡng.

♦️ Luôn luôn động viên tinh thần, nâng cao nghị lực cho BN yên tâm điều trị.

5️⃣. Khi xuất viện BN cần lưu ý: 


Nâng cao thể trạng, uống thuốc theo đơn và tái khám định kỳ theo hẹn. Nếu có chỉ định tia xạ sau mổ cần tuân thủ điều trị để nhanh khỏi bệnh. Nếu khó thở, ho máu, nổi hạch … khám lại ngay.

Nguồn: Tai Mũi Họng TYC - Bệnh Viện 108

LÝ DO CẦN PHẢI KHÁM NỘI SOI TAI MŨI HỌNG ???

tháng 10 31, 2019
Hiện nay tỷ lệ người mắc các bệnh về tai, mũi họng, ngày càng cao. Nguyên nhân là do môi trường sống bị ô nhiễm, chế độ ăn uống sinh hoạt không đúng khoa học,..... Chính vì thế, phương pháp nội soi tai mũi họng ra đời như một liệu pháp giúp các bác sĩ chẩn đoán bệnh chính xác hơn đồng thời phát hiện sớm các mầm mống gây ung thư.

1. Nội soi là gì và khi nào cần làm nội soi tai mũi họng?

Nội soi là gì?

Nội soi là một kỹ thuật tiên tiến, sử dụng các công cụ chuyên biệt để quan sát các bộ phận bên trong cơ thể. Với phương pháp này, các bác sĩ có thể quan sát trực tiếp các tổn thương bên trong cơ thể, lấy dị vật, hoặc phức tạp nhất là phẫu thuật nội soi.
Phương pháp nội soi hiện được sử dụng trong hầu hết các chuyên khoa thăm khám như: nội soi tai mũi họng, nội soi dạ dày, nội soi đại tràng…

Khi nào cần làm nội soi tai mũi họng?

Nội soi tai mũi họng là việc cần thiết nếu như bạn có những dấu hiệu bất thường, khó chịu về các cơ quan của tai mũi họng. Bệnh về tai mũi họng ảnh hưởng không nhỏ đến tâm lý, sức khỏe và sinh hoạt hàng ngày của người bệnh. Gồm có nội soi tai mũi họng ống cứng và nội soi tai mũi họng ống mềm.

Dưới đây là một số dấu hiệu cho thấy bạn cần khám nội soi tai mũi họng:

– Người có triệu chứng ù tai, nghe kém, chảy mủ tai,…
– Người bị khàn tiếng đột ngột, hay nói bị hụt hơi.
– Người có các triệu chứng nghi ngờ bị viêm xoang như: chảy nước mũi, nghẹt mũi, hắt hơi liên tục kèm cảm giác đau rát trong xoang mũi, đau đầu,…
– Người bị VA: nghẹt mũi cả hai bên, khi nằm phải thở bằng miệng, chảy nước mũi màu xanh, hay khịt mũi,…

2. Nội soi tai mũi họng có phát hiện ung thư không?

Nội soi – phương pháp nhanh nhất giúp tầm soát ung thư

Từ năm 2000, phương pháp nội soi đã được đưa vào sử dụng phổ biến ở nước ta. Giúp chẩn đoán các bệnh về tai mũi họng mà không cần dùng đến các thủ thuật đơn sơ như đè lưỡi, soi đèn pin. Các phương pháp này chỉ giúp các bác sĩ nhìn thấy phần nông của bệnh, không thể nào chẩn đoán chính xác tình trạng bệnh.
Sử dụng phương pháp nội soi giúp phát hiện ra một số bệnh về tai mũi họng mà các dụng cụ thông thường không phát hiện được như: viêm thanh quản, polyp thanh quản, liệt dây thanh âm,… Đặc biệt, chỉ có phương pháp nội soi mới phát hiện được các khối u thanh quản (bướu máu thanh quản, ung thư thanh quản, ung thư vòm họng, hạt và polyp dây thanh quản,…). Giúp bác sĩ chẩn đoán bệnh chính xác, tầm soát ung thư nhanh chóng và có phác đồ điều trị sớm, thích hợp.
Ngoài ra, thủ thuật nội soi còn giúp phát hiện các bệnh về viêm tai giữa, các trường hợp rối loạn vận động vòi nhĩ.

Các bước nội soi tai mũi họng

Phương pháp nội soi tai mũi họng tuy đơn giản nhưng cũng phải chuẩn bị thật kỹ trước khi tiến hành làm thủ thuật này.
  • Đầu tiên, các bác sĩ sẽ khám bằng các dụng cụ thô sơ để đánh giá qua tình trạng của bệnh nhân.
  • Sau đó, bác sĩ sẽ đặt một mẩu bông ngắn có tẩm thuốc tê và thuốc co mạch.
  • Sau khoảng 5 – 10 phút, miếng bông được lấy ra và thực hiện quá trình nội soi.
  • Bác sĩ sẽ tiến hành đưa máy nội soi theo thứ tự kiểm tra mũi trước, sau đó đến vòm họng, hạ họng, thanh quản, sau cùng mới kiểm tra tai.
Kết quả khám sẽ được in ra và trả về cho bệnh nhân sau 5 phút.

3. Một số tai biến có thể xảy ra trong quá trình nội soi

Mặc dù có những ưu điểm vượt trội hơn so với phương pháp truyền thống nhiều lần. Tuy nhiên, nội soi TMH cũng có thể gây ra một số tai biến nhất định nếu không tuân thủ đúng theo chỉ dẫn của bác sĩ. Sự cố ngoài ý muốn thường xảy ra khi người khám không hợp tác trong quá trình khám; trẻ em do tâm lý sợ hãi nên quẫy đạp, la hét, xoay chuyển cơ thể khi ống optic đang được đưa vào cơ thể; gây khó khăn trong quá trình khám.
Những biến chứng nhẹ có thể kể đến như: xây xước, chảy máu do cọ sát với ống optic, nặng hơn có trường hợp còn bị thủng màng nhĩ. Người nhà cần hết sức bình tĩnh để phối hợp với các bác sĩ để khắc phục hậu quả, cấp cứu kịp thời.
Để tránh tình trạng biến chứng có thể xảy ra trong quá trình nội soi cần phải tuân thủ hướng dẫn của bác sĩ.
Còn đối với trẻ em, do các bé chưa nhận thức được nên phụ huynh cần bế trẻ và làm theo các hình ảnh hướng dẫn:
– Mẹ bế bé ngồi trên ghế, cho bé dựa lưng vào người mình, tạo cho bé cảm giác an toàn.
– Tay phải đặt lên trán nhằm giữ đầu trẻ.
– Tay trái ôm ngang bụng để giữ chặt tay trẻ.
– Kẹp khóa hai chân trẻ bằng chân mẹ.

Trẻ sơ sinh

Đối với trẻ sơ sinh, chỉ định nội soi sẽ hạn chế. Tuy nhiên nếu thực sự cần thiết, các bác sĩ sẽ có chỉ định nội soi với sự hướng dẫn cụ thể của các nhân viên y tế; bình tĩnh giải quyết khi có sự cố xảy ra.

Trẻ đã lớn

Trẻ đã lớn khi chuẩn bị nội soi cần được hướng dẫn và tuân thủ đúng theo chỉ dẫn của nhân viên y tế. Do thời gian nội soi không quá lâu nên bệnh nhân cần giữ trạng thái ngồi yên, không được cử động đầu hay xoay người đột ngột trong quá trình nội soi.

VIÊM TAI GIỮA MẠN

tháng 10 28, 2019

VIÊM TAI GIỮA MẠN LÀ GÌ?

👂🏻 Viêm tai giữa (VTG) mạn là tình trạng nhiễm trùng ở tai giữa kéo dài trên ba tháng với nhiều dạng như: VTG lõm nhĩ, VTG xơ nhĩ, VTG thanh dịch, VTG mạn mủ… thường gặp nhất là VTG mạn thủng nhĩ.
Đây là bệnh lý có thể gặp ở mọi lứa tuổi, rất phổ biến tại Việt Nam. Người bệnh bị một hoặc cả hai tai và có thể kéo dài qua nhiều năm với các triệu chứng như: ù tai, chảy mủ tai dai dẳng, giảm thính lực... Nếu bệnh kéo dài sẽ gây di chứng hoặc biến chứng ở não, có thể dẫn đến tử vong.



NGUYÊN NHÂN GÂY RA VIÊM TAI GIỮA MẠN

💥 Có nhiều nguyên nhân gây ra VTG mạn như:

🔴 Viêm tai giữa cấp

Là nguyên nhân thường gặp nhất, xảy ra nhiều ở trẻ em. Sau nhiễm trùng hô hấp trên (cảm cúm, viêm mũi họng…), trẻ bị đau nhức trong tai, sốt, rối loạn tiêu hóa như tiêu chảy, nôn ói... Nếu được chẩn đoán và điều trị đúng, trẻ sẽ khỏi hoàn toàn. Nếu không điều trị hay điều trị sai, vi khuẩn sẽ theo ống thông tai - họng (vòi nhĩ) vào trong tai giữa, gây ứ mủ tai giữa. Viêm nhiễm sẽ phá thủng màng nhĩ, mủ chảy ra ống tai ngoài, có thể thấy khi nhìn vào tai trẻ.
Trong giai đoạn này, dù màng nhĩ đã thủng nhưng nếu điều trị tích cực, có nhiều khả năng màng nhĩ sẽ lành, nếu không được điều trị đúng hoặc lỗ thủng màng nhĩ quá lớn, không thể lành, bệnh sẽ chuyển sang VTG mạn thủng nhĩ.

🔴 Viêm tai giữa cấp hoại tử

Tương tự như VTG cấp nhưng do độc lực của vi khuẩn quá mạnh hoặc tình trạng miễn dịch của cơ thể bị suy yếu nên bệnh diễn tiến nhanh, màng nhĩ thủng rộng, không có khả năng tự lành và dẫn đến VTG mạn.

🔴 Chấn thương

Nguyên nhân chủ yếu thường do dụng cụ móc ráy tai, dụng cụ bị đẩy sâu vào bên trong, xuyên thủng, gây ra thủng nhĩ. Sau chấn thương, nếu lỗ thủng nhỏ, màng nhĩ có thể tự lành; nếu lỗ thủng lớn, màng nhĩ khó có khả năng tự lành, dẫn đến VTG mạn.

CÁC TRIỆU CHỨNG CỦA VIÊM TAI GIỮA MẠN


Khi bị VTG mạn, người bệnh có thể có những triệu chứng như:

🔹 Nghe kém

Nghe kém có đặc điểm ngày càng tăng. Tình trạng này sẽ nặng thêm khi kết hợp các yếu tố sau: lỗ thủng rộng, thời gian bệnh kéo dài, chảy mủ tai tái phát nhiều lần, hư hại chuỗi xương truyền âm thanh trong tai giữa…
Nghe kém là dấu hiệu kín đáo, nếu chỉ VTG mạn thủng nhĩ một bên thường sẽ khó phát hiện do người bệnh còn nghe tốt ở tai đối bên. Nghe kém chỉ được phát hiện tình cờ khi nghe điện thoại hay nhờ người thân phát hiện. Hoặc chỉ phát hiện khi đi khám bệnh, đo sức nghe bằng máy.

🔹 Chảy dịch tai

Là tình trạng dịch chảy ra ở ống tai. Dịch có đặc điểm sau:
+ Màu sắc: có thể trong, trắng đục, vàng, xanh, đôi khi có ít máu...
+ Sự liên tục: có thể chảy liên tục hay từng đợt.
+ Mùi: có thể không mùi hay có mùi hôi.
+ Số lượng: có thể nhiều hoặc ra ít.
+ Độ nhầy: loãng như nước hoặc nhầy, đôi khi keo đặc.

🌿 Cần phân biệt giữa ráy tai ướt và dấu hiệu chảy dịch của tai. Khi ngoáy tai bằng bông gòn, người có ráy tai ướt thường thấy có dịch ướt đầu bông, màu vàng vàng, có mùi hơi hôi, thỉnh thoảng chảy ra ngoài tai. Khi khám sẽ thấy màng nhĩ nguyên vẹn, sức nghe bình thường. Một số người bệnh bị VTG mạn thủng nhĩ được chăm sóc tốt hoặc sức đề kháng mạnh nên không chảy dịch trong nhiều năm, khiến người bệnh quên tình trạng bệnh của mình. Vì một lý do khác, tình cờ đi khám tai - mũi - họng và được phát hiện VTG mạn thủng nhĩ.

💦 Các triệu chứng khác

Ù tai, chóng mặt; có thể có một hoặc cả hai dấu hiệu này, do VTG mạn ảnh hưởng đến hệ thống thần kinh hay hệ thống giữ thăng bằng của tai. Ở giai đoạn này, tỷ lệ khỏi hẳn tương đối thấp dù điều trị tích cực, kể cả can thiệp phẫu thuật.
Khi có dấu hiệu như trên, người bệnh nên đến chuyên khoa Tai Mũi Họng. Bằng các phương tiện hỗ trợ như: đèn soi tai, máy nội soi, máy đo sức nghe... sẽ giúp chẩn đoán xác định VTG mạn thủng nhĩ. Ngoài ra, có thể sử dụng các kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh như CT-scan hay MRI xương thái dương khi nghi ngờ có những tổn thương nặng trong tai như gián đoạn chuỗi xương truyền âm thanh, hệ thống giữ thăng bằng, dây thần kinh..

BIẾN CHỨNG

💢 VTG chảy mủ mạn tính có cholesteatoma

Là loại VTG nhiễm khuẩn gây tổn thương hệ thống xương trong hòm nhĩ, phá hủy mê nhĩ, có thể gây liệt mặt và các biến chứng sọ não rất nặng như: viêm tắc xoang tĩnh mạch bên, nhiễm khuẩn huyết, viêm màng não, áp-xe tiểu não...

💢 Viêm tai xương chũm mạn tính hồi viêm

Là đợt cấp của viêm tai xương chũm mạn tính. Người bệnh có tiền sử viêm tai xương chũm đã điều trị nhiều lần, tai đã khô và đỡ ù nhưng đột ngột đau tai, ù tai tăng lên, nghe kém, có thể kèm theo chóng mặt, mủ tai chảy nhiều kèm theo sốt cao, ấn rất đau ở vùng xương chũm. Trong đợt hồi viêm rất dễ xảy ra các biến chứng như: liệt mặt, viêm mê nhĩ, biến chứng sọ não – áp xe ngoài màng cứng…

PHÒNG BỆNH

 Cần tích cực và tuân thủ điều trị các bệnh như: viêm mũi họng, viêm VA... - Khi bị VTG cấp, phải được điều trị và theo dõi chu đáo.
 Cần chẩn đoán sớm nhằm điều trị, theo dõi, phát hiện và xử trí kịp thời các biến chứng của VTG.
 Tuyên truyền phòng bệnh VTG trong cộng đồng.
 Thường xuyên giữ vệ sinh tai đúng cách, tránh bụi, nước bẩn vào tai và vệ sinh mũi họng.

⚠️ Tóm lại, VTG mạn thủng nhĩ là bệnh lý khá phổ biến hiện nay. Người bệnh nên đi khám đúng chuyên khoa Tai Mũi Họng để được điều trị, có thể cần phẫu thuật thích hợp giúp bảo tồn, cải thiện thính lực cũng như tránh các biến chứng nguy hiểm. Cần lưu ý một số thuốc nhỏ tai có thể gây điếc không hồi phục nếu dùng khi màng nhĩ thủng. Ngay cả thói quen sử dụng dung dịch oxy già làm sạch mủ tai cũng cần phải có ý kiến bác sĩ về liều lượng và cách dùng. Vì vậy, người bệnh không tự ý dùng thuốc khi không có chỉ định của bác sĩ chuyên khoa.

ThS BS. Lê Minh Tâm - Khoa Tai Mũi Họng Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM.

KHÓI THUỐC LÁ LÀM CON TRẺ BỆNH NHIỀU, BỆNH NẶNG, BỆNH LÂU KHỎ

tháng 10 28, 2019

🚭 KHÓI THUỐC LÁ LÀM CON TRẺ BỆNH NHIỀU, BỆNH NẶNG, BỆNH LÂU KHỎI

💬 Trong khảo sát nhanh 213 bạn trong nhóm Chăm con chuẩn Mỹ, có 50.7% (108 bạn) khẳng định trong nhà KHÔNG ai hút thuốc. Đây là một con số khá lạc quan, chứng tỏ nhiều gia đình trẻ đã có ý thức cao về tác hại của thuốc lá. Trên diện rộng, 67% trẻ em ở Việt Nam vẫn phải hít khói thuốc thụ động tại nhà hàng ngày.



⚠️ THUỐC LÁ CHẮC CHẮN CÓ HẠI CHO SỨC KHOẺ 

- điều này không còn bàn cãi nữa. Suốt những năm tháng qua, tác hại của khói thuốc lên sức khoẻ người hút và người hít xung quanh là hiển nhiên.

 TRONG KHÓI THUỐC CÓ GÌ?

Formol, benzen, polonium, vinyl chloride, thạch tín, chì, cadmium, amoni, butan, toluene...
 TỔNG CỘNG: 7000 chất hoá học.
Trong đó: GÂY ĐỘC: 250 chất!

TRỰC TIẾP GÂY UNG THƯ: 70 chất!

Nên những người còn hút thuốc lá và làm người khác xung quanh phải hít thụ động, thì có lẽ không có quyền phát biểu về ô nhiễm môi trường, ô nhiễm thức ăn hay bất cứ điều gì tiêu cực của xã hội cả. Vì chính họ đã là một nguồn ô nhiễm rồi!

⚠️ HÚT THỤ ĐỘNG (HÍT PHẢI) CÒN BỊ HẠI, BỊ UNG THƯ NHIỀU HƠN TỰ HÚT

 - cái này báo đài cũng đã nói quá nhiều, quá rõ rồi.

🗯 KHÓI THUỐC LÀM CON DỄ ỐM HƠN!

👶🏻 Trẻ em hít thở nhanh hơn người lớn, các phản xạ bảo vệ còn chưa hoàn thiện, đường thở non nớt và đặc biệt là còn chưa biết mắng chửi phàn nàn khi ngửi thấy khói thuốc, do đó chịu nhiều tác động cấp tính và lâu dài. Số liệu cụ thể là hàm lượng cotinine ở trẻ em (chỉ số đánh giá phơi nhiễm nicotin) cao gần gấp đôi người lớn!

🕵🏻‍♂️ Nguồn khói thuốc có thể đến từ nhiều người già - trẻ, lạ - quen nhưng tóm lại:
🧮 Một đứa trẻ sống trong môi trường CÓ KHÓI THUỐC LÁ sẽ TĂNG RÕ RÀNG NGUY CƠ mắc bệnh hô hấp. Cụ thể là:
* Gấp rưỡi nguy cơ viêm mũi xoang.
* Gấp đôi nguy cơ viêm tai giữa.
* Tăng nguy cơ viêm amydal.
* Khởi phát cơn hen suyễn.
* Gấp đôi nguy cơ nhiễm não mô cầu (loài vi khuẩn chỉ xâm nhập khi đường thở tổn thương).
* Gấp ba nguy cơ đột tử trẻ sơ sinh.
* Mắc lao phổi, ung thư phổi.

 KHÓI THUỐC LÀM BỆNH TÁI PHÁT!

* Tăng tỉ lệ phải chích rạch màng nhĩ, đặt ống thông khí (trong viêm tai giữa ứ mủ, ứ dịch nặng, tái diễn)
* Tăng số lần viêm amydal mủ trong năm, vì thế tăng tỉ lệ phải phẫu thuật cắt amydal.
* Tái diễn cơn hen cấp tính, ác tính.

🚑 KHÓI THUỐC LÀM BỆNH NẶNG HƠN!

* Với trẻ bị cúm, tiếp xúc với khói thuốc làm bệnh nặng hơn, tăng tỉ lệ nhập viện vì cúm có biến chứng.
* Tăng nặng viêm phổi ở trẻ dưới 2 tuổi, tăng tỉ lệ nhập viện.
* Ở trẻ viêm tiểu phế quản / phế quản do virus RSV, khói thuốc làm tăng nặng suy thở, thiếu oxy máu, phải nhập viện cấp cứu, thở oxy, thậm chí thở máy - diễn biến nhanh.

🏡 KHÓI THUỐC TRONG NHÀ

Khói thuốc lan toả trong nhà, căn hộ rất nhanh, dù cho người hút có đứng ngay cạnh cửa sổ mở, hay hút trong phòng riêng (nhưng rồi vẫn mở - đóng cửa để ra vào). Nghiên cứu ghi nhận 85% khói thuốc là vô hình và lưu cữu trong nhà tới 2,5 giờ. Khói thuốc sẽ bám lên giường chiếu, bàn ghế, đồ đạc, rèm cửa, cây cảnh...

 KHÓI THUỐC NGOÀI NGÕ

Có ra ngoài hút thuốc lá thì khói thuốc vẫn bám lên quần áo, đầu tóc, mũi miệng và bàn tay của người hút. Cái mùi thuốc lá, màu ố vàng trên răng là bằng chứng đó.

⚗️ À! THUỐC LÀO CÓ ĐỠ ĐỘC HƠN?

Không. Thuốc lào về cơ bản giống thuốc lá (ngoại trừ nhiều nicotin hơn). Sục qua nước điếu chỉ giữ lại được các chất hoà tan trong nước (trong khi đa số chất độc trong khói lại không tan hoặc không tan hết kịp). Vì thế: thuốc lào vẫn hại như thường.

🌳 À. THẾ CÒN CÁC LOẠI “KHÁC”?

Hễ là khói là cần tránh. Nên loại nào thì cũng phải tránh cho con.

✋🏻 PHÒNG, GIẢM TÁC HẠI THẾ NÀO?

🚭 Cấm hút thuốc lá nơi cộng cộng (cái này luật có ghi rõ, ai không làm theo thì là vô pháp vô thiên vô trách nhiệm).
🙄 Với gia đình có người hút thuốc lá:
* Lý tưởng nhất: cai thuốc, bỏ thuốc.
* Nếu không hoặc chưa làm được: phải đánh răng, tắm giặt, thay quần áo sau khi hút thuốc ngoài ngõ (sân vườn). Nhất định không hút trong nhà.
* Cùng với các nguyên tắc chung dưới đây:
😀 Với nhà không có người hút thuốc lá:
* Không đồng ý cho khách hút thuốc khi đến chơi, kể cả ngoài ngõ. Nhất là khi con ốm, ho khò khè. Dĩ nhiên, hãy khéo léo một tí để cả hai bên cùng vui và hiểu ra.
* Chủ động tránh, lên tiếng thay con nhỏ khi ở các môi trường công cộng.
* Vệ sinh mũi (nhỏ, hút) sau khi đi học, ngoài đường về. Đeo khẩu trang, súc họng với trẻ lớn.
* Đi khám bác sĩ sớm khi có các dấu hiệu bất thường.

⛔️ HÃY LÊN TIẾNG - GIÚP CON TRẺ!
😐 VÌ TỤI NHỎ CHƯA BIẾT PHÀN NÀN
👨🏻‍⚕️ Ai chưa cai được, thì cố gắng!
💪🏻 Ai chưa hút, thì đừng tập, nha. Có nhiều thức ngon khác để giải sầu mà!
👨🏻‍⚕️ BS. ĐỖ TIẾN SƠN
Chăm con chuẩn Mỹ

👨🏻‍⚕️ Nguồn tư liệu tham khảo:
1. Dr. Norman từ Clinic LT
2. Dr. Vanker và cộng sự; “The association between environmental tobacco smoke exposure and childhood respiratory disease: a review” (2017)
3. Tổ chức Ruy băng tím; “Có người nhà hút thuốc, bạn phải đối mặt với những nguy cơ bệnh tật sau” (2016)

MỐI QUAN HỆ GIỮA TRÀO NGƯỢC DẠ DÀY VÀ VIÊM LOÉT THỰC QUẢN

tháng 10 24, 2019
Trào ngược dạ dày thực quản và viêm loét dạ dày là hai bệnh lý đường tiêu hóa phổ biến. Cả hai đều có những triệu chứng tương tự nhau dễ gây nhầm lẫn: ợ hơi, ợ chua, đau vùng thượng vị… Song đây là hai bệnh lý khác nhau. Đồng thời lại có mối tương quan rất đặc biệt.

1. Mối quan hệ giữa trào ngược dạ dày thực quản và viêm loét dạ dày

Trào ngược dạ dày và viêm loét dạ dày tá tràng là hai bệnh lý tiêu hóa khác nhau. Tuy nhiên, nhiều trường hợp viêm loét dạ dày tá tràng sâu có thể dẫn tới bệnh lý trào ngược dạ dày. Đây chính là hiện tượng dịch dạ dày bị trào ngược lên thực quản, qua một bộ phận gọi là cơ thắt thực quản dưới. Khi cơ thắt thực quản hoạt động tốt, dịch dạ dày không có cơ hội trào ngược lên (vùng thực quản).
Đối với bệnh nhân mắc viêm loét dạ dày tá tràng, nồng độ acid trong dịch vị cao. Kèm theo khả năng tiêu hóa kém kéo dài, cơ thắt thực quản dưới hoạt động kém. Tạo điều kiện thuận lợi cho dịch vị trào ngược. Đó cũng là lý do vì sao bệnh nhân viêm dạ dày thường đi kèm bệnh lý trào ngược dạ dày thực quản.

Hình ảnh: Acid dạ dày tăng cao kích thích cơ vòng thực quản mở, dịch vị dạ dày trào ngược lên thực quản (Internet)
Đồng thời, trào ngược thực quản cũng làm tăng nguy cơ mắc viêm loét dạ dày. Vì hiện tượng trào ngược kích thích tăng tiết acid – yếu tố chính gây viêm loét dạ dày. 

2. Mức độ nguy hiểm của người mắc đồng thời 2 bệnh

Chính vì trào ngược thực quản và viêm loét dạ dày có mối liên quan chặt chẽ với nhau. Do vậy, việc mắc đồng thời cả hai khiến tình trạng bệnh xấu đi nhanh chóng hơn. Làm tăng nguy cơ mắc các bệnh nguy hiểm liên quan đến đường tiêu hóa như: ung thư thực quản, ung thư dạ dày,… 
Điều nguy hại ở chỗ, nhiều triệu chứng của ung thư dạ dày giống như những trục trặc nhỏ vô hại ở đường tiêu hóa. Nhiều trường hợp còn không có triệu chứng nên người bệnh không tránh khỏi chủ quan. 
Sau ung thư dạ dày, ung thư gan và ung thư đại trực tràng, ung thư thực quản đứng hàng thứ 4 về tỷ lệ ung thư đường tiêu hóa ở Việt Nam. Đây cũng là bệnh nguy hiểm nhưng không có triệu chứng rõ ràng ở giai đoạn đầu. Và trào ngược thức ăn là một trong những yếu tố chính làm tăng nguy cơ ung thư thực quản. Nhất là khi tình trạng này diễn ra liên tục trong thời gian dài. 

3. Cần làm gì khi một người vừa bị viêm dạ dày vừa bị trào ngược?

Người bệnh cần thay đổi lối sống tích cực, xây dựng thói quen ăn uống tốt cho dạ dày:
  • Lựa chọn thực phẩm có tính kiềm, có khả năng trung hòa acid trong dạ dày như: bánh mì, bột yến mạch, đạm dễ tiêu (thịt lợn thăn, lưỡi lợn, thịt ngan,…)
  • Hạn chế thực phẩm kích thích tiết acid hay kích thích cơ thắt dưới thực quản: chanh, cam, dứa, nước có ga, thức ăn cay, nóng, chocolate…
  • Kiêng rượu bia, cà phê, thuốc lá…
  • Không mặc quần áo quá chật. Không cúi quá lâu. Ngủ nằm đầu cao 15cm so với chân.
  • Không ăn quá no, nhất là vào buổi tối. Không uống quá nhiều nước trong khi ăn. 
  • Giảm cân nếu thừa cân, béo phì.
  • Có thể dùng thêm nghệ và mật ong; sữa chua hàng ngày để cải thiện hệ tiêu hóa. 
Với một người vừa bị viêm dạ dày vừa bị trào ngược, thì việc kiểm tra sức khỏe định kỳ, tầm soát ung thư là rất quan trọng. Khi điều chỉnh bằng chế độ sinh hoạt và dinh dưỡng mà các triệu chứng không được cải thiện. Cần thông báo đến bác sĩ để được cân nhắc điều trị bằng các phương pháp nội, ngoại khoa. Tức là sử dụng thuốc hoặc phẫu thuật để kiểm soát bệnh tốt và kịp thời. 

Theo Nội khoa Việt Nam

CHĂM SÓC VỊ TRÍ TIÊM SAU TIÊM CHỦNG - Nguồn Chăm con chuẩn Mỹ

tháng 10 24, 2019
💉 Sau tiêm phòng, trẻ có thể có sốt nhẹ, đau và sưng tại vị trí tiêm. Vì đau nên con có thể quấy khóc, ăn kém. Đó là phản ứng khi cơ thể tiếp nhận một tác nhân lạ (vaccine). Bài viết này sẽ đưa ra hướng dẫn riêng về giảm đau tại chỗ tiêm cho con trẻ sau tiêm phòng. Các hướng dẫn theo dõi chung sau tiêm chủng đã quen thuộc với bố mẹ sau mỗi lần đưa con đi tiêm, chúng tôi không nhắc lại nữa.

☄️ LÀ PHẢN ỨNG THƯỜNG GẶP

- Có nhiều loại vaccine có thể có gây sưng đau tại vị trí tiêm: BCG, viêm gan B, 6 trong 1, 5 trong 1, 4 trong 1, phế cầu, cúm, MMR, thuỷ đậu, viêm não Nhật Bản, viêm não mô cầu các loại, uốn ván...
- Phản ứng sưng, đau tuỳ thuộc loại vaccin cùng cơ địa của trẻ, thường kéo dài từ vài giờ đến 2, 3 ngày sau tiêm. Phản ứng này luôn được bác sĩ khám tư vấn tiêm chủng hướng dẫn trước và sau tiêm.

🍬 CÁCH GIẢM ĐAU TRƯỚC TIÊM

- Lựa chọn các mũi tiêm đa giá (nhiều yếu tố trong 1 mũi) để giảm lần tiêm.
- Xin tư vấn từ chuyên viên tư vấn tiêm chủng. Vì có một số loại sau tiêm thường mệt và đau hơn loại khác. Nên có thể tránh gộp những mũi “nặng” cùng một lần.
- Bí kíp ngọt ngào: có thể cho con uống một chút nước đường ngọt (5mL - 10mL cho trẻ nhũ nhi) trước tiêm vài phút. Nước đường ngọt (đường mía ấy) giúp con dễ chịu và có tác dụng giảm đau. Các trung tâm sơ sinh hiện đại có dùng phương pháp này trước khi có can thiệp gì đó làm bé khó chịu.

💉 NGAY SAU KHI TIÊM XONG

- Cô y tá sẽ băng vết tiêm lại với bông gòn và băng cá nhân.
- Mẹ sẽ giúp cô giữ, ấn nhẹ bông gòn trong khoảng 1-2 phút, lúc này thì đừng gãi gãi gì cả, vì ngay sau tiêm mà gãi gãi thì vaccin có thể bị rỉ ngược lại gây đau và kích ứng tại chỗ. Hoặc nếu muốn gãi gãi thì một tay vẫn ấn giữ và gãi gãi xoa xoa xung quanh.
- Phân tán tư tưởng: ngay sau khi tiêm, để đánh lạc hướng, mẹ nên đổi tay tư thế bế con luôn so với lúc tiêm, tối ưu nhất là tư thế bế đứng, đung đưa và rong trong khu vực theo dõi sau tiêm, chỉ trỏ tranh ảnh.
- Tiếp tục theo dõi tại khu vực tiêm theo quy định (ít nhất 30 phút - 1 giờ).
- Tiếp tục theo dõi 24 - 48 giờ sau tiêm. Bác sĩ Chăm con chuẩn Mỹ vẫn tư vấn bố mẹ tự mình theo dõi con (ngày và đêm).

🕰 TIẾP TỤC THEO DÕI SAU TIÊM

- Cho con bú mẹ tích cực: ti mẹ là liệu pháp giảm đau cực kì tốt cho trẻ nhũ nhi. Chỉ có một chú ý nhỏ: NÊN cho con bú sau 20-30 phút nếu vừa dùng vaccine uống (vì dễ nôn, mất thuốc).
- Hạn chế vận động, đụng chạm chân (hoặc tay - với tiêm BCG lao) mà vừa tiêm xong. Con có thể ít cử động chân bị tiêm một chút vì đau nhức, nhưng nếu sau 2 ngày mà vẫn thế hoặc yếu liệt hẳn luôn, thì phải đi khám.
- Cách chườm lạnh đúng: chườm lạnh có thể giúp con giảm đau, nhưng KHÔNG được lấy viên đá di di trên vùng tiêm, do quá lạnh cũng làm đau buốt hơn. Hãy lấy đá, chà lên lòng bàn tay của mẹ (tay sạch) sau đó lấy tay massage nhẹ vùng tiêm. Lạnh như thế thì vừa đủ giảm đau mà không gây buốt. Lúc này thì vẫn cần dán một miếng urgo hoặc miếng dán y tế trong suốt (Opsite) dán che vết tiêm. Khi đã làm quen với cảm giác lạnh rồi, lúc này thì có thể dùng khăn sạch gói đá lạnh chườm nhẹ được.
- Bí kíp mát lạnh: Dán một miếng urgo nhỏ che vết tiêm, rồi dán miếng dán gel hạ sốt lên trên cho mát; hoặc cẩn thận hơn nữa thì cắt khuyết miếng gel hạ sốt chừa vết tiêm ra và dán lên. Con sẽ dễ chịu hơn. Cảm ơn BS. Lê đã chia sẻ kinh nghiệm ♥️.
- Dùng thuốc giảm đau (Paracetamol) đúng như hướng dẫn của bác sĩ để giảm đau và con dễ chịu hơn.
- Mặc đồ thoáng mát ít đụng chạm vào vết tiêm, chú ý không sờ, đụng chạm, nắn thử vùng tiêm khi bế.

⚠️ KHÔNG ĐƯỢC LÀM:

- Không được xoa dầu, chườm nóng.
- Không đắp chanh, khoai tây.
- Không đắp bất kì loại lá, bột nào.
Do nguy cơ nhiễm trùng với đường vào của vi khuẩn là chính vết tiêm. Có thể gây nhiễm trùng máu, nhiễm khuẩn do tụ cầu, liên cầu.
- Không tự ý uống thêm siro ho, cảm khác do có thể có aspirin hoặc paracetamol làm sai liều, quá liều cho trẻ.
- Cân nhắc kĩ khi cho trẻ uống các nước thảo mộc được cho là giảm đau giảm sốt sau tiêm (tốt nhất là không nên dùng).

🚑 ĐI KHÁM NẾU:

- Có các triệu chứng bất thường sau tiêm (sốt cao khó hạ, nôn trớ, thở nhanh, thở ngắt quãng, khò khè liên tục, rút lõm lồng ngực, da mẩn đỏ, li bì, co giật...) như hướng dẫn cụ thể của phòng tiêm chủng.
- Trẻ quấy khóc trên 1 giờ không rõ nguyên nhân hoặc mẹ cảm thấy có vấn đề không ổn.

🤒 Riêng về vấn đề vị trí tiêm, đi khám nếu:
- Vết tiêm vẫn sưng, đỏ, đau sau 3 ngày.
- Nghi ngờ mưng mủ, áp-xe, chảy mủ, viêm tấy nặng tại vết tiêm.
- Giảm vận động chân (tay) vừa tiêm chủng kéo dài quá 48 giờ.
- Mất vận động hoàn toàn hoặc mất cảm giác (khi kích thích đau) với chân (tay) vừa tiêm.
👨🏻‍⚕️ Nguồn BS. Đỗ Tiến Sơn - Chăm con chuẩn Mỹ

THEO DÕI PHÁT TRIỂN CỦA TRẺ CÙNG A365.VN

tháng 10 20, 2019
Hôm nay, bác sĩ tình cờ được giới thiệu về công cụ theo dõi và sàng lọc phát triển tinh thần vận động miễn phí của A365 - Chăm sóc thông minh cho trẻ của Trung tâm Sáng kiến Sức khoẻ và Dân số (CCHIP).


Xin trích lại lời giới thiệu của dự án:
 Lần đầu trẻ mỉm cười khi thấy khuôn mặt mẹ, lần đầu trẻ chập chững những bước chân đầu tiên, lần đầu trẻ biết nói “bai” khi chào, đó là những dấu mốc quan trọng trong sự phát triển của trẻ. Khi đa số trẻ đạt được những kỹ năng đặc thù ở một lứa tuổi nhất định, các kỹ năng đó được gọi là mốc phát triển của trẻ.
 Theo dõi phát triển là quan sát và đối chiếu sự phát triển của trẻ theo thời gian và theo các mốc phát triển thông thường của trẻ em. Việc theo dõi phát triển không chỉ đem lại nguồn vui khi cha mẹ reo mừng những “thành tựu” đầu đời trẻ đạt được – bước đi đầu tiên, tiếng “ba” đầu tiên – mà quan trọng hơn, theo dõi phát triển để nhận biết những khác thường trong quá trình trẻ lớn lên.
 Nếu thông qua quan sát, bạn phát hiện trẻ có những khác thường trong quá trình phát triển, bạn cần thực hiện những đánh giá chi tiết hơn để nhận diện liệu những khác biệt của trẻ có phải là dấu hiệu của một hội chứng rối loạn phát triển đặc thù nào đó. Đó chính là sàng lọc phát triển cho trẻ.
 Hiệp hội Nhi khoa Hoa Kỳ khuyến cáo phụ huynh nên thực hiện việc sàng lọc phát triển cho trẻ vào các mốc: 9 tháng tuổi, 18 tháng tuổi, 24 hoặc 30 tháng tuổi.”

💠 BÀI KIỂM TRA MIỄN PHÍ VÀ UY TÍN:

- Bộ ASQ-3 là bộ test tiêu chuẩn áp dụng đánh giá phát triển cho trẻ từ 1-66 tháng.
- Bảng MCHAT-R và MCHAT R/F sử dụng để sàng lọc nguy cơ rối loạn phổ tự kỉ cho trẻ.

💠 CÓ 3 ĐỐI TƯỢNG ĐỂ CHỌN

- Phụ huynh
- Nhân viên y tế
- Giáo viên mầm non

💠 ĐỂ LÀM BÀI TEST:

BẠN TRUY CẬP: https://a365.vn sau đó đăng kí thành viên (để lưu hồ sơ) và chọn bài kiểm tra. Hoặc: https://a365.vn/guest/chon-test (làm ẩn danh). Chúng ta nên đăng kí tài khoản để tiện theo dõi. Sau đó làm theo hướng dẫn của website.
💠 A365 sẽ đưa ra các lời khuyên can thiệp nếu phát hiện bất thường.
🇻🇳 Thật tuyệt vời vì các phụ huynh nay đã có một công cụ chuyên môn khách quan, quy chuẩn và hoàn toàn bằng tiếng Việt! BBT Chăm con chuẩn Mỹ xin trân trọng giới thiệu thông tin hữu ích này tới các bạn!
🇻🇳 Đừng quên bộ sách về trẻ có rối loạn phổ tự kỉ mà bác sĩ của Chăm con chuẩn Mỹ có tham gia biên dịch một cuốn trong đó: tiny.cc/sachtuki-bsson (mua ở Tiki).
👨🏻‍⚕️ Dr. Mon
Bài viết này không phải quảng cáo,
Tốt cho các con thì miễn phí cũng chẳng sao

Nguồn: FB Chăm con chuẩn Mỹ