SỐT XUẤT HUYẾT - NHỮNG ĐIỀU BẠN CẦN BIẾT
Sốt xuất huyết (SXH) hay sốt Dengue là bệnh truyền nhiễm, gây ra bởi một trong bốn nhóm vi rút Dengue. Vật chủ trung gian truyền bệnh là muỗi. Triệu chứng của bệnh sốt xuất huyết chủ yếu là sốt cấp diễn và xuất huyết với nhiều hình thái khác nhau. Ở những trường hợp nặng có thể gây sốc và tử vong. Sốt xuất huyết có thể do nhiều nguyên nhân gây ra. Trong phạm vi bài viết này chúng tôi sẽ tổng hợp tất cả các kiến thức cần biết về bệnh sốt xuất huyết Dengue.
1. Tình hình mắc sốt xuất huyết tại Việt Nam
Theo WHO tình hình nhiễm sốt xuất huyết ở Việt Nam không ổn định. Thời kỳ cao điểm của dịch SXH là từ tháng 6 đến tháng 10 hàng năm.
Tỷ lệ mắc sốt xuất huyết / 100.000 dân tăng liên tục. Từ 24.434 ca năm 2000 tăng lên 105.370 ca năm 2009 và 769.680 ca năm 2011.
Dịch sốt xuất huyết thường xảy ra theo chu kỳ. Theo quan sát của các chuyên gia thì cứ 3 đến 5 năm lại có một đợt sốt xuất huyết bùng phát mạnh.
Nguyên nhân gây SXH Dengue là do virus Dengue gây ra và muỗi là vật chủ trung gian truyền bệnh.
2. Sốt xuất huyết biểu hiện như thế nào?
Bệnh sốt xuất huyết Dengue có biểu hiện lâm sàng đa dạng. Thường khởi phát đột ngột và diễn biến qua 3 giai đoạn chính bao gồm sốt xuất huyết giai đoạn sốt, giai đoạn nguy hiểm và giai đoạn hổi phục.
Giai đoạn sốt – giai đoạn khởi phát
Dấu hiệu nhận biết sốt xuất huyết giai đoạn đầu chủ yếu đặc trưng bởi sốt.
Người bệnh thường sốt cao đột ngột, liên tục, có khi sốt cao tới trên 40°C. Kèm theo đó người bệnh có thể có triệu chứng buồn nôn, đau cơ, đau khớp, nhức hốc mắt. Ở trẻ em thường có biểu hiện bứt rứt, quấy khóc, bỏ ăn. Trẻ lớn hơn có thể có đau đầu giống như người lớn.
Ở giai đoạn này nhiều người bệnh đã có biểu hiện ban đầu của xuất huyết như chảy máu chân răng hoặc các ban xuất huyết li ti.
Giai đoạn nguy hiểm hay còn gọi là giai đoạn toàn phát
Thường xuất hiện từ ngày thứ 3 đến thứ 7 sau sốt. Có thể kéo dài trong 24-48h. Người bệnh có thể còn sốt hoặc giảm sốt. Giai đoạn này đặc trưng bởi các triệu chứng của xuất huyết và thoát huyết tương.
– Biểu hiện của xuất huyết lúc này rầm rộ hơn nhiều so với giai đoạn đầu.
- + Tình trạng xuất huyết dưới da với các ban xuất huyết đa dạng về hình thái và màu sắc. Có thể dạng chấm nốt, cũng có khi dạng mảng.Thường thấy ở các vùng da lưng, bụng, mặt trước cẳng chân, mặt trong cẳng tay… Khi căng da ban xuất huyết không mất đi.
- + Tình trạng xuất huyết niêm mạc có thể gặp ở nhiều người bệnh. Chảy máu mũi, chảy máu lợi, tiểu máu, rong kinh. Nặng hơn có thể là xuất huyết tiêu hóa, xuất huyết não…
– Các biểu hiện của thoát huyết tương thường có thể tiến triển nặng.
- +Tràn dịch màng phổi, màng bụng, phù nề mi mắt, gan to và có thể đau.
– Bệnh có thể tiến triển nặng lên người ta gọi chung là sốt xuất huyết dấu hiệu cảnh báo
- + Người bệnh vật vã,bứt rứt hoặc li bì.
- + Lạnh các đầu chi, da lạnh ẩm, mạch nhanh nhỏ, huyết áp tụt.
- + Đau bụng vùng gan, nôn nhiều
- + Xuất huyết niêm mạc
- +Tiểu ít
Giai đoạn hồi phục
Xảy ra 1-2 ngày sau giai đoạn nguy hiểm và kéo dài 2-3 ngày sau đó. Người bệnh hết sốt, thể trạng tốt dần lên, thèm ăn, huyết động ổn định.
Với những trường hợp có sốc trước đó, khi hồi phục người bệnh sẽ thấy dễ thở hơn, giảm đau vùng gan và tỉnh táo hơn.
3. Sốt xuất huyết biến chứng nguy hiểm như thế nào?
Sốt xuất huyết là bệnh lý truyền nhiễm vẫn xảy ra hàng năm và khá quen thuộc với mọi người. Tuy nhiên không thể vì thế mà chủ quan. Sốt xuất huyết có thể dẫn đến những biến chứng nguy hiểm.
– Sốc: do hiện tượng tăng tính thấm thành mạch dẫn đến tràn dịch đa màng. Sốc có thể dẫn đến tụt huyết áp, suy tuần hoàn và tử vong.
– Xuất huyết: Xuất huyết tiêu hóa, xuất huyết não là 2 trong số các biến chứng nguy hiểm của sốt xuất huyết. Ngay cả khi nếu thoát chết người bệnh cũng vẫn phải sống chung với di chứng nhất là trường hợp xuất huyết não.
– Suy đa tạng: Các ca sốt xuất huyết biến chứng suy tạng điển hình là suy gan, suy thận, viêm cơ tim, suy tim.
Để tránh được những biến chứng của SXH Dengue và kịp thời xử lý thì việc theo dõi người bệnh SXH là vô cùng quan trọng. Người bệnh cần được theo dõi liên tục cho đến khi toàn trạng hồi phục và mạch huyết áp ổn định.
4. Điều trị sốt xuất huyết
Hiện tại chưa có thuốc điều trị đặc hiệu cho bệnh sốt xuất huyết Dengue. Các phương pháp điều trị tập trung vào giải quyết triệu chứng, điều trị biến chứng…
Phần lớn các trường hợp sốt xuất huyết điều trị tại nhà. Người thân cần lưu ý các dấu hiệu cảnh báo để kịp thời đưa người bệnh tới viện.
Để điều trị triệu chứng sốt xuất huyết chủ yếu tập trung vào việc bù dịch, hạ sốt. Bù dịch đường uống được thực hiện với những trường hợp sốt xuất huyết điều trị tại nhà dưới sự hướng dẫn của nhân viên y tế. Tất cả các trường hợp bù dịch đường truyền đều nên thực hiện tại các cơ sở y tế để kịp thời dự phòng sốc.
Các trường hợp sốt xuất huyết nặng, sốt xuất huyết ở phụ nữ mang thai, người mắc kèm bệnh lý mạn tính tim mạch… SXH ở trẻ em, hoặc người ở xa viện nên được điều trị và theo dõi tại viện.
Bên cạnh các phương pháp điều trị bằng y học hiện đại thì điều trị sốt xuất huyết bằng y học cổ truyền tỏ ra có hiệu quả trong các trường hợp SXH nhẹ, giai đoạn sốt.
5. Dự phòng sốt xuất huyết
Hiện chưa có vacxin để phòng ngừa sốt xuất huyết do virut Dengue. Cách tốt nhất để phòng bệnh là TRÁNH MUỖI ĐỐT kể cả ban ngày,đặc biệt khi đang ở vùng có dịch lưu hành. Hãy:
- Mắc màn khi đi ngủ
- Sử dụng thuốc diệt muỗi phun cả trong và ngoài nhà
- Dùng kem chống muỗi bôi ngoài da
- Mặc quần áo dài khi ra ngoài
- Thường xuyên vệ sinh cảnh quan,môi trường sống,tránh để nước đọng
Theo BS Lưu Hoàng Anh
Giảng viên Bộ môn Gây mê hồi sức – ĐH Y Hải Phòng.
Bác sỹ khoa Gây mê hồi sức BV đa khoa Quốc tế Hải Phòng.
XỬ TRÍ HẠ SỐT Ở TRẺ EM - DÀNH CHO PHỤ HUYNH
KHI TRẺ SỐT
Hiểu đúng về sốt ở trẻ em
🧸 Sốt có lo không? Lo chứ, cả nhà lo, bác sĩ cũng lo. Mỗi tội là tuỳ cách đánh giá và hiểu biết mà nỗi lo ấy ...khác nhau.
🌡 Thân nhiệt bình thường của trẻ thay đổi tuỳ vào tuổi, hoạt động và thời điểm trong ngày. Trẻ nhỏ có xu hướng có thân nhiệt nhỉnh hơn trẻ lớn. Và thân nhiệt của tất cả chúng ta đều cao nhất khi chiều muộn, về đêm và thấp nhất vào khoảng nửa đêm về sáng. Khi nghi ngờ con sốt, hâm hấp nóng thì phải đo nhiệt độ. Sốt là khi thân nhiệt đo tại trực tràng trên 38 độ C.
🔥 Sốt - không phải là BỆNH
Mà chỉ là một DẤU HIỆU của bệnh.Thường thì sốt là biểu hiện của cơ thể đang chống lại tình trạng nhiễm trùng nào đó (dính một con nào đó). Chính sốt đã kích hoạt hệ thống phòng thủ an ninh của cơ thể trước tác nhân gây bệnh. Vì thế, về nguyên lý, sốt là có lợi. Tuy nhiên, dưới một số góc độ, sốt cũng có tác động tiêu cực. Sốt làm ta mệt nhiều, khó chịu, tim đập nhanh hơn, thở nhanh hơn, cần nhiều nước, năng lượng hơn.
👶🏻 SỐT Ở TRẺ DƯỚI 3 THÁNG TUỔI
Sốt ở nhóm trẻ này được chúng tôi xếp riêng, vì nguy cơ bệnh nặng cao.
🌡 Sốt ở trẻ sơ sinh và trẻ dưới 3 tháng được xác định khi: nhiệt độ đo tại trực tràng trên 38 độ C. Các vị trí khác không chính xác ở nhóm tuổi này.
Nguyên nhân thường gặp nhất ở nhóm này là nhiễm virus (hô hấp, tiêu hoá) hoặc vi khuẩn.
👉🏻 Ở nhóm tuổi này, đặc biệt là trẻ sơ sinh, đã SỐT = đi khám. Kể cả khi nhìn trẻ vẫn có vẻ bình thường, vì đôi khi sốt là biểu hiện duy nhất, bệnh biến nhanh và nguy hiểm ở nhóm trẻ này. Ở một vài trường hợp bệnh nặng, thay vì sốt, trẻ lại hạ nhiệt độ.
Với trẻ dưới 3 tháng, bố mẹ KHÔNG ĐƯỢC TỰ DÙNG THUỐC HẠ SỐT mà không có tư vấn của BÁC SĨ, kể cả với thuốc hạ sốt thông thường như Paracetamol. Ibuprofen KHÔNG dùng cho trẻ dưới 6 tháng. Bác sĩ sẽ chỉ định cách hạ sốt sau khi khám trực tiếp.
👱🏻♂️ VỚI TRẺ TRÊN 3 THÁNG TUỔI
Cần đi khám nếu:
- Sốt trên 38 độ C quá 3 ngày
- hoặc đi khám ngay nếu trẻ sốt kèm theo các dấu hiệu nặng (mệt mỏi, lừ đừ, uống kém, khó thở...)
- hoặc sốt trên 39 độ C
- Sốt trên 38 độ C quá 3 ngày
- hoặc đi khám ngay nếu trẻ sốt kèm theo các dấu hiệu nặng (mệt mỏi, lừ đừ, uống kém, khó thở...)
- hoặc sốt trên 39 độ C
(* đều là đo thân nhiệt tại trực tràng)
⚠️ VỚI MỌI LỨA TUỔI, ĐI KHÁM NGAY NẾU:
- Thân nhiệt đo tại trán, nách, trực tràng, tai, miệng trên 40 độ C- Thân nhiệt đo tại nách trên 39.4 độ C
- Co giật (vì nguyên nhân bất kì)
- Sốt kéo dài lai rai trên 7 ngày, dù mỗi ngày chỉ vài giờ bị sốt
- Sốt kèm bệnh nền (tim mạch, ung thư, bệnh máu, lupus, nội tiết)
- Sốt kèm ban, nốt mới
- Hạ sốt xong vẫn mệt, lừ đừ, lơ mơ.
- Sốt cao liên tục, khó hạ
⛄️ CHĂM SÓC TRẺ SỐT TẠI NHÀ
- Tập trung bù dịch cho con bằng đường uống, báo bác sĩ nếu con uống kém trong 3-4 giờ liền.- Không ăn kiêng, không kiêng tắm, điều hoà, máy lạnh.
- Cho trẻ nghỉ ngơi
- Dùng thuốc hạ sốt và thuốc điều trị (vd: kháng sinh) đúng liều, đủ lần, đủ thời gian theo đơn của bác sĩ
- Theo dõi các dấu hiệu nặng, các dấu hiệu mất nước, các dấu hiệu mà bác sĩ đã dặn dò theo dõi
- Tái khám ngay khi cần
🔥 “ĐIỀU TRỊ” SỐT
Như đã nói, sốt không phải bệnh, sốt là triệu chứng của bệnh. Do đó, ta chỉ theo dõi và hạ sốt khi cần thiết. Còn muốn “điều trị” sốt, ta cần nhờ bác sĩ định hướng và đánh vào căn nguyên (nếu là căn nguyên có thuốc chữa).
🕵🏻♂️ Các bác sĩ sẽ chú tâm vào việc tìm nguyên nhân vì sao sốt, tìm Ổ NHIỄM KHUẨN để tiêu diệt thay vì chỉ hóng hạ sốt. Việc điều trị tiếp theo, nhập viện hay dùng kháng sinh, dùng thuốc gì hỗ trợ sẽ do bác sĩ khám quyết định sau khi khám và xét nghiệm. Không tự đoán. Hãy giao việc hệ trọng đó cho chúng tôi.
🌡 KHI NÀO THÌ CHO UỐNG HẠ SỐT?
🧸 Tôi tin là các bạn đọc bài chỉ chờ mỗi đoạn này, nhưng vẫn phải nói đoạn trên để bạn hiểu sương sương rằng: Hạ sốt bằng thuốc hay bằng cách nào đi nữa cũng KHÔNG làm con nhanh khỏi bệnh, không làm virus vi khuẩn chết nhanh hơn.✅ HẠ SỐT CHỦ ĐỘNG có mục đích giúp trẻ dễ chịu hơn, giảm nguy cơ mất nước do uống kém và mất nước vô hình. Với một số các tình trạng bệnh nặng, đặc thù, chúng tôi còn tích cực cố gắng hạ thân nhiệt xuống để giảm nhu cầu chuyển hoá. Còn với đa số các trường hợp sốt ở cộng đồng, nguyên tắc sẽ là:
😋 KHÔNG PHẢI CỨ SỐT LÀ HẠ SỐT
✅ CHO THUỐC HẠ SỐT KHI:
- Sốt trên 39 - 40 độ C (bất kể vị trí hay nhiệt kế)
HOẶC
- Sốt kèm theo mệt mỏi (quấy khóc), lừ đừ, ăn bú uống kém, rét run... hoặc trẻ có bệnh nền trước đó (bệnh lý tim mạch, nội tiết, tiêu hoá, thần kinh, tiền sử co giật do sốt...). Lúc này thì dù 38 độ C thì cũng hạ sốt.
HOẶC
- Sốt kèm theo mệt mỏi (quấy khóc), lừ đừ, ăn bú uống kém, rét run... hoặc trẻ có bệnh nền trước đó (bệnh lý tim mạch, nội tiết, tiêu hoá, thần kinh, tiền sử co giật do sốt...). Lúc này thì dù 38 độ C thì cũng hạ sốt.
Ví dụ: nếu con vừa bú xong, đang ngủ ngoan, đo thấy 38,5 độ C thì đừng dựng con dậy bắt uống thuốc.
🥫 Sở dĩ có nguyên tắc trên để tránh lạm dụng thuốc hạ sốt gây ngộ độc, quá liều hoặc tổn hại cơ thể, hoặc che lấp bệnh tiềm tàng.
✅ Mỗi lần con sốt vừa vừa mà hoãn được thuốc hạ sốt là một lần giãn, giảm được lượng thuốc hạ sốt vào người con.
✳️ LIỀU LƯỢNG, CÁCH DÙNG THUỐC
phải tuân theo chỉ dẫn của bác sĩ với cân nặng chính xác của trẻ.
✳️ CÁC PHƯƠNG PHÁP KHÁC
* lau mát hạ sốt* tắm hạ sốt
(sẽ có bài riêng, cụ thể hơn)
Bổ sung theo yêu cầu:
⚠️ KHI SỐT CAO LIÊN TỤC, KHÓ HẠ
hoặc sốt lại, chưa uống tiếp được hạ sốt:- Lúc này trẻ cần đi khám xét nhập viện
- Thử lau mát, tắm nước ấm nếu trẻ hợp tác
- Xin ý kiến bác sĩ về kết hợp thuốc hạ sốt
😂 Sốt là một chủ đề mênh mông bát ngát của y học. Nói nhiêu đây cũng không đủ hết được. Sau bài này, chúng tôi mong bạn nhẩm lại và nhớ được mấy ý:
- Vì sao sốt? Sốt có lợi gì, hại gì?
- Tại sao đủ tiêu chuẩn mới được cho uống thuốc hạ sốt? Khi nào thì cho?
- Trẻ sơ sinh và dưới 3 tháng cứ sốt là phải đi khám ngay, không tự hạ sốt.
- Với mọi lứa tuổi, khi nào sốt cần đi khám ngay?
- Chăm sóc trẻ bị sốt tại nhà?
- Vì sao sốt? Sốt có lợi gì, hại gì?
- Tại sao đủ tiêu chuẩn mới được cho uống thuốc hạ sốt? Khi nào thì cho?
- Trẻ sơ sinh và dưới 3 tháng cứ sốt là phải đi khám ngay, không tự hạ sốt.
- Với mọi lứa tuổi, khi nào sốt cần đi khám ngay?
- Chăm sóc trẻ bị sốt tại nhà?
BS. Đỗ Tiến Sơn
Chăm con chuẩn Mỹ
Tham khảo Patient Education: Fever in Children, Uptodate.
Chăm con chuẩn Mỹ
Tham khảo Patient Education: Fever in Children, Uptodate.
THỰC TRẠNG SỬ DỤNG KHÁNG SINH BỪA BÃI VÀ HẬU QUẢ
Kháng thuốc kháng sinh đang được coi là một cuộc khủng hoảng toàn cầu, trong đó thế giới đang phải đối mặt với kỷ nguyên hậu kháng sinh – khi mà những bệnh rất bình thường cũng có thể gây tử vong cho con người. Đây là hệ quả tất yếu của việc sử dụng thuốc kháng sinh bừa bãi, kê đơn thuốc chưa thực sự hợp lý, do việc sử dụng thuốc kháng sinh trong chăn nuôi gia súc, gia cầm, thủy sản chưa được kiểm soát đầy đủ.
1. Lạm dụng kháng sinh trong chăn nuôi
1.1. Thực trạng lạm dụng kháng sinh trong chăn nuôi
Để kích thích vật nuôi tăng trưởng nhanh, giảm thấp tiêu hao thức ăn, vật nuôi có bề ngoài bắt mắt, tăng lợi nhuận, nhiều trang trại sử dụng lượng lớn thuốc kháng sinh trộn thẳng vào thức ăn mà không cần quan tâm tới sức khỏe người tiêu dùng. Salbutamol, Clenbuterol, Ractopamin có thể giúp vật nuôi mau lớn, chuyển hóa làm tiêu mỡ, tăng khối lượng cơ, làm màu thịt đỏ tươi hơn nhưng gây ra tác hại khó lường với sức khỏe con người.
Ngoài những chất tạo nạc trên, người nuôi còn sử dụng một số các loại kháng sinh tăng trọng có thể gây ung thư, đã bị cấm như Epstadiol, hay những kháng sinh có khả năng giảm mật độ tinh trùng, tăng hiện tượng đồng tính luyến ái, gây ung thư hoặc các bệnh nghiêm trọng khác trong gan, thần kinh, hệ tiêu hóa, tim và có khả năng gây đột biến như Dexametazon, Tetaciline.
Hiện nay, người nuôi thường sử dụng kháng sinh bổ sung vào thức ăn, nước uống để phòng ngừa bệnh thường gặp như đường ruột, hô hấp. Thậm chí là sử dụng những kháng sinh cấm, kháng sinh hạn chế sử dụng trong chăn nuôi theo quy định của Bộ NN&PTNT, điển hình như: Oxytetracyline, Enrofloxacine, Sunphadiazine,… Với mục đích phòng bệnh thường sử dụng với liều lượng thấp, không đủ để tiêu diệt vi khuẩn nên rất dễ tạo ra các dòng kháng lại kháng sinh. Điều này khá nguy hại vì nếu vật nuôi bị bệnh, khi bị kháng thuốc, những bệnh này sẽ không khỏi mà có nguy cơ trầm trọng hơn.
1.2. Tác hại của việc lạm dụng kháng sinh trong chăn nuôi
Vi khuẩn kháng thuốc
Hậu quả của việc lạm dụng kháng sinh trong chăn nuôi có thể phá vỡ cân bằng tự nhiên của hệ vi sinh vật đường ruột gây rối loạn quá trình tiêu hóa. Mối nguy chính của lạm dụng kháng sinh trong chăn nuôi chính là sự đề kháng kháng sinh của vi khuẩn. Bất cứ kháng sinh nào dùng để chữa bệnh cho người và động vật, nếu còn tồn dư một lượng dù nhỏ nhất cũng có thể gây kháng thuốc của E.Coli. Khi E.Coli đã kháng thuốc thì nó có thể truyền plasmid kháng thuốc của nó cho các loại vi khuẩn gây bệnh khác sống trong đường ruột.
Gây ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe của con người
Việc lạm dụng kháng sinh trong phòng và trị bệnh sẽ gây tồn dư với lượng quá mức cho phép và ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng. Điển hình có Cloramphenicol là loại kháng sinh cấm sử dụng trên thế giới do gây thiếu máu suy tủy, ở những cá thể đặc ứng do di truyền có thể dẫn đến tử vong.
Sự tồn dư kháng sinh có trong thực phẩm không chỉ ảnh hưởng trước tiên đến vật nuôi mà còn gây nguy hại cho sức khỏe người tiêu dùng khi tiêu thụ thực phẩm. Nó gây ảnh hưởng ngay lập tức sau khi tiêu thụ sản phẩm như xảy ra phản ứng quá mẫn cảm đối với người nhạy cảm kháng sinh, gây dị ứng sau khi tiêu thụ thịt tồn dư kháng sinh… Bên cạnh đó, nó ảnh hưởng muộn hơn khi tiêu thụ thịt tồn dư kháng sinh như tạo ra thể vi sinh vật kháng thuốc, gây khó khăn cho công tác điều trị nhiễm khuẩn, làm giảm sự đáp ứng miễn dịch của cơ thể. Đặc biệt, một số kháng sinh, hóa dược có thể gây ung thư cho người tiêu thụ.
2. Lạm dụng kháng sinh trong điều trị
2.1. Dùng kháng sinh cho các bệnh không do vi khuẩn
Bởi hiện nay nhiều tiệm thuốc dễ dàng bán thuốc kháng sinh cho người bệnh mà không cần toa thuốc của bác sĩ. Điều này khiến cho thuốc không những không trị được bệnh, mà còn làm cơ thể sản sinh ra các vi khuẩn kháng thuốc gây nguy hiểm cho người bệnh. Có 5 nhóm bệnh chính gồm bệnh lý nhiễm trùng, bệnh lý chuyển hóa, bệnh lý ngộ độc, bẩm sinh và bệnh lý miễn dịch. Trong 5 bệnh lý trên chỉ có một phần trong bệnh lý nhiễm trùng là có chỉ định sử dụng thuốc kháng sinh. Đa phần các bệnh lý nhiễm trùng do vi khuẩn thì mới nên sử dụng kháng sinh.
Hầu hết các trường hợp sốt virus, viêm họng, viêm thanh quản, viêm phế quản, tiêu chảy… thì không nên dùng kháng sinh trong điều trị. Tuy nhiên, nhiều người thường lạm dụng thuốc kháng sinh để trị bất cứ bệnh gì với mong muốn nhanh chóng khỏi bệnh. Điều này gây ra mối nguy hiểm khôn lường bởi thuốc kháng sinh ngoài tiêu diệt vi khuẩn gây bệnh thì còn tiêu diệt cả những vi khuẩn có lợi. Chính vì vậy, sử dụng kháng sinh bừa bãi thì cơ thể sẽ dễ bị các bệnh nhiễm khuẩn hơn.
2.2. Việc mua và sử dụng kháng sinh quá dễ dàng
Từ phía bệnh nhân
Việc mua và sử dụng kháng sinh quá dễ dàng nên chỉ cần xuất hiện vài biểu hiện bất thường về sức khỏe như sốt, ho, sổ mũi là mọi người tự ý đến hiệu thuốc để mua kháng sinh, hay các bậc cha mẹ tự ý mua kháng sinh cho con mình sử dụng mà không cần biết con mình có nhiễm khuẩn hay không, trẻ em thì có phải uống liều như người lớn không và uống trong thời gian bao lâu là hợp lý.
Từ phía nhân viên y tế
Bên cạnh đó, các hiệu thuốc dễ dàng tự ý bán thuốc kháng sinh cho bệnh nhân mà không quan tâm bệnh nhân có toa của bác sĩ hay không, hay thậm chí bệnh nhân chỉ cần mang toa thuốc cũ, toa thuốc của người quen, hoặc chỉ cần bảo muốn mua thuốc kháng sinh là được.
Không phải lúc nào vi khuẩn cũng gây hại cho cơ thể, có những loại vi khuẩn gây bệnh cũng có những loại vi khuẩn thường trú có lợi. Khi sử dụng kháng sinh bừa bãi, vi khuẩn có lợi cũng bị tiêu diệt, ví dụ như các vi khuẩn thường trú trong đường tiêu hóa, khi đó sẽ gây ra các triệu chứng rối loạn tiêu hóa như tiêu chảy, đau bụng, buồn nôn, v.v…
Đối với các bệnh nhân hen suyễn dị ứng, kháng sinh cũng là một tác nhân kích thích. Nếu sử dụng kháng sinh quá bừa bãi có thể làm bệnh nhân, đặc biệt là trẻ nhỏ lên cơn hen cấp tính. Nhiều trường hợp trẻ em bị hen cấp tính vì bố mẹ lạm dụng thuốc kháng sinh cho con quá nhiều. Kháng sinh sau khi uống vào cơ thể sẽ được chuyển hóa qua gan hoặc qua thận, nếu sử dụng quá mức có thể gây ảnh hưởng xấu đến các cơ quan này, thậm chí dẫn đến suy gan, suy thận.
2.3. Trong thực tế hàng ngày, việc sử dụng kháng sinh của thầy thuốc cũng rất rộng rãi
Trong thực tế hàng ngày, việc sử dụng kháng sinh của thầy thuốc cũng rất rộng rãi, nhiều khi tuy biết rằng không có chỉ định nhưng bác sĩ vẫn viết đơn thuốc có kháng sinh vì chẩn đoán không rõ ràng, vì thiếu phương tiện chẩn đoán vi sinh học nên dùng kháng sinh, nhất là loại có kháng sinh phổ rộng để điều trị bao vây, hoặc ghi đơn theo đòi hỏi của bệnh nhân (vì sợ mất thân chủ).
Khảo sát các đơn thuốc tại các phòng khám và tiệm bán thuốc trên toàn thành phố Đà Nẵng năm 2008 đã có 66,9% đơn thuốc có kháng sinh (chiếm 47,5% chi phí mua thuốc). Tại huyện Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định, có đến 98,1% kê đơn kháng sinh khi bệnh nhân có nhiễm khuẩn. Số đơn có phối hợp kháng sinh chỉ chiếm 12,9% và phần lớn là phối hợp 2 loại kháng sinh…. Tuy nhiên còn có đến 61% cho kháng sinh không đủ liều lượng, 28% đơn thuốc không đặc hiệu với vi khuẩn, 6% đơn không cần thiết phải cho kháng sinh, 100% đơn không có chỉ dẫn thời gian uống thuốc…
3. Hậu quả của việc sử dụng kháng sinh bừa bãi
Việc lạm dụng thuốc kháng sinh gây nhiều hậu quả, trong đó có thể tóm tắt bằng 5 hậu quả sau:
3.1. Gây lãng phí
Nhiều bệnh nhiễm trùng do vi rút thì không cần điều trị bằng kháng sinh, nếu dùng kháng sinh không có tác dụng sẽ là gây lãng phí. Nhiều thầy thuốc vẫn giải thích rằng dùng kháng sinh trong trường hợp này là nhằm đề phòng bội nhiễm vi khuẩn, nhưng cách giải thích đó vẫn là một kiểu nguỵ biện.
3.2. Không khỏi bệnh
Sử dụng kháng sinh không đúng chỉ định gây lãng phí đồng thời còn không chữa khỏi bệnh cho bệnh nhân, thí dụ bệnh nhân bị lao phổi mà lại được chữa bằng ampicillin.
3.3. Chậm chẩn đoán
Sử dụng kháng sinh sớm và không đúng chỉ định có khi gây khó khăn cho chẩn đoán bệnh, ví dụ bệnh nhân bị viêm ruột thừa cấp mà dùng kháng sinh làm lu mờ các triệu chứng của bệnh gây trở ngại cho chẩn đoán bệnh, làm sai lạc chẩn đoán.
3.4. Tác dụng độc hại
Sử dụng kháng sinh khi không cần thiết hoặc không đúng chỉ định có khi dễ bị gây phản ứng dị ứng, mẫn cảm, có khi bị phản ứng phản vệ nguy hiểm có thể chết người. Nhiều loại kháng sinh có tác dụng phụ nguy hiểm nếu sử dụng liều cao hoặc kéo dài, ví dụ sử dụng Chloramphenicol ở trẻ em… có khả năng gây suy tuỷ. Một số kháng sinh như Streptomycine, Kanamycin dùng liều cao, hoặc kéo dài có thể gây điếc và suy thận….
3.5. Tăng khả năng kháng thuốc của vi khuẩn
Vi khuẩn nhờn thuốc
Lạm dụng kháng sinh dễ làm cho vi khuẩn nhờn thuốc, do đó làm giảm tác dụng chữa bệnh của thuốc, là hậu quả tai hại, rộng lớn và lâu dài cho toàn xã hội.. Sự kháng thuốc kháng sinh ở vi khuẩn xảy ra chủ yếu do sự hình thành những gen kháng thuốc ở nhiễm sắc thể hoặc tiếp nhận một plasmid kháng thuốc từ vi khuẩn khác truyền cho hoặc vi khuẩn ở một vài trạng thái sinh lý đặc biệt như vi khuẩn ở trạng thái ngủ nghĩa là không nhân lên có thể không chịu tác động của thuốc như vi khuẩn lao.
Hình thức mất vách của một số tế bào vi khuẩn (dạng L) sẽ không bị ảnh hưởng bởi các thuốc ức chế tạo thành vách như penicillin sau thời gian dùng thuốc các vi khuẩn này có thể lấy lại cấu trúc nguyên vẹn…Trong đó cơ chế vi khuẩn kháng thuốc do đột biến nhiễm sắc thể là cơ chế quan trọng làm phát sinh sự kháng thuốc của một biến chủng vi khuẩn. Một quần thể vi khuẩn có thể chứa những biến chủng đề kháng với một loại kháng sinh. Sự hiện diện của thuốc kháng sinh như thế chỉ chọn lọc cho phép các chủng đề kháng sống sót.
Hậu quả
Vai trò của thuốc kháng sinh là một yếu tố chọn lọc biến chủng kháng thuốc. Một khi có sự hiện diện của biến chủng vi khuẩn kháng thuốc thì biến chủng này có thể truyền tính kháng thuốc này đến những vi khuẩn khác bằng nhiều cơ chế khác nhau: Chuyển thể, chuyển nạp, giao phối và như vậy sẽ lây lan tính kháng thuốc từ vi khuẩn này sang vi khuẩn khác. Do vậy việc lạm dụng thuốc kháng sinh tạo nguy cơ lớn để chọn lọc càng nhiều biến chủng vi khuẩn kháng thuốc.
Nguồn DS Nguyễn Thị Thanh Loan
THUỐC HẠ SỐT CHO TRẺ: RẤT CẦN DÙNG ĐÚNG VÀ ĐỦ LIỀU
🚨️ Mới đây, một bệnh nhi 27 tháng tuổi ở Phú Thọ bị hôn mê sau khi vào viện với dấu hiệu ngộ độc Paracetamol do sử dụng quá liều. Trước đó, người nhà đã cho bé uống thuốc hạ sốt Paracetamol 500mg với liều lượng 4 viên/ngày khi bé sốt cao.
Chỉ 2 giờ sau khi vào viện, bệnh nhi rơi vào hôn mê, đồng tử 2 bên co nhỏ, phản xạ ánh sáng kém, tim nhịp nhanh, huyết áp tụt, triệu chứng suy gan cấp, rối loạn đông máu nặng, men gan tăng cao. Các bác sĩ đánh giá đây là trường hợp bệnh nặng, tiên lượng tử vong nếu không được ghép gan.
Quá đau lòng khi một loại giảm đau, hạ sốt thông thường và phổ biến nhất hiện nay, được bán mà không cần sự kê đơn của bác sĩ, lại được sử dụng quá liều cho một đứa trẻ chỉ hơn 2 tuổi. Quad đây, Bệnh viện Nhi Đồng Thành Phố xin giới thiệu đến quý phụ huynh một bài viết hay về chăm sóc trẻ sốt, cách dùng các loại thuốc hạ sốt phổ biến nhất.
💦 NÊN LÀM GÌ KHI BÉ SỐT? 💦
😰Thân nhiệt bao nhiêu là sốt?
Hãy đo nhiệt độ cho bé khi thấy bé nóng hơn bình thường (sờ trán, cảm nhận bằng tay thường rất chủ quan, đặc biệt khi bàn tay của bạn mát, thậm chí lạnh khi trời lạnh). Hiện thị trường có nhiều loại nhiệt kế, hãy sử dụng nhiệt kế điện tử bạn nhé; vì nhiệt kế thủy ngân dễ vỡ gây ngộ độc. Đo nhiệt độ ở hậu môn là chính xác nhất. Tuy nhiên, thực tế, bạn có thể đo nhiệt độ ở nách; nhiệt độ này thường thấp hơn nhiệt độ hậu môn khoảng 0,5 độ C – và như vậy, khi bé có nhiệt độ ở nách trên 37,5 độ C đã được xem là sốt rồi đấy bố mẹ.
✔Các nguyên nhân gây sốt thường gặp
Nguyên nhân thường nhất của sốt là nhiễm virus hoặc vi khuẩn. Khi bị tác nhân gây bệnh xâm nhập, cơ thể sẽ phản ứng lại bằng cách tăng thân nhiệt nhằm thúc đẩy các phản ứng bảo vệ để loại trừ mầm bệnh. Như vậy, sốt không phải là một bệnh, mà là một dấu hiệu tốt cho thấy cơ thể của bé đang tích cực chống lại tác nhân gây bệnh. Do đó, điều quan trọng là tìm ra nguyên nhân gây sốt, chứ không phải là hạ sốt bằng mọi cách!🍁Chăm sóc khi bé sốt?
💧Cởi bỏ bớt chăn mền, quần áo, chỉ cho trẻ mặc một lớp quần áo mỏng bằng cotton để cơ thể tỏa nhiệt làm giảm sốt🌿Khi bé sốt nhẹ, hãy cho bé nghỉ ngơi, mặc quần áo thoáng mát, dễ thấm mồ hôi, cho bé uống nhiều nước (sữa, nước lọc, nước hoa quả, nước canh,…) và ăn thức ăn dễ tiêu hóa.
🌿Tuy nhiên, khi sốt quá cao (ví dụ trên 39 độ C), bé sẽ dễ mất nước và thường rất mệt. Khi đó, bạn mới nên hạ sốt cho bé bằng cách:
– Cho uống thuốc hạ sốt:
🍒 Thuốc hạ sốt an toàn là Acetaminophen (# Paracetamol), tên biệt dược là Hapacol, Efferalgan,…. 🍊 Liều thông thường là 10-15 mg/kg cân nặng của bé cho mỗi lần uống, và 2 lần dùng cách nhau ít nhất 6 giờ 🍊 Bạn cũng có thể tham khảo liều lượng sử dụng ghi trên hộp thuốc. Tuy nhiên, nếu bé của bạn dưới 2 tuổi thì tốt nhất nên dùng thuốc hạ sốt theo liều chỉ định của bác sĩ. Tránh lạm dụng thuốc và dùng thuốc quá liều khi bé sốt cao liên tục – dùng thuốc hạ sốt nhiều hơn liều hướng dẫn ở trên chỉ làm tăng nguy cơ quá liều, ngộ độc thuốc.🍒 Nhớ xem các thuốc đang sử dụng cùng lúc cho bé có chứa hoạt chất hạ sốt không để tránh quá liều. Bạn có thể cho bé dùng thuốc hạ sốt dạng uống hay nhét hậu môn. Cả 2 dạng này đều có tác dụng hạ sốt, nhưng lại có ưu điểm riêng: khi bé ói nhiều hay đang ngủ, dùng thuốc đặt hậu môn là hợp lý; nhưng nếu bé đang tiêu chảy thì dạng uống sẽ tốt hơn. Chú ý là trong mỗi cữ thuốc hạ sốt, bạn chỉ dùng một trong 2 đường uống hoặc hậu môn; mà không dùng cả 2 đường cùng lúc.
🌿
🍒 Dược chất Ibuprofen (biệt dược Ibrafen, Nurofen,
Advil,…) có sẵn trên thị trường cũng có thể giúp hạ sốt; tuy nhiên, nên sử dụng thận trọng theo chỉ định của bác sĩ và không dùng nếu bé của bạn dưới 6 tháng tuổi. Ibuprofen cũng không được sử dụng trong Sốt xuất huyết vì làm tình trạng rối loạn đông máu sẵn có trầm trọng thêm, dễ gây xuất huyết tiêu hóa.
– Lau mát cho bé với nước ấm khoảng 30 độ C: dùng 5 khăn nhúng nước ướt vừa phải, 4 cái đắp ở nách và bẹn, 1 cái lau phần cơ thể còn lại (tránh bàn tay, bàn chân). Nhớ là chỉ nên lau mát sau khi đã dùng thuốc hạ sốt ít nhất 30 phút nhé bạn! Đừng bao giờ lau bằng nước đá, giấm, rượu hay chanh, vì có thể gây nhiễm độc.⛳️
💦 Vậy khi nào cần đưa bé đi khám ?
Khi bé sốt, một số cha mẹ thường “chẩn đoán” ngay là do mọc răng (!) 🍒. Đừng chủ quan bạn nhé, hãy theo dõi bé sát, và đưa bé đi khám ngay khi có các trường hợp “báo động” dưới đây:
Khi bé sốt, một số cha mẹ thường “chẩn đoán” ngay là do mọc răng (!) 🍒. Đừng chủ quan bạn nhé, hãy theo dõi bé sát, và đưa bé đi khám ngay khi có các trường hợp “báo động” dưới đây:
🌴Bé dưới 3 tháng tuổi, ngay cả khi bé vẫn có vẻ khỏe và sốt không cao
🌴Bé 3-36 tháng tuổi: nếu ở một trong các trường hợp sau:
– Sốt trên 38,9 độ C, hay
– Sốt hơn 3 ngày, hay
– Có vẻ không khỏe (ví dụ: quấy khóc, lừ đừ, không chịu uống, …)
– Sốt trên 38,9 độ C, hay
– Sốt hơn 3 ngày, hay
– Có vẻ không khỏe (ví dụ: quấy khóc, lừ đừ, không chịu uống, …)
🌴Ở bất kỳ tuổi nào, bạn cũng cần đưa bé đi khám ngay nếu:
– Sốt trên 40 độ C, hay
– Sốt kéo dài đã 7 ngày (dù không sốt nhiều mỗi ngày), hay
– Có sẵn 1 bệnh lý mạn tính nào đó, hay
– Phát ban mới xuất hiện, hay
– Kèm dấu hiệu nặng (không uống được; nôn tất cả mọi thứ; co giật; hay li bì khó đánh thức), hay
– Có triệu chứng ở cơ quan, bộ phận nào đó (ho nhiều; khó thở; đau tai; đau bụng;…).
– Sốt trên 40 độ C, hay
– Sốt kéo dài đã 7 ngày (dù không sốt nhiều mỗi ngày), hay
– Có sẵn 1 bệnh lý mạn tính nào đó, hay
– Phát ban mới xuất hiện, hay
– Kèm dấu hiệu nặng (không uống được; nôn tất cả mọi thứ; co giật; hay li bì khó đánh thức), hay
– Có triệu chứng ở cơ quan, bộ phận nào đó (ho nhiều; khó thở; đau tai; đau bụng;…).
🍊Tóm lại, sốt là dấu hiệu cho thấy cơ thể của bé đang nhiễm bệnh và đang tích cực chống lại mầm bệnh. Nhớ cho bé nghỉ ngơi, uống đủ nước và không nên lạm dụng thuốc hạ sốt khi chưa thật sự cần thiết. Hãy theo dõi sát bé và đưa bé đi khám ngay khi có dấu hiệu “báo động” bạn nhé!
❌Những điều không nên làm
Quấn kín trẻ
Kiêng ăn uống
Nặn chanh, đổ sả, đổ thuốc vào miệng trẻ khi trẻ đang co giật vì gây sặc, tắc đường thở đưa đến tử vong.
Cạo gió, cắt lễ..
Quấn kín trẻ
Kiêng ăn uống
Nặn chanh, đổ sả, đổ thuốc vào miệng trẻ khi trẻ đang co giật vì gây sặc, tắc đường thở đưa đến tử vong.
Cạo gió, cắt lễ..
Tham khảo:
http://bvndtp.org.vn/cham-soc-tre-sot-tai-nha/
Healthdirect
BS CK2 Nguyễn Minh Tiến
TS BS Phạm Diệp Thùy Dương
BS Đào Nguyễn Phương Linh
Infographics: Fp Cách Dùng Thuốc
Dr. Nick Nguyễn Cát - CCH Social Media Team
http://bvndtp.org.vn/cham-soc-tre-sot-tai-nha/
Healthdirect
BS CK2 Nguyễn Minh Tiến
TS BS Phạm Diệp Thùy Dương
BS Đào Nguyễn Phương Linh
Infographics: Fp Cách Dùng Thuốc
Dr. Nick Nguyễn Cát - CCH Social Media Team
Nguồn: Bệnh viện Nhi Đồng TPHCM
Đăng ký:
Bài đăng (Atom)