VIÊM MŨI DỊ ỨNG LÀ GÌ ? CÙNG TÌM HIỂU VỀ VIÊM MŨI DỊ ỨNG

tháng 6 03, 2019
Giai đoạn chuyển mùa với những thay đổi của khí hậu chính là nguyên nhân dẫn tới tình trạng số người mắc bệnh viêm mũi dị ứng ngày càng tăng cao. Viêm mũi dị ứng không gây nguy hiểm nhưng thường làm giảm năng suất lao động, chất lượng cuộc sống và gây cho người bệnh nhiều phiền toái.

1. Triệu chứng của viêm mũi dị ứng

Hầu hết người bị viêm mũi dị ứng có nhiều triệu chứng giống nhau như ngứa mũi, chảy mũi nước, đặc biệt là hắt hơi hàng tràng liền. Viêm mũi dị ứng khởi bệnh rất cấp, thường khi mới bắt đầu phát bệnh thì cảm thấy ở mũi, cổ họng, mắt, ống tai đều bị ngứa, tiếp theo là hắt hơi liên tục, thậm chí hắt hơi mấy chục cái, kèm theo là ngạt mũi và chảy dịch trong, đôi khi chảy ròng ròng…

Nếu đã thành mạn tính thì có thể nghẹt mũi gần như thường xuyên, ù tai, nhức đầu (dễ nhầm với viêm xoang). Một số trường hợp viêm mũi mạn tính kéo dài có thể có hiện tượng loạn khứu giác (mất mùi) hoặc ngủ ngáy do nghẹt mũi.


2. Những nguyên nhân gây viêm mũi dị ứng

Theo Tổ chức Y tế thế giới thì Viêm mũi dị ứng được chia làm ba loại:

2.1. Viêm mũi quanh năm

Triệu chứng xuất hiện quanh năm do các yếu tố sau:

+ Môi trường: Thường là do hít phải các kháng nguyên như những con mạt (mites) trong bụi nhà, trong chăn gối, nệm ghế, lông thú, lông chim; môi trường sống đô thị – nơi luôn có nhiều vật liệu mới như sơn, véc-ni các loại và từ đây phóng thích những phần tử kháng nguyên “lạ”. Sang chấn tinh thần (stress) của cuộc sống quá bận bịu và lo toan cũng là yếu tố thuận lợi gây bệnh. Ngoài ra có thể do các nguyên nhân không đặc hiệu khác như:


+ Thuốc: Aspirine, Sulfamide, Streptomycine, Penicilline và một số loại huyết thanh chống bạch cầu, chống uốn ván… là những thứ rất dễ gây dị ứng.

+ Thức ăn: Một số hải sản hoặc thức ăn chế biến từ các vật nuôi…

2.2. Viêm mũi theo mùa

Triệu chứng xuất hiện theo mùa nhất định trong năm như mùa hoa nở dễ hít phải các loại phấn hoa hoặc các bào tử nấm bay trong không khí.

2.3. Viêm mũi do nghề nghiệp

Người làm trong các ngành có liên quan đến chế biến, xay xát lúa gạo, hay tiếp xúc với bông vải, với những hạt bụi sợi, khói, bụi gây ô nhiễm tại công trường, nhà máy, thường tiếp xúc với phun thuốc trừ sâu, diệt cỏ hoặc làm trong các phòng thí nghiệm nơi có nhiều loại dung môi, hóa chất có thể gây dị ứng.

3. Cách điều trị viêm mũi dị ứng

3.1. Kiểm soát môi trường

Người bệnh cần tránh xa hay hạn chế các tác nhân gây dị ứng.

3.2. Dùng thuốc

Hầu hết các trường hợp viêm mũi dị ứng đều đáp ứng với điều trị bằng thuốc. Thuốc chống nghẹt mũi có thể dùng đơn độc hoặc kết hợp với Antihistamines. Thuốc có thể gây tác dụng phụ như hồi hộp, lo âu, mất ngủ và quánh đàm.

Tuy nhiên, việc lạm dụng thuốc chống nghẹt mũi dạng xịt hoặc nhỏ trong thời gian dài sẽ gây hiện tượng sinh lý phản hồi, khiến bệnh nhân nghẹt mũi nặng hơn, phải tăng liều, dẫn đến tình trạng viêm mũi do thuốc và nghiện thuốc, rất khó điều trị.

3.3. Miễn dịch liệu pháp (còn gọi là giải mẫn cảm đặc hiệu)

Sau khi thử test, biết chính xác là dị ứng với loại kháng nguyên nào, các bác sĩ sẽ đưa dị nguyên mẫn cảm vào cơ thể theo đường dưới da với liều lượng và nồng độ tăng dần, nhằm kích thích cơ thể hình thành kháng thể bao vây, để cơ thể có thể thích ứng với dị nguyên đó.


Việc thay đổi đáp ứng miễn dịch dẫn tới việc không xuất hiện các triệu chứng lâm sàng. Điều đó lý giải vì sao đây được coi là một loại “vắc xin” phòng viêm mũi dị ứng.. Tỷ lệ thành công của phương pháp này là 80-90% (có hiệu quả cao nhất với các trường hợp dị ứng do phấn hoa, bụi nhà và lông chó mèo). Thời gian điều trị phải kéo dài 4-5 năm mới đạt được hiệu quả mong muốn; các triệu chứng chỉ bắt đầu cải thiện rõ sau 6-12 tháng.


Để thuốc phát huy hiệu quả, người bệnh cần kiên trì điều trị theo chỉ định của bác sĩ. Nhiều bệnh nhân tiêm thuốc được vài tháng thì mất kiên nhẫn, bỏ ngang, bệnh đã đỡ được 80 – 90% nhưng sau đó lại nhanh chóng tái phát.

Sau khi ngừng tiêm, lượng kháng thể này sẽ giảm dần và bệnh có thể tái phát, phải tiêm đợt khác. Tuy nhiên, nếu mỗi đợt tiêm càng kéo dài thì sau đó khoảng thời gian bạn phòng được bệnh viêm mũi dị ứng càng lâu.

4. Cách phòng ngừa viêm mũi dị ứng

Viêm mũi dị ứng đa dạng và nhiều nguyên nhân, những trường hợp có cơ địa dị ứng cần cảnh giác cao với viêm mũi dị ứng.

– Để góp phần hạn chế bị viêm mũi dị ứng không nên nuôi chó, mèo trong nhà.

– Hạn chế đến mức tối đa không tiếp xúc với chúng.

– Cần vệ sinh định kỳ chăn, ga, gối, đệm, vải bọc ghế, bọc đệm.

– Nhà ở cần thoáng, mát, sạch sẽ, tránh ẩm ướt nếu làm được như vậy sẽ hạn chế nấm mốc phát triển.

– Cần vệ sinh răng miệng hàng ngày nhất là đánh răng sau khi ăn, trước và sau khi ngủ dậy.

– Hạn chế đến mức tối đa hút thuốc lá, thuốc lào. Tránh hoặc hạn chế tiếp xúc với bụi.

– Cần đeo khẩu trang khi quét dọn nhà và lúc ra đường.

– Những lúc giao mùa, thời tiết thay đổi từ nóng sang lạnh cần giữ ấm cơ thể (mặc ấm) nhất là vùng cổ, mũi.

– Khi bị bệnh viêm mũi dị ứng nên đi khám bác sĩ chuyên khoa tai, mũi, họng. Không nên tự chẩn đoán bệnh cho mình và tự mua thuốc để điều trị.


Nguồn: Thầy Thuốc Việt Nam

Share this

Related Posts

Previous
Next Post »