DƯỚI 2 TUỔI THÌ KHÔNG XEM TIVI - ĐIỆN THOẠI

tháng 11 27, 2019

📺 DƯỚI 2 TUỔI THÌ KHÔNG XEM TIVI - ĐIỆN THOẠI, NGOẠI LỆ DUY NHẤT: CHỈ ĐƯỢC VIDEOCALL KHI Ở CÙNG BA MẸ!


(Cập nhật mới nhất của Hội Nhi Khoa Hoa Kỳ, từ Dr. Mon Chăm con chuẩn Mỹ

📈 Cách đây chục năm, người ta gọi “multimedia” là “truyền thông đa phương tiện”, giờ đã là một từ mượn quen thuộc. Windows Vista làm người dùng choáng ngợp với giao diện trong suốt long lanh, giờ đã biến mất. Hay iPad xuất hiện với sức cuốn kì lạ, khiến người ta phải thốt lên “muôn nẻo đường tablet đều dẫn về iPad”. Những người lớn của thế hệ Thiên niên kỉ còn choáng và hụt hơi với thế giới số biến ảo đó.
📯 Thoáng chốc, khi bác Mon vụt lớn, thì công nghệ đã đến từng hang cùng ngõ hẻm, mạng internet tốc độ cao kéo nội dung số phủ sóng từng nhà, và đến tận mắt của từng đứa trẻ qua màn hình tivi, màn hình máy tính, điện thoại thông minh, máy tính bảng các loại.
📺 Media dưới bất kì hình thức nào cũng có ảnh hưởng đến CẢM XÚC, HỌC HỎI, SUY NGHĨ VÀ HÀNH VI của trẻ mọi lứa tuổi.
⌚️ Chắc chắn trong hiện tại và tương lai, media sẽ là một phần không thể né tránh của cuộc sống, do đó, các bác sĩ nhi khoa và chuyên gia tâm lý hành vi khuyến khích bố mẹ ĐỒNG HÀNH cùng con trẻ xây dựng thói quen sử dụng thiết bị điện tử, khai thác nội dung số LÀNH MẠNH ngay từ bé.

🚫 VỚI TRẺ DƯỚI 02 TUỔI: CẤM!

WHO và Hội Nhi khoa Mỹ đều khuyến cáo HẠN CHẾ TỐI ĐA tiếp xúc với các loại màn hình điện tử, bao gồm trọn gói điện thoại, tablet, tivi, màn hình máy tính. Tức là KHÔNG ĐƯỢC cho trẻ xem điện thoại, tablet, tivi ở nhóm trẻ bé này.

⭕️ NGOẠI LỆ DUY NHẤT, đó là:

Vì biến chuyển của xã hội, videocall (gọi điện có video qua internet) dần phổ biến. Đây là ngoại lệ duy nhất mà Hội Nhi khoa Mỹ đã “gỡ rào” cho phép trẻ dưới 2 tuổi. NHƯNG KÈM ĐIỀU KIỆN BẮT BUỘC đó là phải có bố mẹ cùng sử dụng. Tức là trẻ từ 0-2 tuổi có thể tham gia các cuộc thoại video qua Facetime, Mesenger, Viber, Zalo cùng bố mẹ - bố mẹ phải chỉ dẫn với các hiệu lệnh dễ hiểu và rõ ràng, xử lí các bối rối của trẻ.

🌉 TỪ 18 - 24 THÁNG TUỔI: THỬ TÍ

Trong 4 tháng giao thời này, bố mẹ có thể bắt đầu cho con làm quen với các kênh media chất lượng cao, được gắn mác 2+ trên commonsensemedia.org với thời lượng ngắn và LUÔN LUÔN xem cùng con để chỉ dẫn.

🎞 KHÔNG XEM + KHÔNG TIẾP XÚC

Nói là không xem tức là không cả tiếp xúc. Tức là không cho trẻ xem nhưng lại bật TV ở phòng có trẻ chơi là không được. Hay vừa bế con vừa chơi iPad chẳng hạn. Phải tránh cả các tình huống tình cờ tiếp xúc như vậy.

⛔️ SAO HẠN CHẾ TỐI ĐA NHƯ VẬY?

💢 Trẻ tầm tuổi này cần rèn luyện và khám phá đủ thứ về môi trường tự nhiên, mối quan hệ lạ - quen, rèn các hành vi mới chớm... Nói chung là đủ thứ phải học. Nhà bao việc. Giờ dành tâm trí cho xem tivi, nghịch iPad thì sẽ chậm trễ thậm chí mất nhiều kĩ năng quan trọng khác.
💢 Trẻ nhỏ cỡ này sẽ chưa hình dung được và sẽ bị rối khi nhìn những hình ảnh trong màn hình. Có trời mới biết trẻ nghĩ đó là gì, thích thú hay sợ hãi hay ám ảnh. Cứ tránh là tốt nhất. Đừng làm trẻ rối lên.
🧠 Một số nghiên cứu đã chứng minh xem tivi, xem điện thoại quá đà và quá sớm ảnh hưởng tới tâm lí và hành vi của trẻ. Có nghiên cứu còn đặt ra giả thuyết xem media quá nhiều và sớm có thể ảnh hưởng tới cả cấu trúc vật lí của não bộ trẻ em.

🤦🏻‍♂️ CÒN NHIỀU TÁC HẠI KHÁC

 không chỉ có ở trẻ nhỏ mà cả ở trẻ lớn. Như béo phì, tật khúc xạ, rối loạn tic, rối loạn giấc ngủ, hành vi bất thường.
☑️ Tóm lại:
TRẺ EM DƯỚI 2 TUỔI:
- Không xem tivi
- Không xem điện thoại, tablet
- Videocall cùng bố mẹ thì được
👨🏻‍⚕️ Nguồn Dr. Mon
Chăm con chuẩn Mỹ
chamconchuanmy.com

TRẺ EM BỊ GAN NHIỄM MỠ NÊN ĂN GÌ ĐỂ KHÔNG ẢNH HƯỞNG SỰ PHÁT TRIỂN ?

tháng 11 26, 2019
Hiện nay tỷ lệ bệnh nhân mắc gan nhiễm mỡ đang ngày càng tăng và có xu hướng trẻ hóa. Ngay cả trẻ em cũng có thể mắc phải. Các bác sỹ khuyến cáo bệnh nhân nên tuân thủ chế độ ăn nghiêm ngặt để hạn chế mỡ tích tụ trong gan. Nhưng với trẻ em đang trong độ tuổi phát triển mắc bệnh gan nhiễm mỡ nên ăn gì để không ảnh hưởng đến sự phát triển luôn được các bậc phụ huynh quan tâm.




1,Trẻ em bị gan nhiễm mỡ nên ăn gì để tránh ảnh hưởng tới quá trình phát triển?

Cũng giống như các bệnh nhân gan nhiễm mỡ khác, trẻ em bị gan nhiễm mỡ nên ăn gì luôn được các bậc phụ huynh quan tâm bởi chúng còn ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ. Tốt nhất là trẻ nên tuân thủ chế độ nhiều thực phẩm giàu chất xơ, vitamin, hạn chế đồ ăn chứa nhiều chất béo động vật. Tuy nhiên cần cân đối bổ sung đầy đủ các nhóm chất dinh dưỡng cơ bản. Tránh kiêng khem quá mức gây thiếu chất, ảnh hưởng đến quá trình phát triển của trẻ. Dưới đây là một số loại thực phẩm tốt cho trẻ bị gan nhiễm mỡ:

1.1 Rau xanh và các loại trái cây cực kỳ tốt cho trẻ bị gan nhiễm mỡ


Trẻ em béo phì, thừa cân là những đối tượng dễ mắc gan nhiễm mỡ nhất. Do đó một trong những cách cải thiện tình trạng bệnh là giảm cân. Trẻ gan nhiễm mỡ nên ăn các loại rau xanh. Đặc biệt rau màu xanh lá đậm như rau bina, rau cải xoăn, súp lơ xanh rất giàu chất xơ và vitamin giúp trẻ giảm trọng lượng cơ thể. Đồng thời chúng còn là nguồn cung cấp canxi tự nhiên giúp trẻ phát triển chiều cao.

1.2 Nếu bạn còn thắc mắc về trẻ bị gan nhiễm mỡ nên ăn gì đậu nành và các sản phẩm từ đậu nành chính là câu trả lời

Protein trong đậu nành cũng như các thực phẩm chế biến từ đậu nành như đậu phụ, mầm đậu nành… giúp giảm 20% lượng mỡ và triglyceride tích tụ trong gan (Theo nghiên cứu của Đại học Illinois). Ngoài ra đậu nành có chứa nhiều acid amin như methionin, tryptophan, leucin,…Đây đều là những acid amin cần thiết cho cơ thể. Do đó trẻ bị gan nhiễm mỡ nên ăn bổ sung đậu nành và các sản phẩm từ đậu nành hàng ngày, vừa giảm nguy cơ bệnh mà còn giúp trẻ phát triển cao lớn hơn.

1.3 Các loại cá giàu omega -3 giúp giảm cholesterol, giảm triglyceride trong cơ thể

Các loại cá từ biển như cá hồi, cá ngừ, cá mòi… có chứa nhiều acid béo không no Omega-3, omega-6 giúp giảm cholesterol và triglyceride trong cơ thể. Các acid béo này tạo liên kết ester với cholesterol và triglyceride, tan trong máu rồi vận chuyển ra khỏi lòng mạch đến mô mỡ và gan để chuyển hóa. Hơn nữa, trong omega có chứa DHA, EPA là những chất có vai trò rất quan trọng trong phát triển trí não và thị lực của trẻ.

1.4 Ngũ cốc nguyên hạt giúp tăng cường năng lượng cho trẻ, giảm thiểu nguy cơ gan nhiễm mỡ

Các loại ngũ cốc nguyên hạt như lúc mạch, gạo lứt, yến mạch… chứa nhiều chất xơ tạo cảm giác no cho người dùng. Đây là những thực phẩm trẻ béo phì kèm nhiễm mỡ nên ăn bởi chúng giúp trẻ giảm cân nặng.

2, Cách phòng tránh gan nhiễm mỡ cho trẻ em

Để hạn chế gan nhiễm mỡ ở trẻ em, việc cần làm là thăm khám sức khỏe thường xuyên, điều chỉnh chế độ sinh hoạt, thói quen ăn uống và giảm cân nếu có thừa cân.

2.1 Điều chỉnh chế độ sinh hoạt, thói quen ăn uống

Trẻ em thừa cân có nguy cơ bị gan nhiễm mỡ nên thay đổi thói quen ăn uống khoa học.
  • Tránh xa đồ ăn nhanh, chiên rán nhiều lần, nội tạng động vật.
  • Bổ sung tăng cường rau, củ, quả giàu chất xơ và các thực phẩm tốt cho gan như đậu nành, cá hồi, …
  • Khuyến khích trẻ luyện tập thể dục thể thao hàng ngày để cơ thể phát triển cân đối, loại bỏ mỡ thừa, giảm cân.
  • Tạo môi trường cho trẻ vui chơi, giải trí giảm thiểu tình trạng căng thẳng, stress,…

2.2 Khám sức khỏe định kỳ giúp phát hiện sớm gan nhiễm mỡ

Khi thấy trẻ có các biểu hiện chán ăn, đau tức hạ sườn phải… Phụ huynh cần đưa trẻ đến khám để xét nghiệm, chẩn đoán  xác định để được điều trị phù hợp.Tốt nhất để phát hiện sớm bệnh, tránh biến chứng bố mẹ nên cho trẻ khám sức khỏe định kỳ.

TÁC HẠI CỦA NƯỚC UỐNG CÓ GA VỚI SỨC KHỎE

tháng 11 11, 2019

Tính đến nay đã có nhiều nghiên cứu khẳng định nước ngọt có ga không phải là một thức uống có lợi cho sức khỏe. Tuy nhiên nhiều tín đồ của nước ngọt có ga không hiểu đầy đủ về những tác hại của thức uống này. Càng dịp tết đến xuân về lượng nước ngọt có ga càng được tiêu thụ mạnh. Cùng điểm qua tác hại của nước ngọt có ga đến sức khỏe trước khi quyết định tết này uống nước lọc hay nước ngọt có ga. 

1. Tăng cân vì uống nước ngọt




Nước ngọt có ga làm tăng gấp đôi lượng mỡ trong máu (ảnh minh họa)
Một nghiên cứu gần đây cho thấy uống nước ngọt có ga thường xuyên làm tăng gấp đôi lượng mỡ trong gan và trong xương. Mỡ trong gan tăng đồng nghĩa với nguy cơ gan nhiễm mỡ, máu nhiễm mỡ, xơ gan.
Biểu hiện thường thấy ở những người tăng lượng mỡ nội tạng là béo bụng. Điều này cũng gặp ở cả những người uống nước ngọt dành cho người ăn kiêng – nước ngọt không đường. Theo nghiên cứu của đại học Texas trong vòng 10 năm  cho kết quả những người uống nước ngọt không đường tăng 70% chỉ số vòng eo so với người không uống nước ngọt.
Nếu bạn nước ngọt có ga và vòng bụng ngày một lớn dần thì bạn nên đi kiểm tra sức khỏe và cân nhắc cai nước ngọt có ga càng sớm càng tốt.
Dấu hiệu trực quan đáng kể nhất về mỡ nội tạng là cái bụng bự, nếu bạn nhận thấy bụng mình ngày càng phình to, bạn cần kiềm chế lượng đường hấp thụ càng sớm càng tốt.

2. Nước ngọt có ga tăng tốc độ lão hóa cơ thể

Nước ngọt có ga dù là đường tự nhiên hay đường hóa học đều chứa acid photphoric – tăng hương vị nồng và là chất bảo quản. Uống nhiều nước ngọt có ga làm dư thừa lượng acid photphoric dẫn đến tăng nguy cơ mắc bệnh thận, giảm mật độ xương và tiêu cơ.
Một nghiên cứu công bố bởi tạp chí FASEBJ cho thấy rằng những con chuột có nồng độ phosphate cao chết sớm hơn 5 tuần so với những con chuột có nồng độ phosphate bình thường.
Bên cạnh đó việc tiêu thụ lượng lớn nước ngọt có ga trong thời gian dài khiến da trở nên lão hóa và xuất hiện nhiều nếp nhăn hơn.

3. Uống nước ngọt có thể dẫn đến sự kháng insulin

Lượng đường trong nước ngọt là khá lớn và điều đó bắt buộc các tế bào tuyến tụy phải tăng tiết insulin để chuyển hóa đường. Khi tình trạng này kéo dài dẫn đến hiện tượng kháng insulin. Kháng insulin là căn nguyên dẫn đến các rối loạn chuyển hóa trong đó có đái thái đường, tăng huyết áp, béo bụng và các biến cố tim mạch khác….

4. Tiêu thụ nước ngọt có thể góp phần gây bệnh tim

Bệnh tim, hay các bệnh liên quan đến hệ tuần hoàn và mạch máu, là kẻ giết người số một ở Mỹ và trên thế giới – và đó là loại bệnh cuối cùng bạn không hề muốn dính phải giống như ung thư vậy.
Các biến chứng của bệnh tim bao gồm nhồi máu cơ tim, đột quỵ, suy tim, xơ vữa động mạch, tắc mạch chi… Bạn có thể sống sót sau một cơn nhồi máu cơ tim cấp hoặc một cơn đột quỵ nhẹ tuy nhiên chúng sẽ quay lại và “kill” bạn nếu bạn vẫn tiếp tục uống nước ngọt.
Một nghiên cứu công bố năm 2014 cho thấy những người tiêu thụ 17-21% calo từ đường có 38% nhiều khả năng chết vì bệnh tim hơn so với những người chỉ tiêu thụ 8%.
Hiệp hội Tim mạch Mỹ khuyến cáo phụ nữ không nên dùng quá 6 muỗng cà phê đường mỗi ngày. Trong khi một lon nước ngọt thông thường chứa khoảng 8,75 muỗng cà phê đường – nhiều hơn giới hạn khuyến cáo. Và bạn cũng nên nhớ rằng đây không phải là lượng đường duy nhất bạn tiêu thụ trong ngày.

5. Đồ uống có đường làm tăng nguy cơ phát triển bệnh tiểu đường


Đồ uống có đường là tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường (ảnh minh họa)
Như đã đề cập ở trên, tiêu thụ nước ngọt có thể dẫn đến sự đề kháng insulin, sau đó thường tiến triển đến trục trặc về chuyển hóa đường cũng như năng lượng.
Nghiên cứu của Trường Y tế công Harvard chỉ ra rằng uống từ một đến hai lon đồ uống có đường mỗi ngày tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường 26%, so với những người uống một lần mỗi tháng. Uống một lần mỗi ngày làm tăng nguy cơ 15%.

6. Thức uống có đường có liên quan đến bệnh Alzheimer

Bệnh Alzheimer từ lâu đã được coi như là một rối loạn thoái hóa thần kinh di truyền mà chúng ta không thể kiểm soát. Nó là một bệnh lý về não và tác động đến trí nhớ, suy nghĩ và hành vi của người bệnh. Trong khi cho đến thời điểm hiện tại y học vẫn chưa tìm ra thuốc chữa đặc hiệu cho căn bệnh này thì ngày càng có nhiều nghiên cứu khẳng định mối liên quan giữa tình tạng kháng insulin và bệnh Alzheimer – thường được gọi là bệnh tiểu đường type 3 trong y học.
Cũng trong một nghiên cứu của Nhật Bản, các nhà nghiên cứu kết luận rằng những người có bệnh tiểu đường loại 2 có gấp đôi nguy cơ dễ phát triển bệnh Alzheimer hoặc các chứng mất trí.

7. Uống nước ngọt có ga có thể gây nghiện

Đường kích thích sự phóng thích dopamine, chất dẫn truyền nội tiết thần kinh trong não, làm cho chúng ta cảm thấy tươi khỏe và hưng phấn. Đây cũng chính là các chất gây nghiện cocaine làm việc – nên có thể giải thích lý do tại sao rất khó để từ bỏ đường, mặc dù ta biết nó không tốt.
Rất nhiều người làm việc trong môi trường căng thẳng sử dụng nước ngọt có ga như một cách giúp não bộ tỉnh táo và tăng khả năng tập trung. Sử dụng trong một thời gian dài khiến họ bị nghiện loại thức uống này. Bất kể sự lệ thuộc nào cũng được coi là “nghiện” và mọi tình trạng “nghiện” đều là đều phải “cai”. Việc nghiện nước ngọt và nghiện ma túy xét về bản chất không có nhiều sự khác biệt về hành vi.
Hy vọng với hàng loạt các tác hại đối với sức khỏe tết này bạn sẽ cân nhắc việc có nên hay không nên uống nước ngọt có ga.
Nguồn Thầy thuốc Việt Nam

THỰC TRẠNG SỬ DỤNG KHÁNG SINH BỪA BÃI VÀ HIỆU QUẢ

tháng 11 11, 2019
Kháng thuốc kháng sinh đang được coi là một cuộc khủng hoảng toàn cầu, trong đó thế giới đang phải đối mặt với kỷ nguyên hậu kháng sinh – khi mà những bệnh rất bình thường cũng có thể gây tử vong cho con người. Đây là hệ quả tất yếu của việc sử dụng thuốc kháng sinh bừa bãi, kê đơn thuốc chưa thực sự hợp lý, do việc sử dụng thuốc kháng sinh trong chăn nuôi gia súc, gia cầm, thủy sản chưa được kiểm soát đầy đủ.

1. Lạm dụng kháng sinh trong chăn nuôi

1.1. Thực trạng lạm dụng kháng sinh trong chăn nuôi

Để kích thích vật nuôi tăng trưởng nhanh, giảm thấp tiêu hao thức ăn, vật nuôi có bề ngoài bắt mắt, tăng lợi nhuận, nhiều trang trại sử dụng lượng lớn thuốc kháng sinh trộn thẳng vào thức ăn mà không cần quan tâm tới sức khỏe người tiêu dùng. Salbutamol, Clenbuterol, Ractopamin có thể giúp vật nuôi mau lớn, chuyển hóa làm tiêu mỡ, tăng khối lượng cơ, làm màu thịt đỏ tươi hơn nhưng gây ra tác hại khó lường với sức khỏe con người.
Ngoài những chất tạo nạc trên, người nuôi còn sử dụng một số các loại kháng sinh tăng trọng có thể gây ung thư, đã bị cấm như Epstadiol, hay những kháng sinh có khả năng giảm mật độ tinh trùng, tăng hiện tượng đồng tính luyến ái, gây ung thư hoặc các bệnh nghiêm trọng khác trong gan, thần kinh, hệ tiêu hóa, tim và có khả năng gây đột biến như Dexametazon, Tetaciline.



Sử dụng kháng sinh bừa bãi trong chăn nuôi gây nhiều hệ lụy tới sức khỏe (Ảnh: Internet)
Hiện nay, người nuôi thường sử dụng kháng sinh bổ sung vào thức ăn, nước uống để phòng ngừa bệnh thường gặp như đường ruột, hô hấp. Thậm chí là sử dụng những kháng sinh cấm, kháng sinh hạn chế sử dụng trong chăn nuôi theo quy định của Bộ NN&PTNT, điển hình như: Oxytetracyline, Enrofloxacine, Sunphadiazine,… Với mục đích phòng bệnh thường sử dụng với liều lượng thấp, không đủ để tiêu diệt vi khuẩn nên rất dễ tạo ra các dòng kháng lại kháng sinh. Điều này khá nguy hại vì nếu vật nuôi bị bệnh, khi bị kháng thuốc, những bệnh này sẽ không khỏi mà có nguy cơ trầm trọng hơn.

1.2. Tác hại của việc lạm dụng kháng sinh trong chăn nuôi 

Vi khuẩn kháng thuốc 

Hậu quả của việc lạm dụng kháng sinh trong chăn nuôi có thể phá vỡ cân bằng tự nhiên của hệ vi sinh vật đường ruột gây rối loạn quá trình tiêu hóa. Mối nguy chính của lạm dụng kháng sinh trong chăn nuôi chính là sự đề kháng kháng sinh của vi khuẩn. Bất cứ kháng sinh nào dùng để chữa bệnh cho người và động vật, nếu còn tồn dư một lượng dù nhỏ nhất cũng có thể gây kháng thuốc của E.Coli. Khi E.Coli đã kháng thuốc thì nó có thể truyền plasmid kháng thuốc của nó cho các loại vi khuẩn gây bệnh khác sống trong đường ruột.

Gây ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe của con người 

Việc lạm dụng kháng sinh trong phòng và trị bệnh sẽ gây tồn dư với lượng quá mức cho phép và ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng. Điển hình có Cloramphenicol là loại kháng sinh cấm sử dụng trên thế giới do gây thiếu máu suy tủy, ở những cá thể đặc ứng do di truyền có thể dẫn đến tử vong.

Sử dụng kháng sinh bừa bãi dẫn tới tồn dư kháng sinh (Ảnh: Internet)
Sự tồn dư kháng sinh có trong thực phẩm không chỉ ảnh hưởng trước tiên đến vật nuôi mà còn gây nguy hại cho sức khỏe người tiêu dùng khi tiêu thụ thực phẩm. Nó gây ảnh hưởng ngay lập tức sau khi tiêu thụ sản phẩm như xảy ra phản ứng quá mẫn cảm đối với người nhạy cảm kháng sinh, gây dị ứng sau khi tiêu thụ thịt tồn dư kháng sinh… Bên cạnh đó, nó ảnh hưởng muộn hơn khi tiêu thụ thịt tồn dư kháng sinh như tạo ra thể vi sinh vật kháng thuốc, gây khó khăn cho công tác điều trị nhiễm khuẩn, làm giảm sự đáp ứng miễn dịch của cơ thể. Đặc biệt, một số kháng sinh, hóa dược có thể gây ung thư cho người tiêu thụ.

2. Lạm dụng kháng sinh trong điều trị

2.1. Dùng kháng sinh cho các bệnh không do vi khuẩn

Bởi hiện nay nhiều tiệm thuốc dễ dàng bán thuốc kháng sinh cho người bệnh mà không cần toa thuốc của bác sĩ. Điều này khiến cho thuốc không những không trị được bệnh, mà còn làm cơ thể sản sinh ra các vi khuẩn kháng thuốc gây nguy hiểm cho người bệnh. Có 5 nhóm bệnh chính gồm bệnh lý nhiễm trùng, bệnh lý chuyển hóa, bệnh lý ngộ độc, bẩm sinh và bệnh lý miễn dịch. Trong 5 bệnh lý trên chỉ có một phần trong bệnh lý nhiễm trùng là có chỉ định sử dụng thuốc kháng sinh. Đa phần các bệnh lý nhiễm trùng do vi khuẩn thì mới nên sử dụng kháng sinh.

Dùng kháng sinh cho các bệnh không do vi khuẩn (Ảnh: Internet)
Hầu hết các trường hợp sốt virus, viêm họng, viêm thanh quản, viêm phế quản, tiêu chảy… thì không nên dùng kháng sinh trong điều trị. Tuy nhiên, nhiều người thường lạm dụng thuốc kháng sinh để trị bất cứ bệnh gì với mong muốn nhanh chóng khỏi bệnh. Điều này gây ra mối nguy hiểm khôn lường bởi thuốc kháng sinh ngoài tiêu diệt vi khuẩn gây bệnh thì còn tiêu diệt cả những vi khuẩn có lợi. Chính vì vậy, sử dụng kháng sinh bừa bãi thì cơ thể sẽ dễ bị các bệnh nhiễm khuẩn hơn.

2.2. Việc mua và sử dụng kháng sinh quá dễ dàng

Từ phía bệnh nhân

Việc mua và sử dụng kháng sinh quá dễ dàng nên chỉ cần xuất hiện vài biểu hiện bất thường về sức khỏe như sốt, ho, sổ mũi là mọi người tự ý đến hiệu thuốc để mua kháng sinh, hay các bậc cha mẹ tự ý mua kháng sinh cho con mình sử dụng mà không cần biết con mình có nhiễm khuẩn hay không, trẻ em thì có phải uống liều như người lớn không và uống trong thời gian bao lâu là hợp lý.

Từ phía nhân viên y tế

Bên cạnh đó, các hiệu thuốc dễ dàng tự ý bán thuốc kháng sinh cho bệnh nhân mà không quan tâm bệnh nhân có toa của bác sĩ hay không, hay thậm chí bệnh nhân chỉ cần mang toa thuốc cũ, toa thuốc của người quen, hoặc chỉ cần bảo muốn mua thuốc kháng sinh là được.
Không phải lúc nào vi khuẩn cũng gây hại cho cơ thể, có những loại vi khuẩn gây bệnh cũng có những loại vi khuẩn thường trú có lợi. Khi sử dụng kháng sinh bừa bãi, vi khuẩn có lợi cũng bị tiêu diệt, ví dụ như các vi khuẩn thường trú trong đường tiêu hóa, khi đó sẽ gây ra các triệu chứng rối loạn tiêu hóa như tiêu chảy, đau bụng, buồn nôn, v.v…
Đối với các bệnh nhân hen suyễn dị ứng, kháng sinh cũng là một tác nhân kích thích. Nếu sử dụng kháng sinh quá bừa bãi có thể làm bệnh nhân, đặc biệt là trẻ nhỏ lên cơn hen cấp tính. Nhiều trường hợp trẻ em bị hen cấp tính vì bố mẹ lạm dụng thuốc kháng sinh cho con quá nhiều. Kháng sinh sau khi uống vào cơ thể sẽ được chuyển hóa qua gan hoặc qua thận, nếu sử dụng quá mức có thể gây ảnh hưởng xấu đến các cơ quan này, thậm chí dẫn đến suy gan, suy thận.

2.3. Trong thực tế hàng ngày, việc sử dụng kháng sinh của thầy thuốc cũng rất rộng rãi

Trong thực tế hàng ngày, việc sử dụng kháng sinh của thầy thuốc cũng rất rộng rãi, nhiều khi tuy biết rằng không có chỉ định nhưng bác sĩ vẫn viết đơn thuốc có kháng sinh vì chẩn đoán không rõ ràng, vì thiếu phương tiện chẩn đoán vi sinh học nên dùng kháng sinh, nhất là loại có kháng sinh phổ rộng để điều trị bao vây, hoặc ghi đơn theo đòi hỏi của bệnh nhân (vì sợ mất thân chủ).

Khảo sát các đơn thuốc tại các phòng khám và tiệm bán thuốc trên toàn thành phố Đà Nẵng năm 2008 đã có 66,9% đơn thuốc có kháng sinh (chiếm 47,5% chi phí mua thuốc). Tại huyện Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định, có đến 98,1% kê đơn kháng sinh khi bệnh nhân có nhiễm khuẩn. Số đơn có phối hợp kháng sinh chỉ chiếm 12,9% và phần lớn là phối hợp 2 loại kháng sinh…. Tuy nhiên còn có đến 61% cho kháng sinh không đủ liều lượng, 28% đơn thuốc không đặc hiệu với vi khuẩn, 6% đơn không cần thiết phải cho kháng sinh, 100% đơn không có chỉ dẫn thời gian uống thuốc…

3. Hậu quả của việc sử dụng kháng sinh bừa bãi 

Việc lạm dụng thuốc kháng sinh gây nhiều hậu quả, trong đó có thể tóm tắt bằng 5 hậu quả sau:

3.1. Gây lãng phí

Nhiều bệnh nhiễm trùng do vi rút thì không cần điều trị bằng kháng sinh, nếu dùng kháng sinh không có tác dụng sẽ là gây lãng phí. Nhiều thầy thuốc vẫn giải thích rằng dùng kháng sinh trong trường hợp này là nhằm đề phòng bội nhiễm vi khuẩn, nhưng cách giải thích đó vẫn là một kiểu nguỵ biện.

3.2. Không khỏi bệnh

Sử dụng kháng sinh không đúng chỉ định gây lãng phí đồng thời còn không chữa khỏi bệnh cho bệnh nhân, thí dụ bệnh nhân bị lao phổi mà lại được chữa bằng ampicillin.

3.3. Chậm chẩn đoán

Sử dụng kháng sinh sớm và không đúng chỉ định có khi gây khó khăn cho chẩn đoán bệnh, ví dụ bệnh nhân bị viêm ruột thừa cấp mà dùng kháng sinh làm lu mờ các triệu chứng của bệnh gây trở ngại cho chẩn đoán bệnh, làm sai lạc chẩn đoán.

3.4. Tác dụng độc hại

Sử dụng kháng sinh khi không cần thiết hoặc không đúng chỉ định có khi dễ bị gây phản ứng dị ứng, mẫn cảm, có khi bị phản ứng phản vệ nguy hiểm có thể chết người. Nhiều loại kháng sinh có tác dụng phụ nguy hiểm nếu sử dụng liều cao hoặc kéo dài, ví dụ sử dụng Chloramphenicol ở trẻ em… có khả năng gây suy tuỷ. Một số kháng sinh như Streptomycine, Kanamycin dùng liều cao, hoặc kéo dài có thể gây điếc và suy thận….

3.5. Tăng khả năng kháng thuốc của vi khuẩn

Vi khuẩn nhờn thuốc

Lạm dụng kháng sinh dễ làm cho vi khuẩn nhờn thuốc, do đó làm giảm tác dụng chữa bệnh của thuốc, là hậu quả tai hại, rộng lớn và lâu dài cho toàn xã hội.. Sự kháng thuốc kháng sinh ở vi khuẩn xảy ra chủ yếu do sự hình thành những gen kháng thuốc ở nhiễm sắc thể hoặc tiếp nhận một plasmid kháng thuốc từ vi khuẩn khác truyền cho hoặc vi khuẩn ở một vài trạng thái sinh lý đặc biệt như vi khuẩn ở trạng thái ngủ nghĩa là không nhân lên có thể không chịu tác động của thuốc như vi khuẩn lao.
Hình thức mất vách của một số tế bào vi khuẩn (dạng L) sẽ không bị ảnh hưởng bởi các thuốc ức chế tạo thành vách như penicillin sau thời gian dùng thuốc các vi khuẩn này có thể lấy lại cấu trúc nguyên vẹn…Trong đó cơ chế vi khuẩn kháng thuốc do đột biến nhiễm sắc thể là cơ chế quan trọng làm phát sinh sự kháng thuốc của một biến chủng vi khuẩn. Một quần thể vi khuẩn có thể chứa những biến chủng đề kháng với một loại kháng sinh. Sự hiện diện của thuốc kháng sinh như thế chỉ chọn lọc cho phép các chủng đề kháng sống sót.

Hậu quả 

Vai trò của thuốc kháng sinh là một yếu tố chọn lọc biến chủng kháng thuốc. Một khi có sự hiện diện của biến chủng vi khuẩn kháng thuốc thì biến chủng này có thể truyền tính kháng thuốc này đến những vi khuẩn khác bằng nhiều cơ chế khác nhau: Chuyển thể, chuyển nạp, giao phối và như vậy sẽ lây lan tính kháng thuốc từ vi khuẩn này sang vi khuẩn khác. Do vậy việc lạm dụng thuốc kháng sinh tạo nguy cơ lớn để chọn lọc càng nhiều biến chủng vi khuẩn kháng thuốc.

DS Nguyễn Thị Thanh Loan

BỤI SIÊU MỊN, SÁT THỦ ÂM THẦM CHO SỨC KHỎE CỦA BẠN

tháng 11 11, 2019
Theo Trung tâm Quan trắc môi trường Việt Nam, nồng độ bụi mịn trong không khí tại Hà Nội và TP.HCM đang ở mức báo động. Theo đó, nồng độ bụi mịn đã vượt ngưỡng tiêu chuẩn của WHO và trở thành sát thủ với sức khỏe con người.

  1. Bạn biết gì về bụi mịn pm2.5 và pm 1.0

Bụi là danh từ chỉ một hỗn hợp phức tạp chứa các hạt vô cơ và hữu cơ ở dạng lỏng hoặc rắn, có khả năng bay lơ lửng trong không khí. Bụi hay hợp chất có trong bụi được gọi chung là Particulate Matter, ký hiệu pm.
Gần đây, nhiều người đã nghe các phương tiện truyền thông nói về bụi mịn pm2.5 và pm 1.0. Nhưng chắc nhiều người chưa biết bụi mịn là gì? Nó ảnh hưởng ra sao tới sức khỏe? Giới chuyên môn định nghĩa: bụi mịn pm2.5 là những hạt bụi li ti có trong không khí với kích thước 2,5 micron trở xuống. Bụi mịn pm2.5 được hình thành từ các chất như nitơ, carbon và các hợp chất kim loại khác.
Còn bụi mịn pm 1.0 là những hạt bụi dạng lỏng, hoặc rắn trôi nổi ngoài không khí. Chỉ số 1.0 là chỉ số kích thước các hạt có đường kính nhỏ hơn hoặc bằng 1 micromet. Bụi mịn pm 1.0  thường xuất hiện vào những ngày nhiệt độ thấp hoặc không khí khô.
Khi nồng độ bụi mịn pm2.5 trong không khí tăng lên sẽ làm cho không khí bị mờ đi. Tầm nhìn xa bị giảm trông giống như sương mù.

Bụi mịn tại các thành phố lớn là “sát thủ âm thầm” cho sức khỏe của bạn

  1. Bụi mịn sát thủ âm thầm cho sức khỏe

Bụi mịn pm2.5 có thể dễ dàng xâm nhập vào cơ thể con người. Qua đường hô hấp, nó gây nên một số bệnh nguy hiểm như đột quỵ, tim mạch, ung thư…
Còn bụi mịn pm 1.0, ngoài gây ra các bệnh lý về hô hấp. Nó còn có thể tấn công vào phế nang, đi vào hệ tuần hoàn gây bệnh. Đặc biệt, bụi pm1.0 còn gây ảnh hưởng hệ thống thần kinh và cấu trúc của AND. Ngoài ra, nó còn gây bệnh về tâm lý và giảm trí nhớ nghiêm trọng cho người bệnh.
Những người hay tiếp xúc với bụi mịn có thể sẽ bị hắt hơi, sổ mũi, khó thở, khô mắt… Đặc biệt, về lâu dài sẽ gia tăng tỷ lệ giảm chức năng phổi, viêm phế quản mãn tính. Hít bụi mịn thời gian dài sẽ gia tăng tỷ lệ tử vong do ung thư phổi và bệnh tim.
Bụi mịn còn được mệnh danh là sát thủ đẩy nhanh quá trình tiến triển của bệnh xơ gan. Đồng thời, bụi làm rối loạn chức năng gan, góp phần thúc đẩy bệnh tiểu đường.
Theo nghiên cứu của IARC và WHO, nếu mật độ bụi mịn pm 1.0 có trong không khí tăng lên 10μg/m3 thì tỷ lệ ung thư cũng sẽ tăng 22%. Mật độ bụi mịn pm2.5 tăng thêm 10 μg/m3 thì tỷ lệ ung thư phổi sẽ tăng đến 36%.
Bụi mịn pm2.5 và pm 1.0, xâm nhập vào cơ thể người thông qua hệ thống hô hấp khi con người hít thở. Tùy vào kích thước của hạt bụi, mức độ xâm nhập sẽ có sự khác nhau. Bụi mịn pm 1.0, đi vào cơ thể qua đường dẫn khí và tích tụ lại trên phổi. Còn, bụi mịn pm2.5 lại nguy hiểm hơn vì đi sâu vào các túi phổi, tĩnh mạch phổi. Đặc biệt, nó còn xâm nhập vào hệ tuần hoàn máu của người bệnh. Hít bụi mịn lâu ngày, tăng nguy bệnh tim mạch, hô hấp, tuần hoàn và cả hệ sinh sản.

  1. Phòng bụi mịn ảnh hưởng tới sức khỏe như thế nào?

Để có thể bảo vệ sức khỏe của bạn, thì việc tìm hiểu các cách bảo vệ khỏi bụi mịn là rất cần thiết.
Để có cách chống bụi mịn, trước tiên ta cần phải hiểu được chu kỳ của nó. Bụi mịn thường có xu hướng tăng cao vào các giờ cao điểm như 7 – 8 giờ sáng và 18 – 19 giờ chiều. Vào buổi trưa, từ 13 – 14 giờ và ban đêm từ 23 -1 giờ sáng thì có hướng giảm xuống thấp nhất.
Do đó, biện pháp phòng bụi mịn đầu tiên là đeo khẩu trang. Khẩu trang có thể phần nào chặn những hạt bụi kích thước 10μm xâm nhập vào cơ thể qua đường hô hấp. Do vậy, nếu có việc cần thiết phải đi ra ngoài thì hãy đeo khẩu trang.
Nếu có điều kiện, bạn hãy trang bị máy lọc không khí để giúp giảm bớt sự ô nhiễm. Đồng thời, tăng cường dinh dưỡng cho cơ thể. Khẩu phần ăn hàng ngày, hãy bổ sung thêm rau xanh và trái cây chứa vitamin A, C… để giúp tăng cường hệ miễn dịch.
Ngoài ra, bạn nên lựa chọn sống nơi trồng nhiều cây xanh. Kết hợp tập luyện thể dục, thể thao nâng cao sức khỏe, cải thiện sức đề kháng.

  1. Lưu ý khi chọn khẩu trang phòng bụi mịn

Hiện nay, đeo khẩu trang chính là cách đơn giản nhất đối với chúng ta, khi di chuyển ngoài đường. Tuy nhiên, khẩu trang vải, khẩu trang Y tế không có khả năng bảo vệ chúng ta trước bụi mịn. Do đó, bạn cần phải sử dụng khẩu trang phù hợp để chống bụi mịn.

Cần sử dụng khẩu trang chuyên dụng mới tránh hít phải bụi mịn
Một số lưu ý, khi chọn lựa khẩu trang chống bụi mịn như sau:
Lựa chọn chất liệu khẩu trang có khả năng lọc các vật chất nhỏ. Khẩu trang N95 và N99 được FDI Hoa Kì khuyến nghị nên sử dụng ở thành phố ô nhiễm không khí. N95 có nghĩa là khẩu trang này lọc được 95% các loại bụi có trong không khí kể cả bụi siêu mịn. Còn N99 lọc được 99% các vật chất có trong không khí, ngăn cản được cả các loại vi khuẩn, virus.
Khẩu trang cần ôm sát mặt, nó giúp cho không khí bẩn không chui vào phía trong. Khẩu trang ôm sát mặt, cho phép tối đa 5% không khí đi qua các khoảng trống.
Khẩu trang phải đảm bảo về mặt thẩm mỹ để giúp cho người dùng cảm thấy thoải mái và sẵn sàng đeo mọi lúc. Khẩu trang phải có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, đảm bảo.
Lưu ý, sau 10 -15 ngày sử dụng , bạn cần thay một cái khẩu trang mới.
TTVNTH

VẤN NẠN THUỐC CAM - Nguồn: Chăm con chuẩn Mỹ

tháng 11 11, 2019

⚠️ VẤN NẠN THUỐC CAM


Vẫn còn ngộ độc chì do bột thuốc cam!
👨🏻‍⚕️ Anh bác sĩ tiền bối ở Phú Thọ gửi cho BS. Mon, hỡi ôi lại ngộ độc chì rồi em ơi.
📝 Hôm nay thì báo chí đã đưa tin. Phải đưa tin chứ, dù chuyện cũ “biết rồi khổ lắm nói mãi”. Mà vẫn có người bị dụ mua rồi cho con dùng. Dại khờ quá trời!
📝 “Sau 1 tuần dùng thuốc nam và bôi thuốc cam chữa nhiệt miệng, bệnh nhi 14 tháng tuổi rơi vào tình trạng mệt mỏi, sốt cao, da vàng. Tại thời điểm nhập viện, bệnh nhi được chẩn đoán viêm gan cấp do ngộ độc thuốc nam. Hàm lượng chì trong máu trẻ cũng tăng gấp 13 lần do thuốc cam bôi chữa loét miệng.” - trích báo Dân trí

🙄 VẬY HÀNH TRÌNH NHƯ THẾ NÀO?

- Thủ phạm ngộ độc chì: “thuốc cam”
- Vì sao dùng “thuốc” này: tưa miệng, “cam răng” (nhưng lại không thích chấm kem trị bệnh siêu rẻ của Tây y, huhu).
- Vì sao đoán là có chì (kim loại nặng) trong thuốc cam: chụp X-quang gói thuốc (ảnh dưới) - sáng như bột sắt.
- Hậu quả ngộ độc chì: nhiều mức độ, thậm chí suy gan, suy các cơ quan, viêm não, co giật, hôn mê, tử vong.

👮🏼‍♂️ PHÂN TÍCH CỦA CHÚNG TÔI

🤨 Nhiều bố mẹ chưa biết đến thuốc cam, vậy là tốt, vì không cần dùng làm gì cả. Nhưng cần biết thêm để còn tuyên truyền khi bị dụ dỗ.
🍊 Thuốc cam là thuốc dạng bột, màu sắc phong phú được quảng cáo là chữa tưa miệng, cam răng và biếng ăn.
☯️ Từ góc độ lương y: Đông y không có vị thuốc nào màu mùi như thế, tễ bột bổ tì (bổ tì = ăn ngon) làm ra ở các nhà thuốc đông y gia truyền như của nhà bác Mon hoàn toàn có màu nâu, vị thơm, ngọt của dược liệu xay xát. Đông y hiện giờ hết sức hạn chế kim loại nặng để trị bệnh. Đơn giản vì ta đã có các lựa chọn tốt và an toàn hơn.
💊 Từ góc độ bác sĩ Tây y: Giả sử thuốc cam bậy bạ này họ trộn thuốc kích thích ăn, trộn kháng sinh, corticoid thì cũng khó có cái màu đó.
💄 Từ góc độ của người từng làm mĩ phẩm: Bác Mon tin rằng, chì ở đây chính là từ phẩm màu công nghiệp mà các lang băm trộn vào thuốc. Phẩm màu hữu cơ chuẩn không chì sẽ rất đắt, họ sẽ không đầu tư mua. Chì nhiễm gây ngộ độc ở đây như kiểu chì trong son môi đểu của chị em vậy.

👦🏻 TÁC HẠI CỦA CHÌ LÊN TRẺ EM

🛂 “Bộ Y tế đánh giá ngộ độc chì rất nguy hiểm, nhất là ở trẻ em. Ở trẻ em ngộ độc chì với nồng độ chì trong máu > 70 µg/dL thường gây hội chứng não cấp ở trẻ nhỏ. Trong khi đó, hội chứng não cấp dễ gây tử vong hoặc di chứng thần kinh, tâm thần nặng nề với tỷ lệ tử vong là 65% khi chưa có thuốc gắp chì và giảm xuống <5% khi có thuốc gắp chì có hiệu quả. Khoảng 25 - 30% trẻ sẽ bị di chứng vĩnh viễn gây chậm phát triển trí tuệ, co giật, mù, liệt…” - trích báo.
☝🏻 Ngộ độc chì nhẹ có thể không có triệu chứng rõ, nên nếu gia đình nào đã từng dùng thuốc cam, thuốc sài cho con em thì nên đưa trẻ đi khám và định lượng chì để xem xét điều trị. Nếu ở Hà Nội, bố mẹ có thể đến Phòng khám của Trung tâm Cấp cứu và Chống độc Nhi khoa - Bệnh viện Nhi Trung ương để được thăm khám, xét nghiệm và tư vấn.

🗣 TÓM LẠI:

 Không dùng thuốc cam trong mọi tình huống, mọi bệnh. Nhìn màu mè loè loẹt là có thể đoán là đầy kim loại nặng.
 Hãy đi khám và sử dụng các thuốc tây y rõ hoạt chất và liều lượng cho trẻ em.
❇️ Với trẻ nhỏ, bố mẹ cần thận trọng khi dùng thuốc nam và phải khám ở cơ sở khám chữa bệnh y học cổ truyền uy tín, có bác sĩ chuyên khoa thực thụ (không phải ông lang, bà lang vườn) để được kê đơn với các dược liệu an toàn và đúng bệnh, đúng tuổi.
💠 Dr. Mon - Đỗ Tiến Sơn
📝 Chăm con chuẩn Mỹ
Ảnh 2: Ảnh tư liệu của ThS. BS. Sáng.
Ảnh chụp gói thuốc ở ảnh 1 dưới tia X.
Một cách sơ bộ để đoán là có kim loại nặng ở trong bột thuốc.