PHÒNG NGỪA VIÊM MŨI XOANG CẤP Ở TRẺ EM

tháng 12 25, 2019
🔰 Rửa mũi nước muối sinh lý khi có biểu hiện triệu chứng.
🔰 Tiêm phòng đầy đủ theo chương trình tiêm chủng mở rộng, tiêm vắc xin là biện pháp hiệu quả để phòng cúm, phế cầu, phòng ngừa nhiễm trùng hô hấp cấp tính ở trẻ.
🔰 Khi xuất hiện các triệu chứng cần đến khám tại cơ sở y tế để có biện pháp điều trị phù hợp và tuân thủ điều trị không để bệnh diễn biến nặng sẽ điều trị khó khăn và khó phục hồi. Không tự ý cho bé dùng thuốc hay ngừng thuốc khi chưa hỏi ý kiến bác sĩ.
🔰 Giữ nhà cửa luôn thông thoáng sạch sẽ
🔰 Không hút thuốc lá, không cho bé tiếp cận với khói than, khói thuốc, ra đường cho bé đeo khẩu trang tránh khói bụi ô nhiễm đặc biệt trong tình hình ô nhiễm không khí như hiện nay.
🔰 Cho trẻ ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng, giữ ấm cơ thể, vệ sinh sạch sẽ các vật dụng xung quanh.
🔰 Tắm trẻ bằng nước ấm trong phòng kín gió để tránh nhiễm lạnh.
*********





👃👶 Viêm mũi xoang cấp ở trẻ em

• Là tình trạng viêm niêm mạc mũi và các xoang cạnh mũi trong 3 tháng
• Có khả năng tái phát nhiều lần
• Là một trong những bệnh thường gặp cần phải điều trị thuốc ở trẻ em < 6 tuổi.
• Thường xuất hiện sau 1 đợt viêm mũi họng cấp do các nguyên nhân khác nhau như vi khuẩn, virus, dị ứng, khói bụi..


👃👶 Triệu chứng

• Viêm mũi xoang cấp tính: triệu chứng xảy ra đột ngột và kéo dài trong 3 tháng:
- Sốt
- Ngạt tắc mũi, chảy mũi xanh hoặc vàng đặc, đau vùng mặt hoặc trán
- Ho cả ngày và đêm
• Nếu không điều trị tốt có thể gây biến chứng viêm tổ chức hốc mắt, abces ổ mắt, cốt tủy viêm xương hàm thường gặp ở trẻ nhỏ liên quan đến viêm các xoang sàng. Viêm màng não, abces não thường gặp ở trẻ>12 tuổi liên quan viêm xoang trán
• Khi có các biểu hiện, người bệnh cần đi khám bác sĩ chuyên khoa Tai- Mũi- Họng để nội soi và được chẩn đoán chính xác.

👃👶 Điều trị


• Nội khoa: là biên pháp cơ bản điều trị
- Toàn thân: Thuốc chống viêm, giảm đau, hạ sốt, giảm chảy mũi, long đờm, giảm ho, kháng sinh chỉ dùng trong viêm mũi xoang cấp do vi khuẩn.
- Tại chỗ: Làm sạch mũi, làm thông thoáng mũi là nguyên tắc điều trị cơ bản và quan trọng. Nếu trẻ khó hợp tác nên đưa trẻ đến cơ sở y tế uy tín để được hút rửa mũi điều trị tại chỗ giúp trẻ nhanh chóng hồi phục, hạn chế các biến chứng.
• Dùng thuốc chuyên khoa theo chỉ định của bác sĩ. Tuyệt đối không lạm dụng kháng sinh khi chưa được bác sĩ đồng ý sẽ gây tác dụng phụ ảnh hưởng sau này. Việc dùng thuốc cần căn cứ vào nguyên nhân gây bệnh và các bệnh liên quan.
• Ngoại khoa: Chỉ đặt ra trong trường hợp bệnh không cải thiện hay thường xuyên tái phát dù đã điều trị đúng và đủ về thời gian. Tùy trường hợp bác sĩ sẽ quyết định nạo VA, mở rộng lỗ thông xoang, loại bỏ những bất thường giải phẫu trong hốc mũi, cắt bỏ polip...
*********
Thời tiết giao mùa đông - xuân với đặc điểm độ ẩm cao, nhiệt độ thuận lợi là thời kỳ các loại virus, đặc biệt là virus cúm phát triển. Đây cũng là giai đoạn bệnh cúm mùa hoạt động mạnh. Khi bé bị cúm xuất hiện triệu chứng hắt hơi, sổ mũi, ngạt mũi, ho, sốt đáp ứng với hạ sốt kém. Triệu chứng của bệnh thường kéo dài 3-5 ngày nếu không có biến chứng và có thể kéo dài từ một đến vài tuần. Với trẻ nhỏ hơn 5 tuổi có thể gây các biến chứng như viêm phổi, viêm phế quản, viêm mũi xoang, viêm tai do virus cúm tự gây ra hay nhiễm khuẩn thứ phát. Trong đó viêm mũi xoang cấp là một trong những biến chứng thường gặp ở trẻ. Hãy nhanh chóng điều trị để bảo vệ sức khỏe trẻ em.

Theo BS:Tăng Thị Minh Thu

PHÒNG LÂY BỆNH Ở NHÀ TRẺ

tháng 12 25, 2019
🏘 Nhà trẻ là môi trường “hoàn hảo” cho mọi dịch bệnh lan tràn. Khi mấy cô cậu được quây lại bên nhau, xì mũi quệt ra tay rồi lại bôi lên đồ chơi bàn ghế. Lây cho bạn khác rồi lại bị lây lại. Trẻ còn ủ bệnh vài ngày trước khi rõ ốm (lúc đó là đã lây rồi).
Nhưng đến tuổi thì vẫn phải “đi bộ đội”, vì trẻ ốm vặt khi đi nhà trẻ sẽ đỡ ốm khi đi tiểu học (khi sự học quan trọng và khó hơn - nghỉ mấy buổi là vấn đề lớn hơn).

🦠 Trong mùa cúm này, có mẹ nhắn tin cho bác Mon - rằng cả trường con em sắp nghỉ cả vì cúm rồi. Vậy nên dù là cô giáo, hay bố mẹ, cũng cần nắm được các biện pháp phòng lây bệnh sau. Đặc biệt là mùa Tết đoàn viên sắp đến. Lũ trẻ lại được dịp quây quần.

👨🏻‍⚕️ MỘT SỐ CHÚ Ý KHI CON ỐM

- Xin nghỉ học nếu: ốm mệt, sốt, tiêu chảy, nôn, đau bụng, đau họng chảy dãi, nổi ban, nốt trên da, các bệnh truyền nhiễm như thuỷ đậu (ít nhất 24h sau bay ban), rubella (7 ngày từ lúc có ban), ho gà (5 ngày sau khi được dùng kháng sinh), quai bị (5 ngày), sởi (4 ngày sau ban).
- Không phải bệnh nào cũng phải cách ly (viêm tai giữa chẳng hạn).
- Nếu cần uống thuốc ở lớp, chú ý hỏi rõ quy trình cô giáo cho uống thuốc ở nhà trẻ của con (có nơi không cho uống thuốc thay được - trẻ sẽ cần nghỉ học những ngày đó).
- Nếu cô cho uống hộ: chú ý ĐÚNG trẻ, ĐÚNG thuốc, ĐÚNG liều và ĐÚNG đường dùng. Ghi rõ và trao đổi kĩ!
- Luôn ghi ít nhất 2 số điện thoại và luôn sẵn sàng nghe điện từ lớp.

⚔️ BIỆN PHÁP PHÒNG LÂY NHIỄM Ở LỚP MẪU GIÁO, NHÀ TRẺ

(Tiêu chuẩn sinh ra là để phấn đấu, và cũng áp dụng khi chăm con ở nhà luôn)
- Nên có bồn rửa tay mỗi phòng
- Nhà vệ sinh sạch, luôn sẵn giấy
- Đồ chơi trẻ hay ngậm vào mồm cần được khử khuẩn trước giờ học
- Tay nắm cửa, tủ, kệ, bình nước, mọi bề mặt của nhà vệ sinh, bàn thay bỉm cần phải được lau khử khuẩn cuối buổi học
- Bô ị phải được cọ rửa sau mỗi lần dùng
- Cô giáo, nhân viên phải được tiêm phòng hàng năm, đặc biệt là cúm
- Đồ ăn mẹ gửi cần được bảo quản đúng, tem mác rõ ràng
- Sữa mẹ gửi cần dán tên tuổi và bảo quản đúng
- Thực hành rửa tay tốt (mục riêng)
- Có nhân viên y tế trực 24/7

✋🏻 VỆ SINH TAY TỐT LÀ THẾ NÀO?

Cô giáo, bố mẹ và các con cần được hướng dẫn vệ sinh tay cả ngày, mỗi khi:
- Ngay khi vừa đến lớp
- Trước và sau khi cầm thức ăn, cho trẻ ăn và ăn uống
- Sau khi đi vệ sinh, thay bỉm, giúp trẻ đi tè ị
- Sau khi chùi mũi, xì mũi
- Sau khi chơi ngoài trời (nghịch cát chả hạn)
- Sau khi vầy nước
- Trước và sau khi cho trẻ uống thuốc
- Sau khi đổ rác, đồ bẩn
- Sau khi chơi với thú nuôi

Cần tâm tình và làm mẫu để trẻ dần có thói quen giữ vệ sinh và rửa tay thường xuyên.
😘 Đây chính là những cách để phòng bệnh lây lan hiệu quả khi cho con “đi bộ đội”. Chúc con khoẻ mẹ vui!
👨🏻‍⚕️ Bác Mon dễ thương
Chăm con chuẩn Mỹ
Ảnh của nhiếp ảnh gia Dirck Halstead chụp ở nhà trẻ Việt Nam năm 1980 - 5 năm sau Thống nhất đất nước.

CHẾ ĐỘ ĂN UỐNG CHO NGƯỜI VIÊM LOÉT DẠ DÀY

tháng 12 23, 2019
Viêm loét dạ dày không được điều trị có thể dẫn đến loét, đau, đau liên tục và chảy máu, có thể trở nên đe dọa tính mạng. Viêm dạ dày mãn tính cũng có thể dẫn đến ung thư dạ dày. Khi điều trị viêm loét dạ dày nên ăn gì?Kiêng ăn gì là điều hết sức lưu ý trong chế độ ăn của người bệnh.

  1. Chế độ ăn cho người viêm loét dạ dày

  • Nên ăn uống đúng giờ, điều độ: Theo nghiên cứu cho thấy, ăn đủ 3 bữa, uống 2lit nước mỗi ngày. Ăn đúng định lượng và đúng giờ dù đói hay không đói, sẽ giúp cho hệ tiêu hóa hình thành phản xạ có điều kiện hỗ trợ tuyến bài tiết tiêu hóa, có lợi cho tiêu hóa.
  • Nên ăn chín uống sôi, thức ăn nên được thái nhỏ, nấu nhừ. Nên ăn chậm nhai kỹ, để dạ dày không phải gồng mình làm việc. Vì khi nhai kỹ, sẽ tiết ra nước bọt có lợi cho việc bảo vệ niêm mạc dạ dày.
  • Tắm ngay sau khi ăn dễ dẫn đến trào ngược dạ dày thực quản. Cũng không nên chạy, nhảy sau khi ăn no.
  1. Viêm loét dạ dày ăn gì?

  • Nên ăn các thực phẩm tốt cho dạ dày như: trứng, sữa và các thực phẩm từ sữa.

Viêm loét dạ dày có nên ăn sữa chua?


Sữa chua có tính axit nhẹ, nhưng nó không làm dạ dày thêm axit khi ăn. Trong sữa chua có nhiều lợi khuẩn có tác dụng đẩy quá trình tiêu hóa thức ăn, làm sạch đường ruột. Bảo vệ dạ dày ngăn cản sự phát triển của vi khuẩn Hp, Ecoli.



  • Nên ăn cả các loại thịt, cá, tôm. Bởi trong tôm có nhiều chất kẽm tốt cho việc làm lành vết loét.
  • Gạo và các món làm từ gạo như: bán chưng, bánh mỳ,… đều tốt cho người bị viêm loét dạ dạ dày. Bởi nó có tác dụng bảo vệ lớp niêm mạc dạ dày.
  • Thực phẩm làm giảm tiết acid dịch vị: Những loại đồ ngọt như: đường, bánh mỳ, bánh quy, bánh xốp, mật ong có tác dụng hút acid làm giảm sự tiết acid dịch vị tốt cho bệnh dạ dày. Những món ăn từ gạo nếp, bột sắn, các loại khoai ninh nhừ… có tác dụng bảo vệ lớp niêm mạc dạ dày rất tốt.

Viêm loét dạ dày nên ăn rau gì?


Người bị viêm loét dạ dày, khó có thể hấp thụ các chất vitamin và khoáng chất. Vì vậy cần ăn nhiều các loại rau màu đỏ, vàng hoặc màu xanh đậm như: cà rốt, bí đỏ, cải xanh, bắp cải. Đây là những thực phẩm giàu vitamin A, B, C, E, D, acid folic, canxi, sắt, kẽm, magiê góp phần nhanh chóng làm lành vết loét.
  1. Viêm loét dạ dày kiêng ăn gì?


  • Nên ăn ít các thưc phẩm ngâm muối: dưa, cà, mắm muối, cá khô. Chứa nhiều muối làm cho dạ dày khó xử lý. Hơn nữa, chúng còn chứa một số chất gây ung thư (chẳng hạn dưa muối chua có chứa nitric gây ung thư) nên bạn càng không nên ăn.
  • Hạn chế ăn đồ sống, lạnh. Vì chúng ảnh hưởng đén niêm mạc dạ dày, dễ gây tiêu chảy hoặc viêm dạ dày.
  • Ăn ít thực phẩm chiên rán. Các thực phẩm này khó tiêu hóa làm gia tăng gánh nặng cho đường tiêu hóa. Ăn nhiều có thể gây máu nhiễm mỡ không tốt cho sức khỏe.
  • Dừng hút thuốc, tránh các chất kích thích như: rượu, bia,… để bảo vệ dạ dày. Bởi vì khi sử dụng chúng sẽ làm giảm sức đề kháng của dạ dày.
  • Uống nước đúng cách: Nên uống nước lúc ngủ dậy vào sáng sớm và một giờ trước khi ăn. Đó là thời điểm tốt nhất cho dạ dày và cơ thể. Không nên uống nước ngay sau bữa ăn. Điều đó sẽ làm loãng dịch vị dạ dày, càng dễ gây ra chứng đau dạ dày.
Theo Thầy thuốc Việt Nam

RỐI LOẠN KHỚP THÁI DƯƠNG HÀM - HÃY TẬP THỂ DỤC CHO HÀM CỦA BẠN

tháng 12 13, 2019
Buổi sáng thức dậy, nếu thấy mỏi hàm, đau vùng ngay trước tai, đau tăng khi nhai thức ăn, há ngậm miệng bị lệch hay có tiếng kêu, há miệng hạn chế…bạn nên đến gặp bác sĩ Răng Hàm Mặt ngay, bởi vì đây chính là những biểu hiện của một bệnh/ hội chứng có tên là rối loạn thái dương-hàm (RLTDH, theo cách gọi của người Mỹ) hay rối loạn chức năng khớp thái dương-hàm (RLCNKTDH, theo người Anh).
Rối loạn thái dương-hàm là thuật ngữ chung để chỉ một nhóm các bệnh lý của khớp thái dương-hàm, hoặc của các cơ liên quan đến sự nhai (cơ nhai, cơ thái dương, các cơ chân bướm), hoặc cả hai.

Rối loạn thái dương – hàm (nguồn: intrenet)
Hàng ngày chúng ta luôn phải thực hiện nhiều động tác ăn, nhai, nuốt, nói… nên một khi bị đau do rối loạn chức năng khớp thái dương-hàm thì thật khó chịu
Đau xuất hiện ở khớp thái dương-hàm, các cơ liên quan đến sự nhai và cũng có thể lan xa ra ngoài vùng hàm-mặt như ở cổ, vai…
Rối loạn chức năng thể hiện qua các dấu hiệu: tiếng lụp cụp hay lạo xạo tại khớp khi há ngậm, cảm thấy khó khăn khi đưa hàm sang bên, ra trước, há miệng theo đường chữ chi, há miệng lệch sang hẳn một bên.

Nguyên nhân của RLTDH có thể là do:

–       Chấn thương trực tiếp vào vùng khớp, há miệng quá mức trong thời gian lâu…
–       Các thói quen xấu: nghiến răng, cắn chặt răng…
–       Khiếm khuyết cấu trúc: thiểu sản/ bất sản lồi cầu, bất đối xứng khung xương mặt…
–       Các bệnh lý của khớp như Viêm đa khớp dạng thấp…
–       Ngoài ra, một số yếu tố góp phần đưa đến rối loạn thái dương-hàm như stress và các cản trở tại khớp cắn.
Hiện nay, khoa Phẫu thuật Hàm Mặt – Răng Hàm Mặt, Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM đang thực hiện các điều trị rối loạn thái dương – hàm, bao gồm:

Điều trị rối loạn thái dương – hàm 

  1. Điều trị không can thiệp:

. Thuốc: Kháng viêm – Giảm đau – Dãn cơ – An thần
. Tâm lý trị liệu: xoa nắn, chiếu tia hồng ngoại, chườm nóng, tập vận động hàm dưới…
. Đặt máng nhai (1): có tác dụng làm dãn cơ, giảm đau mỏi, giảm áp lực lên khớp thái dương-hàm, giúp bảo vệ các răng, giúp làm hài hòa thần kinh-cơ trong hệ thống nhai để khắc phục các rối loạn thái dương-hàm, chứng nghiến răng về đêm, vài hình thái của đau đầu.

Đặt máng đỡ điều trị rối loạn thái dương hàm (nguồn: internet)
  1. Điều trị can thiệp trên bộ răng và hệ thống nhai, gồm:

–       Mài điều chỉnh khớp cắn
–       Nhổ răng
–       Phục hình
–       Chỉnh hình
–       Phẫu thuật
Trong thời đại hiện nay, cuộc sống đầy áp lực là nguy cơ lớn khiến chúng ta mắc bệnh. Vì vậy, phòng ngừa là cách tốt nhất giúp bạn không phải đối mặt với sự khó chịu mà bệnh rối loạn thái dương-hàm gây ra.
Trước hết, hãy giữ cho tinh thần thoải mái, chế độ ăn tránh đồ quá cứng, quá dai. Quan trọng nhất là loại bỏ các thói quen xấu: nhai kẹo chewing- gum liên tục, ngậm lưỡi giữa các răng, cắn móng tay, cắn cây viết, cắn chặt răng…
Sau đó bạn hãy tập vận động hàm dưới, đây giống như bạn tập thể dục cho hàm vậy. Có vận động – thể dục, hàm của bạn sẽ khỏe mạnh. Đối với cơ – khớp, có thể nói vận động chính là cuộc sống!

Sau đây là bài tập vận động hàm: thực hiện các động tác sang hai bên của hàm dưới:

–       Nhả răng nhẹ nhàng, hàm ở tư thế nghỉ, hai hàm răng không đụng nhau
–       Đưa cằm sang phải và không há lớn thêm, về lại vị trí nghỉ, đưa cằm sang trái. Thực hiện trước gương để dễ dàng định hướng vận động, chậm rãi (nếu bạn có một máng nhai, sẽ tập các vận động này dễ dàng hơn)
–       Thực hiện 10 động tác đưa cằm sang phải / trái x 5 lần / ngày.
–       Không cần đưa hàm sang bên tới biên độ tối đa.
Sau giai đoạn luyện tập từ từ này, thực hiện 50 động tác mỗi ngày, ngày nào cũng tập.
Chúng tôi tin rằng bạn có thể tập thể dục hàm đều đặn mỗi ngày!
(1)Từ “máng nhai” đã quen dùng trong ngành răng ở nước ta, được dịch từ “occlusal splint” tiếng Anh. Dịch theo từ nguyên thì nó có nghĩa là máng mặt cắn của răng, khi mang nó thì hai hàm răng xa nhau và không đụng đến nhau.

BS Đỗ Thị Ngọc Anh – Khoa Phẫu thuật Hàm mặt – Răng Hàm Mặt 
Trích Tạp chí “Sống khỏe” số 18 – Bệnh viên Đại học Y Dược Thành phố Hồ Chí Minh

CHÓNG MẶT

tháng 12 13, 2019
Chóng mặt là triệu chứng của rối loạn thăng bằng, do một số nguyên nhân gây nên. Thuật ngữ chóng mặt bao hàm một phạm vi rất rộng, từ cảm giác váng đầu nhẹ cho đến tình trạng chóng mặt nặng.


Định nghĩa chóng mặt

Chóng mặt là triệu chứng của rối loạn thăng bằng, do một số nguyên nhân gây nên. Thuật ngữ chóng mặt bao hàm một phạm vi rất rộng, từ cảm giác váng đầu nhẹ cho đến tình trạng chóng mặt nặng. Chóng mặt được định nghĩa là một ảo giác về sự vận động. Bản thân người bệnh cảm thấy như chính mình hay ngoại cảnh xung quanh đang vận động hoặc đang xoay vòng hay nghiêng ngả hoặc thấy như đang rơi từ trên cao xuống dù thực tế không có sự vận động nào.

      Bệnh chóng mặt (nguồn: internet)
Ý thức về một sự thăng bằng bình thường của cơ thể đòi hỏi một tác động qua lại phức tạp giữa các bộ phận sau đây:
  • Tai trong (còn gọi là mê nhĩ) giám sát các hướng của vận động, ví dụ như rẽ ngoặt, xoay vòng, tiến – lùi, từ bên nọ sang bên kia và lên – xuống.
  • Hai mắt, cũng giám sát vị trí của cơ thể trong không gian và các hướng của vận động.
  • Các thụ thể áp lực trong các khớp của chi dưới và cột sống, cho biết phần nào của cơ thể đang đưa xuống thấp và chạm đất.
  • Các thụ thể cảm giác của cơ và khớp (còn gọi là các thụ thể bản thể) cho biết các phần nào của cơ thể đang vận động.
  • Hệ thần kinh trung ương (não và tủy sống) xử lý các thông tin đến từ bốn hệ thống nói trên để duy trì sự cân bằng và thăng bằng của cơ thể.
Kết quả là trong sự vận động của đầu, cổ, chân, mắt cùng phần còn lại của cơ thể, con người luôn giữ được sự thăng bằng và mắt vẫn nhìn thấy rõ khi đang di chuyển.
Chóng mặt xảy ra khi có sự trái ngược về thông tin giữa tai trong và các hệ thống giác quan khác, hoặc khi có một khiếm khuyết trong sự tích hợp trung ương  ở  não về các thông tin từ tiền đình đi lên. Nói cách khác, các triệu chứng của chóng  mặt và say tàu xe xuất hiện khi mà hệ thần kinh trung ương tiếp nhận các thông tin trái ngược đến từ bốn hệ thống khác nhau.

Chẩn đoán người bệnh chóng mặt

Khi khám một người bệnh than chóng mặt, trước hết cần phân biệt để loại trừ các trường hợp thường được gọi là “chóng mặt tiền ngất”. Trong các trường hợp này,  người  bệnh  không  có  một cảm giác nào bất thường về vận động hay di chuyển, chỉ thấy bị lả đi, choáng váng, tối sầm mắt như sắp ngất xỉu (ví dụ trong tụt huyết áp, giảm đường-huyết), hoặc như bị mất thăng bằng mà không do nguyên nhân tiền đình (ví dụ trong các bệnh thần kinh như Parkinson, chứng mất điều hòa của tiểu não, hoặc khi có các vấn đề về xương- khớp hay tác dụng phụ của một số thuốc). Hiếm khi chóng mặt có thể là triệu chứng của một vấn đề thần kinh nghiêm trọng hơn, như đột quỵ do nhồi máu não hay chảy máu não, đa xơ cứng…
Với những trường hợp chóng mặt thực sự, có nguồn gốc tiền đình, cần xác định xem do các nguyên nhân ngoại biên (giới hạn đến thần kinh VIII trước khi đi vào thân não) hay trung ương (thân não hay não). Nếu là một chóng mặt do rối loạn tiền đình ngoại biên, sẽ xác định nguyên nhân chóng mặt là ở một bên tai hay ở cả hai bên. sau cùng sẽ xác định xem các triệu chứng trên là do một tổn thương đang ổn định hay đang tiến triển.
Nhiều bệnh lý khác nhau có thể ảnh hưởng đến tai trong hoặc hệ tiền đình và gây ra chóng mặt. Trong đó có một cách có thể giúp cho chẩn đoán phân biệt bớt phức tạp là căn cứ trên độ dài thời gian từ lúc bắt đầu cơn chóng mặt cho đến lúc kết thúc:
  • Các cơn chóng mặt ngắn (từ vài giây đến vài phút)

Loại chóng mặt hay gặp nhất là chóng mặt tư thế kịch phát lành tính. Cơn chóng mặt nặng nhưng ngắn, xảy ra ngay lúc đổi tư thế đầu khi trở mình trên giường hoặc khi ngồi dậy buổi sáng. Thường không rõ nguyên nhân và khỏi dần theo thời gian. Chóng mặt kéo dài hàng phút có thể gặp trong các cơn thiếu máu não thoáng qua.
  • Các cơn chóng mặt dài trung bình (từ nửa giờ đến vài giờ)

Các loại chóng mặt này hiếm gặp hơn và được cho là do tăng áp lực của dịch tai trong. Bệnh Ménière (hay bệnh tăng dịch nội bạch huyết) gây ra các cơn chóng mặt nghiêm trọng và kéo dài vài giờ. Thường kèm theo nôn và có thể mở đầu bằng giảm thính lực, cảm thấy đầy trong tai và ù tai.
  • Các cơn chóng mặt dài  hơn (từ nhiều ngày đến nhiều tuần)

Viêm mê nhĩ (do nhiễm trùng tai trong)  hoặc  viêm  dây  thần  kinh tiền  đình  (thường  do  vi-rút)  có thể gây ra chóng mặt xoay tròn nghiêm trọng. Cơn chóng mặt xảy ra đột ngột, kèm theo buồn nôn hoặc nôn và rối loạn thăng bằng, kéo dài từ dăm ba ngày đến 2 – 3 tuần.

           Chẩn đoán bệnh chóng mặt (nguồn: internet)
Trong bệnh nhức nửa đầu (migraine), thời gian chóng mặt rất thay đổi (từ vài giây đến vài ngày) và tỷ lệ gặp khá cao. Trong nhức nửa đầu: các triệu chứng nặng hơn nhiều so với đau đầu thông thường, một vài người thấy có “tiền triệu” thị giác trước khi lên cơn nhức nửa đầu.

Phân biệt chóng mặt trung ương với chóng mặt ngoại biên chóng mặt trung ương thường

Do các bệnh của hệ thần kinh trung ương cùng với các thương tổn của dây VIII. Hiếm có một sang thương ở hệ thần kinh trung ương gây chóng mặt mà không có các dấu hiệu thần kinh khác. Thường đi kèm với các khiếm khuyết thần kinh như: triệu chứng của các dây thần kinh sọ, rối loạn điều chỉnh thị lực, rối loạn điều hòa (có thể là chỉ điểm quan trọng nhất các bệnh của tiểu não), dấu hiệu Romberg (+) (là dấu hiệu cho biết mất sự kiểm soát của các thụ thể bản thể khiến cho người bệnh đứng không vững khi nhắm mắt), yếu liệt chi, giảm hay mất cảm giác, chảy máu hay thiếu máu của tiểu não, của các nhân tiền đình và các kết nối trong thân não…
Chóng mặt trung ương thường bắt đầu từ từ, có xu hướng nhẹ hơn nhiều so với chóng mặt ngoại biên. Khám cẩn thận hệ thần kinh, tim mạch và huyết áp là quan trọng để nhận biết những người bệnh chóng mặt trung tâm. Huyết khối trong tim có thể đưa đến đột quỵ, các dấu hiệu rung nhĩ hay mạch chậm có thể gợi ý một đột quỵ đang diễn ra.
Khác với các sang thương tiền đình ngoại biên, các rối loạn tiền đình trung ương thường có rung giật nhãn cầu (chứng rung giật nhãn cầu gồm vận động chậm của mắt về một phía, tiếp sau là một vận động phục  hồi  nhanh về phía đối diện) liên tục và bất thường.
Chóng mặt ngoại biên thường bắt đầu đột ngột, kết hợp với buồn nôn hay nôn, người bệnh than phiền về nghe. Những dấu hiệu sau đây có thể giúp gợi ý một sang thương ngoại biên: bệnh viêm tai giữa cấp, viêm tai giữa

Phòng bệnh chóng mặt

Lời khuyên cho những người dễ bị chóng mặt

  • Cần hiểu rõ chóng mặt có thể làm cho bạn mất thăng  bằng, dễ té ngã dẫn đến chấn thương nghiêm trọng.
  • Ngồi hay nằm xuống ngay lập tức khi bạn  bắt đầu  cảm  thấy chóng mặt.
  • Tránh thay đổi tư thế đột ngột, nằm xuống ngồi lên từ từ, nhất là khi quay hay xoay đầu.
  • Bỏ hẳn hay giảm sử dụng những thứ không tốt cho tuần hoàn như thuốc lá, rượu, cà phê, muối. Uống đủ nước.
  • Giảm tối đa các stress và tránh các chất mà bạn dị ứng.
  • Điều trị các nhiễm trùng, nhiễm lạnh, cúm, sung huyết xoang và các nhiễm trùng hô hấp.
  • Loại bỏ các thảm dày trải sàn và các dây điện gây vấp ngã. Đặt thảm chống trượt trong bồn tắm và sàn buồng tắm.
  • Tránh lái xe hay vận hành các máy móc nặng nếu bạn bị chóng mặt thường xuyên.
  • Cầu thang hay lối đi lại phải được chiếu sáng tốt về đêm khi bạn rời khỏi giường.
  • Chống gậy khi đi lại cho vững, nếu cần.

Lời khuyên cho những người dễ bị say tàu xe

  • Không đọc khi di chuyển.
  • Tránh ngồi các ghế phía cuối xe.
  • Không ngồi ở ghế nhìn ra sau.
  • Không quan sát hay nói chuyện với một hành khách khác cũng bị say tàu xe.
  • Tránh các mùi nặng, hôi  thối và đồ gia vị hay các thức ăn béo ngay trước hay trong chuyến đi…
  • Hỏi thầy thuốc của bạn về việc sử dụng các thuốc chống say tàu xe.
GS TS BS Phạm Kiên Hữu – Đại học Y Dược TPHCM
Trích Tạp chí “Sống khỏe” số 08 – Bệnh viện Đại Học
Y Dược Thành phố Hồ Chí Minh

TÁC HẠI KHÔN LƯỜNG CỦA VIỆC CHO CON UỐNG NHIỀU SỮA VÀ CANXI ĐỂ TĂNG CHIỀU CAO

tháng 12 13, 2019
Cho con uống nhiều sữa và canxi là cách nhiều bà mẹ thường dùng để tăng chiều cao cho con. Tuy nhiên, nếu bổ sung sữa và canxi không đúng cách, mẹ có thể gây hại cho sức khỏe của trẻ.
  1. Hậu quả của việc thừa canxi do bổ sung sai cách
Theo tổ chức Y tế Thế giới WHO, mỗi độ tuổi cần một lượng canxi theo tiêu chuẩn sau:
Trẻ em 0 -1 tuổi: cần 400mg – 600mg /ngày.
Trẻ em 1-10 tuổi : cần 800 mg /ngày.
Người lớn 11- 24 tuổi cần 1200 mg /ngày.
Người lớn 24 – 50 tuổi cần 800mg – 1000mg /ngày.
Phụ nữ có thai, người cao tuổi: cần 1200 mg – 1500 mg /ngày.
Do đó, nếu việc bổ sung canxi cho trẻ quá liều sẽ gây ra tác hại khôn lường. Dưới đây, là hậu quả của việc thừa canxi mà trẻ gặp phải khi mẹ bổ sung không đúng cách.
Đầu tiên, trẻ thừa canxi có thể gây ức chế việc hấp thu các chất khác như sắt và kẽm. Do đó, những trẻ thừa canxi có nguy cơ cao thiếu sắt và kẽm. Mặt khác, khi cơ thể bị thừa canxi sẽ gây quá tải cho thận. Nếu mẹ bổ sung canxi quá liều, lâu dài sẽ khiến cho con có nguy cơ bị sỏi niệu quản, sỏi thận.
Thứ hai, nếu trẻ dùng canxi liều cao sẽ gây rối loạn canxi máu và rối loạn nhịp tim. Mặt khác, thừa canxi còn gây ra tình trạng sỏi thận mãn tính, vôi hóa khớp vai, canxi hóa động mạch… rất nguy hiểm cho trẻ.
Thực tế, nhiều trẻ có dấu hiệu thiếu canxi, mẹ thường tự ý đi mua canxi về cho con uống dẫn đến quá liều. Do đó, khi thấy trẻ khát nước, đi tiểu nhiều, buồn ói… thì mẹ phải đưa con đến gặp bác sĩ ngay để xử trí.
Tóm lại, Canxi là khoáng chất có vai trò vô cùng quan trọng trong sự phát triển của trẻ. Nhưng mẹ không được lạm dụng quá nhiều. Mẹ nên có sự tư vấn từ bác sĩ nếu có nhu cầu muốn bổ sung canxi cho con.

Chỉ uống canxi và sữa để phát triển chiều cao sẽ gây hại cho trẻ
  1. Chế độ ăn để trẻ tăng trưởng chiều cao tối ưu
Theo các chuyên gia dinh dưỡng, để trẻ tăng trưởng chiều cao tối ưu, mẹ cần cung cấp đủ các dưỡng chất sau:
Về canxi, tùy theo lứa tuổi trẻ cần khoảng 500-1000mg một ngày. Vì vậy, trẻ cần khoảng 500ml sữa mỗi ngày.
Ngoài ra, mẹ nên cho con ăn thêm các thực phẩm giàu canxi như cua, ốc, tôm, tép, đậu hũ… Cung cấp đủ chất đạm và lysine (thịt, cá trứng, đậu hũ) từ 30 – 90g trong mỗi bữa ăn chính tùy lứa tuổi trẻ.
Vitamin D giúp hấp thu canxi tại ruột và tăng khả năng tái hấp thu canxi tại thận. Vitamin D còn giúp tổng hợp chất protein chuyên chở canxi trong máu. Mẹ có thể cho con ăn các thực phẩm giàu vitamin D như (sữa, bơ, phomai, trứng, gan…). Ngoài ra, cho trẻ vận động ngoài trời nắng nhẹ để cơ thể hấp thụ tiền chất vitamin D nằm dưới da.

Chế độ ăn đa dạng giàu dướng chất mới là cách giúp trẻ cao khỏe
Vitamin A đặc biệt cần thiết cho sự tăng trưởng của trẻ. Thức ăn nhiều Vitamin A là sữa, trứng, cá, gan, thịt… Các loại rau lá xanh đậm, củ quả màu vàng cam (cà rốt, đu đủ, xoài chín…) chứa nhiều tiền chất vitamin A tốt cho trẻ. Chế độ ăn của trẻ cần có chất béo để giúp hấp thu vitamin A. Đối với trẻ 6 – 36 tháng tuổi, cần bổ sung vitamin A liều cao 6 tháng 1 lần.
 Theo Thầy thuốc VN  tổng hợp

VAI TRÒ CỦA VỖ RUNG TRONG ĐIỀU TRỊ BỆNH HÔ HẤP Ở TRẺ SƠ SINH VÀ TRẺ NHỎ

tháng 12 08, 2019

Vỗ rung kết hợp dẫn lưu tự nhiên là kỹ thuật quan trọng giúp bệnh nhân tống đờm ra khỏi đường hô hấp, làm giảm ứ đọng đờm ở những bệnh nhân bị bệnh đường hô hấp, những bệnh nhân hôn mê, liệt… có xuất tiết ứ đọng đờm dãi.

  • Dẫn lưu tự nhiên là phương pháp làm sạch phế quản bằng cách kiểm soát hít vào và thở ra chậm với tư thế ngồi, nằm ngửa hoặc nằm nghiêng.
  • Giải phóng tắc nghẽn mũi họng:
+ Đây là cách làm sạch khoang mũi và vòm mũi họng
+ Kích thích để hắt hơi

1.Chỉ định, chống chỉ định

Chỉ định

  • Viêm phế quản phổi.
  • Viêm phế quản.
  • Viêm tiểu phế quản.
  • Hen phế quản.
  • Giãn phế quản.

 Chống chỉ định

  • Chấn thương lồng ngực.
  • Trẻ mắc bệnh tim mạch.
  • Tràn dịch, tràn khí màng phổi.
  • Ung thư phổi.
  • Dị tật đường thở.
  • Ngay sau khi trẻ ăn no.

Nguyên tắc vỗ, rung

  • Nguyên tắc của vỗ: Dùng tay vỗ nhẹ vào ngực nhằm tạo nên các sóng xung lực tác động qua thành ngực truyền vào phổi, làm các cục đờm ứ đọng dính vào phế quản bị bong ra rồi đờm được dẫn lưu vào phế quản lớn và ho tống ra ngoài.
  • Nguyên tắc của rung: Động tác rung lồng ngực bổ sung cho kỹ thuật vỗ, tạo lực thúc đẩy đờm dễ thoát ra ngoài.
  • Ngừng ngay vỗ, rung nếu các dấu hiệu hô hấp xấu đi.
  • Cách xa bữa ăn (1h30).
  • Tôn trọng các nguyên tắc vệ sinh.

  1. Chăm sóc

Kỹ thuật vỗ

  • Bà mẹ khum bàn tay, khép các ngón tay vỗ vào ngực, lưng bằng cách lắc nhẹ cổ tay, vỗ nhịp nhàng, di chuyển tay trên thành ngực và sau lưng với nhịp và lực đều nhau.
  • Đối với trẻ sơ sinh tác động lực khi vỗ chủ yếu là 2/3 bàn tay nghiêng về phía các ngón tay.
  • Thời gian vỗ từ 1 đến 3 phút ở mỗi khu vực.
  • Tư thế bàn tay đúng khi vỗ lồng ngực.

Kỹ thuật rung

  • Nguyên lý: Làm tăng luồng khí thở ra.
  • Kỹ thuật: Bàn tay của người rung tiếp xúc thật sát với lồng ngực, lưng bệnh nhân, gồng toàn bộ cánh, cẳng tay và đẩy nhẹ trong suốt khi thở ra
  • Lặp lại 5 lần rung ở một vị trí trên lồng ngực.

Dẫn lưu tự nhiên

  • Kỹ thuật này cho phép giảm sức cản phế quản và giúp trẻ dễ thở hơn.


  • Bà mẹ ép 2 tay xuống ngực trong lúc trẻ thở ra.

Các tư thế vỗ lồng ngực và dẫn lưu ở trẻ

  • Thùy trên phổi

  • Thùy dưới phổi

Giải phóng tắc nghẽn mũi họng
  • Giải phóng tắc nghẽn mũi họng làm thông thoáng đường thở trên tránh sự nhiễm bệnh và lập lại chức năng sinh lý của mũi
  • Đặt trẻ nằm ngửa
  • Bà mẹ đặt đứa trẻ nghiêng mặt về một bên, nhỏ nước muối sinh lý vào lỗ mũi phía trên, kiểm soát để cho nước nhỏ mũi chảy xuống lỗ mũi sau, giữ chặt cằm đứa trẻ.
  • Làm tương tự với lỗ mũi bên kia, sau đó cho trẻ nằm ngồi hoặc nằm sấp để dịch tiết chảy ra ngoài.
  • Kỹ thuật này hơi khó nhưng nếu bà mẹ cố gắng làm cho con thì sẽ rất tốt cho trẻ, giúp trẻ dễ thở do đờm dãi được làm sạch.

Chú ý khi vỗ, rung
  • Tổng thời gian vỗ và rung không quá 30 phút.
  • Vỗ lồng ngực cho trẻ khi dạ dày rỗng, tốt nhất là trước bữa ăn hoặc sớm nhất là 1 giờ sau khi ăn để tránh gây nôn. Có thể tiến hành vỗ lồng ngực nhiều lần trong ngày.
  • Trước và sau khi vỗ rung lồng ngực bạn phải hút đờm dãi khỏi mũi họng của trẻ.
  • Trước khi vỗ lồng ngực hãy cởi bỏ bớt quần áo bó chặt khỏi người trẻ, đặt trẻ ở tư thế thích hợp. Trẻ có thể nằm úp lên ngực mẹ, nằm úp lên đùi mẹ nghiêng mặt về một bên, nằm ngửa trên đùi mẹ đầu hơi ngửa về sau.
  • Cha mẹ tháo bỏ nhẫn, đồng hồ và vòng đeo tay. Phủ một tấm vải mỏng lên người trẻ nếu trẻ cởi trần, tránh vỗ trực tiếp vào da của trẻ.
  • Tiếp đó gập bàn tay của bạn ở chỗ cổ tay rồi khum bàn tay lại. Giữ cho ngón cái ép vào ngón trỏ. Khi vỗ vào lồng ngực, bạn sẽ nghe thấy âm thanh rỗng bồm bộp do khí bị kẹt giữa lòng bàn tay khum và lồng ngực gây ra. Nếu ânh thanh phát ra bèn bẹt, giống như khi vỗ tay, thì cần kiểm tra lại vì có thể bàn tay bạn cong chưa đủ.Vỗ đúng cách không hề gây đau cho trẻ.
  • Thực hiện vỗ lồng ngực, bạn chỉ cần di chuyển cổ tay chứ không di chuyển cánh tay và vai.Vỗ bên trái rồi sang bên phải. Chú ý không vỗ vào vùng dạ dày, xương ức hay xương sống. Khi thao tác vỗ long đờm cần thực hiện dứt khoát và đều đặn, nhưng không quá mạnh, khoảng 1-3 phút ở mỗi vị trí.
  • Vỗ long đờm sẽ hỗ trợ cho việc điều trị viêm phổi nhanh khỏi hơn.
Nguồn: Khoa sơ sinh - BV Nhi TW