CÁCH PHÒNG TRÁNH LÂY NHIỄM COVID-19 KHI TRẺ ĐI HỌC

tháng 8 03, 2020
Sau nhiều tháng hoành hành, dịch bệnh COVID-19 do chủng mới virus corona vẫn chưa có dấu hiệu chấm dứt. Cộng thêm khả năng lây truyền dễ dàng khiến nhiều người, nhất là các bậc phụ huynh cảm thấy lo ngại khi trẻ bắt đầu đi học lại. Bài viết dưới đây sẽ liệt kê một số cách phòng tránh lây nhiễm COVID-19 cho con những ngày đến lớp theo khuyến cáo từ Bộ Y tế. Mời cha mẹ cùng tham khảo.

Nguy cơ lây nhiễm COVID-19 ở trẻ em

Theo một nghiên cứu nhỏ được công bố trên tạp chí Y khoa The Lancet, độ tuổi trung bình của các bệnh nhân nhiễm COVID-19 là 55. Nhóm người bị đe dọa nhiều nhất là những người có sức khỏe yếu, mắc bệnh mạn tính và người già. Và thực tế cho thấy có vẻ như số bệnh nhân nhiễm virus là trẻ em rất ít. Tính chung toàn thế giới chỉ đếm trên đầu ngón tay. 

               Giáo viên cùng học sinh dán bảng hướng dẫn phòng dịch COVID-19 tại cổng trường.

Các chuyên gia về dịch tễ học lại nhận định: Việc không có nhiều trẻ em bị xác nhận mắc bệnh cũng có thể là do nhóm đối tượng này dù nhiễm virus nhưng lại có các triệu chứng nhẹ hơn. Do đó không được báo cáo cho chính quyền địa phương. Dù lý do gì thì tỷ lệ trẻ em mắc bệnh COVID-19 thấp cũng là một điều rất tích cực. Bởi khác với người lớn, trẻ em không thực sự ý thức được việc cần rửa tay, che miệng và hạn chế tiếp xúc với người khác để phòng tránh lây lan virus corona mới. Tất nhiên, phụ huynh cũng không nên vì thế mà chủ quan mà cần chủ động rèn và dạy trẻ một số kỹ năng bảo vệ bản thân.  

Một số cách phòng tránh lây nhiễm COVID-19 khi trẻ đi học

Uống nước nhiều, ngủ đủ giấc để phòng tránh lây nhiễm COVID-19

Bác sĩ Trương Hữu khanh, Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM) chia sẻ, để tăng cường sức đề kháng cho trẻ nhà trường và phụ huynh nên khuyến khích các em uống đủ nước, ăn nhiều rau xanh, trái cây, tăng cường các loại vitamin, khoáng chất. Bác sĩ nhấn mạnh việc uống đủ nước và ngủ sớm, đủ giấc rất quan trọng trong việc giữ sức khỏe cho học sinh khi trở lại trường trong mùa dịch. 

Ngoài ra, đặc tính của virus corona mới (Sars-Cov-2) là giảm động lực và khả năng lây truyền ở nhiệt độ cao, ánh nắng, thông thoáng. Vì vậy nên mở cửa các lớp học cho không khí lưu thông để phòng tránh COVID-19.

Thường xuyên rửa tay với xà phòng, vệ sinh thân thể

Cha mẹ và thầy cô cùng phối hợp giúp  trẻ xây dựng thói quen rửa tay với xà phòng. Cần nhấn mạnh với trẻ duy trì việc rửa tay trong tối thiểu 20 giây. Các thời điểm phải rửa tay: trước và sau khi ăn, sau khi đi vệ sinh, sau khi chơi đồ chơi, sau mỗi tiết học, trước khi về nhà, khi đã về nhà,… Đồng thời, cha mẹ hướng dẫn trẻ súc miệng, họng bằng nước súc miệng. Hạn chế đưa tay lên mắt, mũi, miệng và tiêm phòng đầy đủ. Nhắc nhở trẻ che miệng, mũi khi ho hoặc hắt hơi để giảm phát tán các dịch tiết đường hô hấp. 

             Cha mẹ hãy kiên trì hướng dẫn còn rửa tay đúng cách với xà phòng dưới vòi nước sạch.


Đeo khẩu trang đúng cách khi ra ngoài 

Trẻ em là đối tượng chưa có ý thức phòng bệnh. Việc đeo khẩu trang lại gây vướng víu nên nhiều trẻ không hợp tác. Cha mẹ cần nhẹ nhàng nói chuyện, hướng dẫn con cách làm. Đối với các bé lớn, cha mẹ hãy nói ngắn gọn về tác dụng của việc đeo khẩu trang. Kết hợp nhờ cô giáo trò chuyện trên lớp cùng con. Bên cạnh đó, cha mẹ cùng cần giữ ấm cho trẻ trong những ngày thời tiết lạnh, ẩm. 

                            Cô giáo hướng dẫn trẻ mẫu giáo đeo khẩu trang đúng cách.

Khử trùng, vệ sinh lớp học và không tổ chức các hoạt động tập thể

Trong công tác phòng tránh lây nhiễm COVID-19 khi trẻ trở lại lớp, nhà trường cần chung tay với phụ huynh. Điều cần thiết nhất chính là khử trùng, giữ gìn vệ sinh lớp học, đồ chơi, giường nằm… Vệ sinh kỹ bằng cồn hoặc dung dịch sát khuẩn các vị trí tiềm ẩn nguy cơ lây truyền bệnh như tay nắm cửa, bàn ghế.


Trong thời gian này, nhà trường cũng nên hoãn các hoạt động tập thể, tham quan thực tế, dã ngoại, học thêm. Hàng ngày, trước khi vào giờ học, giáo viên điểm danh học sinh và hỏi học sinh có cảm thấy sốt hay ho và khó thở, mệt mỏi không. Nếu có, giáo viên đưa ngay học sinh đến phòng y tế để theo dõi.

Cho trẻ nghỉ học khi có dấu hiệu ốm bệnh

Các bệnh truyền nhiễm lây lan rất nhanh trong môi trường lớp học. Do đó, để phòng tránh lây nhiễm cho các trẻ khác, cha mẹ nên cho con nghỉ học khi có biểu hiện nhiễm khuẩn đường hô hấp trên như ho, sốt, chảy mũi… Nếu kèm theo tiền sử tiếp xúc với người nghi ngờ nhiễm COVID-19, cần đưa trẻ đến ngay các cơ sở y tế gần nhất để được các bác sĩ theo dõi và điều trị kịp thời. Không nhất thiết phải đến các bệnh viện tuyến trung ương để tránh lây nhiễm chéo.


Nguồn: Thaythuocvietnam.vn